Khắp nơi khốn khổ vì từng “mê”... hoa sữa

Cây hoa sữa trên đường Lê Văn Lương (Hà Nội)
Cây hoa sữa trên đường Lê Văn Lương (Hà Nội)
Có thể vì câu hát “Hoa sữa vẫn ngọt ngào đầu phố đêm đêm” của nhạc sỹ Hồng Đăng miêu tả vẻ đẹp lãng mạn của Hà Nội mà nhiều thành phố trên cả nước có phong trào trồng hoa sữa. Để bây giờ người dân lại kêu trời vì mùi hoa sữa nồng nặc...

"Hoa sữa vẫn đầu độc đầu phố đêm đêm"

Đầu đông, trên nhiều nẻo đường Hà Nội cũng như các tỉnh thành trên cả nước nồng nặc mùi hoa sữa. Những ngày này nếu chạy xe trên các con phố, nhất là vào giờ tan tầm xe cộ đông đúc, mùi khói xe cộng thêm mùi hoa sữa nhiều người cảm giác như sắp ngạt thở. 

Trên đường Lê Văn Lương, Trung Hoà, Nguyễn Chí Thanh (Hà Nội) những hàng cây hoa sữa dày đặc hai bên đường hoa chi chít. Chị Minh Anh (một cư dân trên phố Trung Yên- Hà Nội) cho biết: "Tôi bị viêm mũi dị ứng, cả mấy tháng nay suốt cả ngày lẫn đêm phải chịu đựng mùi hoa sữa vô cùng khổ sở. Chẳng thấy lãng mạn đâu, chỉ thấy nhức mũi, bệnh viêm mũi dị ứng càng nặng nề."

Trên Facebook cá nhân của mình, nhà báo Đoàn Công Huynh viết: “Nếu trước hè phố nhà tôi có cây hoa sữa thì tôi sẽ thế nào? Đây là tình huống rùng rợn nhất mà tôi có thể tưởng tượng ra. Có lẽ nó không chết thì tôi chết. Không thể có cây gì gây ô nhiễm môi trường và đáng sợ hơn cây này. Nhưng thật trơ trêu, đó lại là sản phẩm của đầu óc lãng mạn.”

Ông viết: “Ban đầu nhạc sĩ Hồng Đăng chỉ mới nghe nói đến cây hoa này mà kỳ thực anh chưa hề biết nó thế nào - theo một lần anh trả lời phỏng vấn - và anh đưa nó vào lời bài hát cho phim Hà Nội mùa chim làm tổ. Thế rồi cây hoa sữa nhanh chóng trở thành một khuôn sáo, một ước lệ về vẻ đẹp lãng mạn mùa thu Hà Nội. Cả nước ngưỡng mộ, cả nước trồng rồi cả nước chặt vội, vì nó gây đau khổ cho bạn bè thân hữu, bà con khối phố. Từ Yên Bái, Thái Bình, Vĩnh Phúc vào đến Quảng Nam và hơn nữa. Mất tiền trồng, mất tiền chặt. Mất chi phí thành tiền và mất bao thiện cảm không tính nổi thành tiền.”

Còn nhà văn Song Hà sống ở Hương Sơn, Hà Tĩnh cũng cảm thán trên Facebook vì mùi hoa sữa: “Cuối thu rồi nhưng vẫn nôn nao mùi hoa sữa. Chưa khi nào sợ mùi hoa sữa như bây giờ. Ngồi uống nước mà mấy lần suýt nôn vì cái mùi khó chịu như mùi thuốc trừ sâu này.

"Hoa sữa vẫn ngọt ngào đầu phố đêm đêm, có lẽ nào anh lại quên em, có lẽ nào anh lại quên em...".

“Tôi đồ rằng, có lẽ nào phong trào trồng hoa sữa ở các địa phương được bắt nguồn và lấy cảm hứng từ câu hát rất trữ tình bên trên của Hồng Đăng? Và ước gì ngày xưa nhạc sỹ có thể sửa 1 trong 2 chỗ thôi, thì đã không có những cây hoa sữa mọc um tùm trên đường phố như hôm nay.

Đó là bỏ dấu ngã ở chữ sữa đi, thành hoa sưa; hoặc thay ngọt ngào đầu phố đêm đêm thành "nồng nặc đầu phố đêm đêm" để khuyến cáo giám đốc các công ty cây xanh từ bỏ ý định trồng đại trà nó khắp các tuyến đường. Nghệ thuật là ánh trăng lừa dối! Chưa bao giờ thấy nó đúng một cách đau khổ như tối nay!” – Nhà văn Song Hà chia sẻ.

Nhiều thành phố phải chặt bỏ cây hoa sữa

Vừa qua, Thành phố Quy Nhơn (Bình Định) đã  “ra quân” chặt bỏ 3000 cây hoa sữa để giảm thiểu mùi hương. Ông Đỗ Đình Phương - Giám đốc Công ty công viên cây xanh và chiếu sáng đô thị Quy Nhơn  đã chia sẻ với báo giới rằng: "Bình thường hoa sữa phát triển rất tốt, tạo độ che phủ, duy chỉ có mùa hoa nở, lượng hoa nhiều, tỏa hương nồng gây ảnh hưởng đến sức khỏe và sinh hoạt của người dân", 

Theo ông Phương, trước đây, khắp thành phố Quy Nhơn có khoảng 4.000 cây hoa sữa, chủ yếu do người dân trồng tự phát. Tuy nhiên, đến mùa cây ra hoa, hương quá nồng khiến người dân phản ứng.

Thậm chí mấy năm trước còn có địa phương đòi kiện chính quyền vì mùi hoa sữa gây ảnh hưởng tới sức khoẻ, nhiều hàng quán cạnh những cây hoa sữa vắng khách vì khách sợ mùi hương hoa sữa. Và trước đó nhiều tỉnh thành đã đồng loạt chặt hạ bớt cây hoa sữa vì người dân phản ánh ảnh hưởng đến sức khoẻ “hành hạ đến lỗ mũi” của nhiều người.

Chị Quỳnh An, ở phố Hàng Bài (Hà Nội) cho biết:  “Em bị dị ứng với hoa sữa, mỗi mùa hoa đến là có cảm giác choáng váng và là nỗi kinh hoàng. Ở Hà Nội năm nay cây sữa nở hoa 3 lần mới kinh khủng, nó nở liền một mạch vào các tháng 9, 10, 11. Đến bây giờ vẫn nồng nặc khủng khiếp.

Nhiều ý kiến cho rằng, nếu cả con phố chỉ trồng một cây thì đỡ, đằng này, họ lại trồng suốt một con đường hoa sữa, lúc trổ bông đại trà gây khó chịu. “Phong trào hoa sữa” là một chọn lựa cây xanh đô thị sai lầm của nhiều địa phương trên cả nước.

Theo các bác sĩ Viện Tai Mũi Họng TW cũng: "Cây hoa sữa gây dị ứng cho người có cơ địa nhạy cảm với phấn và hương hoa. Có không ít trường hợp, nhất là trẻ nhỏ bị dị ứng phấn và mùi hương của hoa gây viêm mũi dị ứng, viêm phế quản. Hoặc với những người đã mắc các bệnh như hen suyễn, viêm xoang thì càng khó khăn hơn. Ngoài ra phấn hoa còn có thể gây dị ứng ngoài da".

Theo Theo Infonet
MỚI - NÓNG