Khai mạc kỳ họp thứ 2 HĐND thành phố Hà Nội (khóa XV):

Kinh tế, xã hội Thủ đô đạt kết quả nổi bật

 Kinh tế, xã hội Thủ đô đạt kết quả nổi bật
TP - Trên tinh thần đổi mới phương thức chỉ đạo điều hành quyết liệt và sâu sát với phương châm “rõ người, rõ việc, rõ quy trình, rõ trách nhiệm và rõ hiệu quả”, cùng với sự nỗ lực của doanh nghiệp, đồng thuận của người dân đã giúp tình hình thực hiện kinh tế - xã hội của Thủ đô trong nửa đầu năm 2016 đạt được nhiều kết quả quan trọng.

Kinh tế tăng trưởng khá

Ngày 1/8, báo cáo tại kỳ họp thứ 2 HĐND thành phố Hà Nội, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Doãn Toản cho biết, trong 6 tháng đầu năm các lĩnh vực kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại của Thủ đô đạt kết quả tích cực, toàn diện. Trong đó một số lĩnh vực nổi bật như: xúc tiến đầu tư, thu hút FDI, đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, thu ngân sách, đơn giản hóa thủ tục hành chính, công tác vệ sinh môi trường, quản lý đô thị, du lịch, công nghiệp, an ninh trật tự, an toàn xã hội, đảm bảo an toàn giao thông, công tác bình ổn giá...

Về tình hình kinh tế, tổng sản phẩm trên địa bàn 6 tháng đầu năm tăng 7,3%. Trong đó ngành dịch vụ tăng 7,5%, ngành công nghiệp-xây dựng tăng 7,8%, ngành nông nghiệp tăng 2,1%, thuế nhập khẩu, thuế sản phẩm từ trợ cấp sản phẩm tăng 7,1%. Thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn đã đạt 85.856 tỷ đồng, bằng 50% dự toán. Chi ngân sách địa phương đạt 23.063 tỷ đồng, bằng 32% dự toán năm. Vốn đăng ký FDI đạt hơn 109.000 tỷ đồng. Giá cả thị trường được kiểm soát với chỉ số giá tiêu dùng bình quân 6 tháng tăng 2,08% so với cùng kỳ 2015.

Theo ông Toản, trong 6 tháng cuối năm, thành phố quyết tâm triển khai quyết liệt hơn nữa các giải pháp, chính sách để hoàn thành chỉ tiêu tăng trưởng cả năm từ 8,5-9,0%, riêng 6 tháng cuối năm phải đạt mức tăng trưởng 10 -11%. Chính vì vậy, thành phố tiếp tục đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư; thúc đẩy sản xuất kinh doanh, xuất khẩu. Giải pháp đặt ra là tập trung rà soát giảm mạnh thời gian và chi phí thực hiện thủ tục hành chính liên quan trực tiếp đến doanh nghiệp...

Sẽ thí điểm khoán xe công vào cuối năm

Thảo luận về tình hình kinh tế-xã hội của Thủ đô, Trưởng ban Pháp chế HĐND thành phố ông Nguyễn Hoài Nam cho rằng, do đặc thù Hà Nội rộng lớn, đòi hỏi sử dụng phương tiện xe công lớn là chính đáng. Tuy nhiên, theo ông Nam, Hà Nội cần phải có giải pháp, làm sao vẫn tạo điều kiện cho cán bộ thực hiện nhiệm vụ mà không vượt định mức xe công. “Tại sao trong báo cáo không có giải pháp khoán sử dụng xe công để giảm ngân sách? Bản thân người được sử dụng xe công cũng muốn khoán. Ban chúng tôi sẽ gương mẫu thực hiện trước, chỉ sử dụng xe to đi giám sát, các trưởng, phó ban chỉ đi xe tư nhân”, ông Nam nói.  Đồng thời, theo ông Nam, tính toán từ chi phí trong việc duy trì, bảo dưỡng, rồi “nuôi” lái xe thì có thể áp dụng được và có thể đưa vào giải pháp 6 tháng cuối năm trong việc sử dụng chi ngân sách.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, Nguyễn Doãn Toản cho biết, theo Quyết định 32 của Chính phủ, mỗi sở, ngành, quận huyện chỉ được sử dụng 2 xe công. Theo quy định này thì hiện thành phố vẫn thiếu 80 xe công. Theo ông Toản sẽ xây dựng định mức tiêu chuẩn xe chuyên dùng cho các đơn vị với tinh thần đảm bảo tiết kiệm ngân sách nhất. “Chúng tôi đang cho rà soát lại để xác định tiêu hao chi phí một năm, từ đó đưa ra mức khoán phù hợp với từng đơn vị, đối tượng. Nếu bây giờ đưa ra mức khoán cụ thể chung cho toàn thành phố sẽ bất cập. Đến cuối năm sẽ cố gắng thí điểm khoán xe công ở một số sở, ban, ngành, sau đó sẽ thực hiện nhân rộng”, ông Toản cho biết.

MỚI - NÓNG