Lối thoát nào cho các dự án BT tại Hà Nội?

Dự án cầu vượt nút giao Long Biên, một trong các dự án BT Hà Nội đang bị dừng giao đất đối ứng Ảnh: A.Trọng
Dự án cầu vượt nút giao Long Biên, một trong các dự án BT Hà Nội đang bị dừng giao đất đối ứng Ảnh: A.Trọng
TP - Ngoài dự án cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2 vừa bị nhà đầu tư rút lui, hiện trên địa bàn thành phố Hà Nội còn gần 20 dự án BT khác. Tổng quỹ đất đối ứng cần trả cho các dự án này lên cả nghìn ha. Tuy nhiên, tất cả đang bị dừng lại do cả Thanh tra Chính phủ và Bộ Tài chính đều “tuýt còi” hình thức thực hiện lâu nay. Vậy các dự án BT của Hà Nội sẽ đi về đâu?

“Cơn lốc” BT bị chặn

Với lý do ngân sách nhà nước hạn hẹp, trong nhiều năm qua hàng loạt dự án từ trọng điểm cho đến cấp bách đều được UBND thành phố Hà Nội triển khai theo hình thức BT (đổi đất lấy hạ tầng). Hình thức triển khai này đã sớm giúp thành phố có những công trình, con đường tầm cỡ, giải tỏa ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường. Tiếp đó, từ năm 2016 đến nay, lãnh đạo thành phố Hà Nội tiếp tục có văn bản đề xuất với Chính phủ triển khai khoảng 20 dự án BT, riêng trong năm 2017, đề xuất triển khai 16 dự án với tổng kinh phí hơn 130 nghìn tỷ đồng.

Tuy nhiên, dư luận và người dân trực tiếp bị ảnh hưởng bởi dự án BT cũng nhìn thấy một thực tế, không chỉ mình bị thiệt mà nhà nước cũng “thiệt đơn thiệt kép”. Đơn cử, khi nhà đầu tư lấy đất của người dân để làm đất đối ứng chỉ đền bù với khung giá khi chưa có hạ tầng, nhưng khi công trình và đường giao thông xây xong các khu đất này trở thành “đất vàng” và được nhà đầu tư giao bán với giá từ 30 đến 40 triệu đồng/m2. Thậm chí có dự án, xây đường chưa xong nhưng nhà đầu tư đã xây nhà để bán như dự án đường quanh khu Chu Văn An (Thanh Trì), dự án đường Ngọc Thụy - Thượng Thanh (Long Biên) do Công ty CP Khai Sơn thực hiện… Thấy người dân bị đền bù giá rẻ mạt do không được tính đúng giá thực khi công trình BT hoàn thành, nhiều ý kiến đã cho rằng, nhà nước cần xem xét việc triển khai các dự án theo hình thức BT.

Ngoài các nội dung trên, đại diện Hội Quy hoạch và phát triển đô thị Hà Nội còn cho rằng, trong 7 dự án BT đã triển khai và đưa vào hoạt động tại Hà Nội đều không thực hiện theo cơ chế đấu thầu mà chỉ chỉ định thầu; cùng với đó, đến nay nhiều dự án vẫn chưa được kiểm toán là những bất cập của dự án BT.

Ðề xuất 2 nội dung

Trong gần 20 dự án BT được Hà Nội đề xuất triển khai vừa qua, có 6 dự án đã được UBND thành phố giao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc Quyết định phê duyệt nghiên cứu khả thi. Bao gồm: Dự án đầu tư xây dựng đường từ đê sông Hồng đến Khu đô thị  mới C2 Gamuda (Hoàng Mai); Xây dựng các tuyến đường giao thông đấu nối hạ tầng các khu đô thị, dân cư quận Hà Đông; đường Minh Khai - Vĩnh Tuy - Yên Duyên đoạn nối với đường Minh Khai; dự án xây dựng đường Lê Trọng Tấn đến vành đai 2 quận Thanh Xuân; cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2.

Với dự án cầu Vĩnh Tuy 2, UBND thành phố Hà Nội đã có Quyết định đầu tư với tổng kinh phí hơn 2.500 tỷ đồng. Tập đoàn Him Lam được chọn là nhà đầu tư sau khi dự án được chuyển từ ngân sách sang đầu tư BT. Dự kiến quý 3/2020 sẽ tiến hành các thủ tục thi công và tháng 12/2022 hoàn thành dự án. Tuy nhiên, trong tuần qua đại diện UBND thành phố Hà Nội cho biết, thành phố sẽ đầu tư dự án này bằng ngân sách. Tập đoàn Him Lam đã xin ngưng đầu tư cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2.

Còn theo đại diện Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông Hà Nội - đơn vị được giao thực hiện và quản lý thi công các dự án giao thông trên địa bàn Hà Nội cho biết, không chỉ cầu Vĩnh Tuy mà hầu hết các dự án BT tại Hà Nội, thành phố đã có chủ trương đang bị đình trệ. Cũng theo đại diện Ban này, quy định để quản lý chặt chẽ hơn các dự án BT là tốt, tuy nhiên việc điều chỉnh chính sách này đang làm chậm việc triển khai các dự án giao thông.

Nhằm vừa đảm bảo tính chặt chẽ theo quy định của Chính phủ, vừa giúp các dự án đã có kế hoạch triển khai đúng thời điểm, tiến độ, ông Nguyễn Mạnh Quyền, Giám đốc Sở KH&ĐT đề xuất hai nội dung. Thứ nhất: với các dự án đã ký hợp đồng và thực hiện các thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư và được giao đất đối ứng trước thời điểm 1/1/2018, nên tiếp tục cho triển khai theo hợp đồng; Thứ hai: Với các dự án đã ký hợp đồng nhưng chưa giao đất cho nhà đầu tư có thể thực hiện theo 2 phương án: Tạm dừng cho đến khi Nghị định của Chính phủ ban hành; hoặc thực hiện theo phương án tiếp tục cho triển khai như tiến độ nhưng tạm dừng việc xem xét quỹ đất đối ứng cho đến khi Chính phủ có quy định mới.

Là cơ quan được UBND thành phố Hà Nội giao cho chủ trì rà soát và đưa ra các phương án xử lý khi các dự án BT đang bị tạm dừng để chờ quy định mới, Giám đốc Sở KH&ĐT Nguyễn Mạnh Quyền cho rằng, việc tạm dừng xem xét tài sản công để thanh toán cho các dự án BT theo yêu cầu của Bộ Tài chính sẽ làm kéo dài thời gian thực hiện các dự án. Cùng với đó, phải tính lại phương án tài chính khi dự án triển khai lại, hiệu quả và mục tiêu đầu tư các dự án cũng giảm do không đáp ứng đúng thời điểm trong giai đoạn 2016 -2020. 

MỚI - NÓNG