Luật Thủ đô: Động lực để Hà Nội phát triển

Luật Thủ đô đi vào cuộc sống đã giúp Hà Nội thực hiện tốt công tác phát triển hạ tầng giao thông. Ảnh: Như Ý
Luật Thủ đô đi vào cuộc sống đã giúp Hà Nội thực hiện tốt công tác phát triển hạ tầng giao thông. Ảnh: Như Ý
Chính thức có hiệu lực từ ngày 1/7/2013, Luật Thủ đô vừa tròn một năm đi vào cuộc sống. Nhìn lại một năm qua, không khó để nhận ra những tác động tích cực của luật quan trọng này đối với đời sống.

Nhưng như một lãnh đạo thành phố đã nói, Luật Thủ đô đã đi vào cuộc sống một cách rất tự nhiên; là yếu tố quan trọng góp phần tạo nên những bước đột phá cho Thủ đô Hà Nội trong tương lai. 

Những bước đột phá đầu tiên

Một chuyên gia ngành giáo dục từng than rằng, con em Hà Nội vẫn phải chịu mức học phí rất cao tới hàng trăm triệu đồng/năm học trong các trường "chất lượng cao" do nhà đầu tư nước ngoài tổ chức. Trong khi ngành giáo dục Thủ đô có thể xây dựng được các trường chất lượng cao với chi phí rẻ hơn nhiều lần. Vấn đề là thiếu cơ chế. 

Những băn khoăn trên đây đang dần được tháo gỡ nhờ hiệu lực của Luật Thủ đô. Với 2 quyết định của UBND thành phố và 1 nghị quyết của HĐND thành phố cụ thể hóa Luật Thủ đô, Hà Nội đã mở ra cơ hội hình thành các trường chất lượng cao bao gồm cả giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông. Thành phố đã trở thành địa phương đầu tiên và duy nhất cả nước đến thời điểm này ban hành được bộ tiêu chí trường chất lượng cao.

Hiện nay, Hà Nội đang tập trung thực hiện mục tiêu xây dựng thành công 35 trường chất lượng cao vào năm 2015. Khi đó, con em Hà Nội có thể được học trong môi trường giáo dục không thua kém các trường "chất lượng cao" có yếu tố nước ngoài, nhưng với chi phí chỉ khoảng 30-35 triệu đồng/năm.

Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội Nguyễn Hữu Độ khẳng định, đây là nhiệm vụ cấp bách, nhưng việc thực hiện vẫn tuân thủ chặt chẽ nguyên tắc "chỉ phát triển trường chất lượng cao ở những nơi đã có đủ chỗ cho học sinh và việc theo học là tự nguyện". 

Cùng với 3 quy định liên quan đến xây dựng cơ sở giáo dục chất lượng cao nói trên, ngay đầu tháng 7-2013, trên cơ sở chủ động chuẩn bị, UBND thành phố đã trình HĐND TP Hà Nội thông qua 10 nghị quyết cụ thể hóa Luật Thủ đô khác. Các nghị quyết quy định tập trung đối với các lĩnh vực cấp thiết như: Giao thông vận tải, khoa học - công nghệ, thu hút nhân tài, xây dựng nhà ở, phát triển hạ tầng xã hội, cải tạo chung cư cũ, cải tạo nhà cổ, biệt thự cũ, quy định về "Công dân danh dự Thủ đô Hà Nội"...

Trong một năm qua, giống như việc xây dựng các cơ sở giáo dục chất lượng cao, việc thực hiện các nghị quyết nói trên mới ở giai đoạn bước đầu. Bởi thực tế, đây đều là những vấn đề mới, đòi hỏi có thời gian dài để triển khai thực hiện. 

Tuy nhiên, trong một năm qua, những tác động tích cực từ cơ chế, chính sách đặc thù quy định trong các nghị quyết này đã khá rõ nét. Thành phố đã quy định tăng thêm 5% quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội trong các dự án nhà ở thương mại.

Thị trường nhà ở xã hội trên địa bàn Hà Nội đã phát triển tích cực với nguồn cung ngày càng tăng, thu hút ngày càng nhiều nhà đầu tư hơn, tạo thêm cơ hội sở hữu nhà cho người dân có thu nhập thấp. 

Đơn cử như tại KĐT Đặng Xá (huyện Gia Lâm), chủ đầu tư đã hoàn thành hơn 2.000 căn hộ nhà ở xã hội và đang chuẩn bị xây thêm 1.500 căn mới. Thành phố đã xác định được danh mục 1.253 nhà biệt thự cũ xây dựng trước năm 1954 và phân loại thành các nhóm trên địa bàn các quận: Ba Đình, Tây Hồ, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Đống Đa.

Liên quan một trong những nghị quyết trên, cuối năm 2013, thành phố đã hoàn thành GPMB dự án cải tạo chung cư cũ Nguyễn Công Trứ. Ngày 19-3 vừa qua, dự án đã chính thức khởi công. Đây là bước tiến trong lĩnh vực phức tạp từ nhiều năm nay.

Tiếp tục triển khai với trách nhiệm cao nhất

Nói đến Luật Thủ đô, không ít người nghĩ ngay tới quy định siết chặt nhập cư và quản lý quy hoạch xây dựng khu vực nội đô, mà ít khi đề cập đến những quy định có tính chất rất cơ bản của Luật Thủ đô như quy định về vị trí, vai trò, trách nhiệm của Thủ đô; trách nhiệm xây dựng, phát triển và bảo vệ Thủ đô.

Không phải đến khi có Luật Thủ đô, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô mới quan tâm thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ, sao cho xứng với vị trí của Thủ đô như được xác định trong Nghị quyết số 11-NQ/TƯ ngày 6-1-2012 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2011-2020.

Luật Thủ đô ra đời vừa là sự khẳng định, vừa trở thành động lực cho Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô. Trong năm qua, dù trong bối cảnh rất khó khăn về mọi mặt, Thủ đô Hà Nội vẫn duy trì tốc độ phát triển kinh tế cao hơn bình quân cả nước ít nhất 1,5 lần.

Đặc biệt, Hà Nội đã giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, tạo niềm tin cho bạn bè quốc tế... Bên cạnh đó, thành phố đã đẩy mạnh và có những bước tiến quan trọng trên các lĩnh vực như quy hoạch, quản lý và phát triển hạ tầng - đô thị, xây dựng nông thôn mới... 

Tất nhiên, quá trình hiện thực hóa những điều kiện thuận lợi mà Luật Thủ đô đem lại là một con đường dài nhiều trông gai phía trước. Đơn cử như việc ứng dụng công nghệ vào quản lý hệ thống giao thông, tạo nên hệ thống mạng liên thông hiện đại mới chỉ được manh nha với mô hình trung tâm điều hành xe buýt của Transerco...

Hay như việc huy động các nguồn lực, xã hội hóa đầu tư và hạ tầng, công viên, vườn hoa cũng mới đạt được kết quả mang tính cục bộ, còn nhiều cơ chế, chính sách cần được bổ sung, hoàn thiện. 

Đặc biệt là quy định về mức phạt cao hơn mức trung bình chung của cả nước để tăng tính răn đe, nâng cao hiệu quả quản lý một số lĩnh vực vẫn chưa được hiện thực hóa... Nhiều lĩnh vực được quy định trong Luật Thủ đô như "Quản lý không gian, kiến trúc, cảnh quan và xây dựng đô thị", "quản lý và bảo vệ môi trường", "quản lý đất đai", "bảo tồn và phát triển văn hóa"... vẫn đang đặt ra rất nhiều việc cần làm, phải làm ngay. 

Có một điều chắc chắn là Hà Nội sẽ triển khai thi hành Luật Thủ đô với trách nhiệm cao nhất đúng như Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị đã khẳng định trong ngày Quốc hội ấn nút thông qua. Nhưng Hà Nội cũng rất cần sự quan tâm, giúp đỡ, hỗ trợ của các bộ, ngành TƯ, các tỉnh, thành bạn và người dân cả nước để tạo nên sự phát triển bền vững đúng như Điều 4, Luật Thủ đô đã quy định: "Xây dựng, phát triển và bảo vệ Thủ đô là nhiệm vụ thường xuyên, trực tiếp của các cấp chính quyền và nhân dân thành phố Hà Nội; là trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, các lực lượng vũ trang và nhân dân cả nước".

Theo Võ Lâm

Theo Hà Nội Mới
MỚI - NÓNG