Không quyết liệt, cả giải pháp và giao thông đều... tắc

Ông Nguyễn Nguyên Quân
Ông Nguyễn Nguyên Quân
TP - Ngày 15/9 báo Tiền Phong đăng cụm bài “Hà Nội tìm lời giải chống ùn tắc”, đề cập một số giải pháp giảm xe cá nhân, chống ùn tắc tại Hà Nội đang được triển khai rất chậm, chưa hiệu quả. Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Nguyên Quân, Trưởng Ban Đô thị HĐND thành phố Hà Nội, cho biết, một số nội dung báo đề cập, trong đó có đề án Quản lý phương tiện giao thông, Ban đã đề nghị UBND thành phố có báo cáo vào kỳ họp HĐND thành phố sắp tới.

Vướng tại đâu?

Thưa ông, ông có đánh giá gì sau gần 1 năm triển khai đề án Quản lý phương tiện giao thông?

Sau nhiều năm xây dựng và chuẩn bị phương án, Đề án “Tăng cường quản lý phương tiện giao thông nhằm giảm ùn tắc, ô nhiễm môi trường trên địa bàn thành phố giai đoạn 2017 - 2020 và tầm nhìn 2030” (gọi tắt là đề án Quản lý phương tiện giao thông) được HĐND thành phố thông qua tháng 9/2017 là một sự cố gắng rất lớn của UBND thành phố. Nếu thực hiện tốt, kịp thời các chỉ tiêu đề án đề ra thì giao thông và cảnh quan môi trường thành phố sẽ có một sự thay đổi vượt bậc. Sau khi đề án được thông qua và HĐND thành phố ra Nghị quyết (Nghị quyết số 04/2017/NQ-HĐND) thực hiện thì Ban Đô thị vẫn theo dõi, giám sát, phối hợp để cụ thể hóa từng nội dung.

Sau khi Nghị quyết được ban hành, UBND thành phố đã ban hành cả một kế hoạch tổ chức thực hiện. Từ kế hoạch này đã phân công nhiệm vụ cho từng sở ngành, đơn vị. Nhìn chung, Nghị quyết đã được UBND thành phố triển khai một cách tích cực, chủ động.

Kiểm đếm lại những việc đã làm thì chúng tôi thấy rằng, sở, ngành, UBND thành phố cũng đã rất tích cực thực hiện, tuy nhiên, hiện nay còn có những nội dung công việc bị chậm. Với những việc chậm, thì phải xem vướng ở đâu. Ngoài yếu tố chủ quan, ở đây, chúng được biết một số nội dung thực hiện của đề án bị vướng cơ chế, chính sách. Đơn cử, có 7 nhóm giải pháp UBND thành phố vừa phải báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Quốc hội xem xét điều chỉnh luật, quy định. Tiến độ của các nhóm giải pháp này, trong đó có một số nội dung rất quan trọng là thu phí lưu hành phương tiện vào nội đô, phí phụ thu ô nhiễm môi trường thông qua đăng kiểm, quản lý các loại xe điện như phương tiện giao thông… hoàn toàn phụ thuộc vào quan điểm chỉ đạo của Chính phủ, Quốc hội.

Với các nhóm công việc thuộc thẩm quyền của Hà Nội, muốn thực hiện được cũng phải xây dựng thành chương trình, kế hoạch kèm lộ trình, chứ không phải làm ngay được. Tất nhiên là khó nên rất cần các cấp, ngành bắt tay thực hiện. Từ thực tế tăng phương tiện và ùn tắc giao thông hiện nay, chúng tôi thấy trong quá trình triển khai nếu UBND thành phố và các sở, ngành không chủ động, tích cực để đáp ứng được lộ trình đề ra thì nguy cơ đề án bị chậm và giao thông sẽ ùn tắc kéo dài vì quá nhiều xe cá nhân là điều có thể xảy ra. Trách nhiệm này thuộc về lãnh đạo các sở, ngành và UBND thành phố.

Không quyết liệt, cả giải pháp và giao thông đều... tắc ảnh 1 Cảnh tắc nghẽn thường xuyên xảy ra tại nhiều tuyến đường ở Thủ đô. Ảnh: Như ý

Tập trung giám sát thực hiện quy hoạch đô thị

Trước hàng loạt nội dung Đề án triển khai chậm, ngoài lý do khách quan, nguyên nhân chủ quan từ cơ quan thực thi là gì, theo ông?

Nghị quyết nêu rằng, hằng năm hay định kỳ, UBND thành phố phải tập hợp các kết quả thực hiện để báo cáo HĐND thành phố. Có lẽ năm nay là năm đầu thực hiện nên báo cáo kết quả thường kỳ hoặc gần 1 năm thực hiện HĐND chưa nhận được. Hơn nữa, trong các nội dung UBND thành phố trình sẽ báo cáo tại cuộc họp HĐND vào quý IV sắp tới, không thấy UBND thành phố đề cập đến kết quả nội dung thực hiện đề án Quản lý phương tiện giao thông. Ban Đô thị vừa ký văn bản đề nghị đại diện UBND thành phố đưa nội dung báo cáo sau 1 năm thực hiện đề án vào nội dung kỳ họp HĐND ở quý IV sắp tới. 

Để hoàn thành các mục tiêu đề án, rất cần sự vào cuộc của tất cả các cấp, các ngành. Đơn cử, nội dung xe ba bánh, do không được sản xuất, lắp ráp chính danh và cũng không có cơ quan quản lý nào cấp phép lưu hành nên về luật pháp, các xe này bị cấm hoạt động, cấm lưu thông trên đường. Cấm được loại xe này sẽ giúp thành phố hạn chế một lượng lớn xe chở hàng chạy cồng kềnh, không đảm bảo an toàn trên đường. Tuy nhiên, đề án và Nghị quyết của HĐND vẫn đưa nội dung này vào đề án để tăng sự đồng thuận. Đến nay, mọi chủ trương, quy định về loại xe này đã rất rõ ràng, CSGT, Thanh tra giao thông cần xử lý quyết liệt, triệt để không để chậm thêm nữa.

Hà Nội đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo về chống ùn tắc, quản lý phương tiện. Theo ông, sự “ùn tắc” trong giải quyết thực trạng này nằm ở khâu nào, cơ quan nào? 

Trong bối cảnh phương tiện tăng nhanh, dân cư tập trung chủ yếu trong khu vực các quận nội thành nhưng hạ tầng giao thông không thể phát triển thêm được nhiều thì ùn tắc giao thông là điều tất nhiên. Do vậy, với cơ quan quản lý phải hiểu và cắt nghĩa được vì sao dân cư, phương tiện giao thông lại tập trung đông vào nội thành. Còn chủ quan thì sao? Phải chăng thành phố thiếu kinh phí, thiếu quyết tâm? Điều này hoàn toàn không phải, vì cứ 2 đến 3 năm thành phố lại có một nghị quyết, chỉ thị ưu tiên đầu tư cho phát triển hạ tầng, tổ chức giao thông để giảm ùn tắc.

Từ thực tế và qua giám sát, chúng tôi thấy rằng, việc quy hoạch và thực hiện quy hoạch đang là mấu chốt của tình trạng ùn tắc. Tôi lấy ví dụ, nếu các tuyến đường, nút giao thông ở Hà Nội chỉ có thể đảm bảo cho khoảng từ 10.000 đến 15.000 lượt phương tiện lưu thông mỗi giờ, nhưng nay con số trên gấp nhiều lần thì ùn tắc sẽ xảy ra. Vì sao lượng phương tiện lại tăng cao như vậy?Đây chính là việc thực hiện quy hoạch đô thị, trong đó có xây dựng các tòa nhà cao tầng, trung tâm thương mại trong nội đô chưa hợp lý, đồng bộ. Cùng với đó, chủ trương di dời các trụ sở, trường học, bệnh viện, bến xe ra khu vực ngoại thành chưa hiệu quả. Những yếu tố này đã dẫn đến tình trạng “kéo” dân cư vào khu vực nội đô, gây áp lực quá tải cho hạ tầng giao thông và hạ tầng đô thị. Trong kế hoạch năm 2019, HĐND đã chọn nội dung là về quy hoạch để thực hiện các chương trình giám sát. Từ đó, sẽ có tổng hợp, đánh giá và tham mưu cho HĐND thành phố đưa nội dung này vào chương trình nghị sự tại các kỳ họp.

Cảm ơn ông.

MỚI - NÓNG