Khu LHTTQG Mỹ Đình: Bế tắc thu hồi đất

Các doanh nghiệp thuê đất của Khu liên hợp thể thao quốc gia Mỹ Đình, đang trong diện bị thu hồi theo quyết định của Bộ VH-TT&DL Ảnh: H.Minh
Các doanh nghiệp thuê đất của Khu liên hợp thể thao quốc gia Mỹ Đình, đang trong diện bị thu hồi theo quyết định của Bộ VH-TT&DL Ảnh: H.Minh
TP - Ngày 27/9 như Tiền Phong đã đưa tin, Tổng cục TDTT, Ban Quản lý Khu Liên hợp thể thao quốc gia (LHTTQG) Mỹ Đình đã có cuộc làm việc với đại diện các doanh nghiệp thuê đất của Khu Liên hợp, đang trong diện bị thu hồi theo quyết định của Bộ VH-TT&DL.

Lãnh đạo Tổng cục TDTT tham dự cuộc gặp là Tổng cục trưởng Vương Bích Thắng và Phó Tổng cục trưởng Phạm Văn Tuấn. Phía khu LHTTQG Mỹ Đình có Phó Giám đốc phụ trách Nguyễn Viết Tiến. Buổi làm việc bắt đầu từ khoảng 9h sáng, kéo dài hơn 2 tiếng đồng hồ nhưng không đem lại kết quả nào cụ thể. 

Ông Vương Bích Thắng nhắc lại chỉ đạo của Bộ VH-TT&DL đối với Khu LHTTQG Mỹ Đình về việc rà soát các hợp đồng liên doanh, liên kết, thu hồi mặt bằng cho thuê ngắn hạn tuân theo các nghị định của Chính phủ cũng như chỉ thị về quản lý, sắp xếp lại đất đai. Tuy nhiên, hầu hết đại diện các doanh nghiệp đều cho biết, yêu cầu thu hồi đất của Khu LHTTQG Mỹ Đình đưa ra quá gấp gáp, khiến doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc tìm nơi mới. 

Ông Phạm Ngọc Kiên, Phó Giám đốc Công ty TNHH Mỹ Đình Hà Nội Việt Nam cho biết: “Chúng tôi cũng nắm được mục đích việc thu hồi mặt bằng, sắp xếp, rà soát lại theo chỉ đạo của Bộ. Tuy nhiên, chúng tôi mong muốn lùi thời hạn di dời tới ngày 31/12 thay vì 30/9 để có thời gian chuẩn bị. Tôi cũng đề nghị từ nay tới thời điểm trên, Bộ VH-TT&DL, Tổng cục TDTT và Khu LHTTQG nên xem xét về việc thu hồi. Nơi nào có dự án đã được phê duyệt thì thu hồi trước, nơi nào chưa có thì làm sau”. 

Cũng theo ông Phạm Ngọc Kiên, Khu LHTTQG Mỹ Đình nên thông báo rõ cho doanh nghiệp về các dự án có thể triển khai. 

Đại diện một doanh nghiệp khác cho biết, sau khi thuê đất của Khu LHTTQG Mỹ Đình, đơn vị đã phải đầu tư rất nhiều tiền để thực hiện san lấp mặt bằng, đi đường ống, cơ sở vật chất để kinh doanh nhưng chưa kịp hoàn vốn thì đã bị thu hồi, thiệt hại rất nhiều. 

Theo đại diện một doanh nghiệp, cách làm việc của Khu LHTTQG Mỹ Đình là “bất chấp, tuỳ tiện”. Trong trường hợp bị “đè” ra thu hồi, doanh nghiệp sẽ gửi đơn lên Thủ tướng Chính phủ. “Vì miếng cơm, manh áo, chúng tôi đã phải nhịn. Chúng tôi đề nghị Tổng cục TDTT, Bộ VH-TT&DL rà soát lại cách làm việc của Khu LHTTQG”-đại diện một doanh nghiệp nói với Tiền Phong. 
Phó Giám đốc Khu LHTTQG Mỹ Đình Nguyễn Việt Tiến cho biết, Khu LHTTQG sẽ thực hiện thu hồi đất theo chỉ đạo của Bộ VH-TT&DL.

Trong trường hợp hết hạn, Khu LHTTQG sẽ thực hiện các biện pháp cần thiết. Ông Nguyễn Việt Tiến đề nghị các doanh nghiệp ngừng sản xuất, di dời và bàn giao lại mặt bằng theo thời hạn ngày 30/9 đặt ra. Tuy nhiên, trước phản ứng mạnh của nhiều đơn vị, Tổng cục TDTT cho biết sẽ ghi nhận các ý kiến, trước mắt đề nghị Khu LHTTQG Mỹ Đình không cắt điện, nước của các doanh nghiệp. Tổng cục TDTT sẽ báo cáo Bộ VH-TT&DL và cấp cao hơn để xin ý kiến trước khi có các quyết định khác. 

Trao đổi với Tiền Phong, GĐĐH Công ty Hanel Mirolin, bà Nguyễn Thị Kiều Hương cho biết, đại diện nhiều doanh nghiệp đã gửi đơn kêu cứu gửi Bộ VH-TT&DL, Khu LHTTQG Mỹ Đình trước khi có cuộc làm việc hôm qua.

“Chúng tôi cần được biết rõ nơi nào có dự án, nơi nào không. Với những khu vực đã có dự án được phê duyệt, chúng tôi sẵn sàng di dời như chỉ đạo của Khu LHTTQG. Nhưng nơi nào chưa có dự án, Bộ VH-TT&DL cần tạo điều kiện cho doanh nghiệp làm ăn. Doanh nghiệp chúng tôi đã rất khổ rồi, giờ lại như thế này thì không biết kêu ai”-bà Nguyễn Thị Kiều Hương nói. 

Theo tìm hiểu của Tiền Phong, một số doanh nghiệp đã ký hợp đồng thuê đất với Khu LHTTQG Mỹ Đình từ năm 2010, tức trước thời điểm Khu LHTTQG được Bộ VH-TT&DL cho thực hiện liên doanh, liên kết, tự chủ về tài chính. Tiền Phong sẽ có bài viết sâu hơn về vấn đề này ở số sau. 

MỚI - NÓNG
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
TP - Ngày 15/3/1953, nền Điện ảnh Cách mạng Việt Nam được thành lập tại chiến khu Việt Bắc. Một năm sau, ngày 13/3/1954, Chiến dịch Điện Biên Phủ diễn ra. Khi đó, trước và sau chiến dịch Điện Biên Phủ, điện ảnh Việt Nam đã có những bộ phim đầu tiên nói về chiến dịch này.