Miền đất nhung nhớ

TP - Người Việt mấy nghìn năm tao loạn luôn phải li hương tìm đến những miền đất yên ổn làm ăn. Đặc thù tâm lí nhớ quê hương có lẽ là nét đặc trưng trong con người Việt. Người già nhàn tản ngồi nhớ quê hương bản quán. Người trung tuổi tất bật làm ăn cũng dành những phút thư thái hiếm hoi nhớ về quê nhà. Trẻ con xa nhà thường không biết trình bày nỗi nhớ của mình thế nào ngoài việc khóc lóc mè nheo. Người Việt xa tổ quốc có lẽ nỗi nhớ đã trở nên thường trực không kể tuổi tác, chính kiến, công việc.
Miền đất nhung nhớ ảnh 1

Ảnh: Hồng Vĩnh

Người ở Hà Nội có nhiều nỗi nhớ quê hơn cả. Đơn giản vì Hà Nội không là quê hương của nhiều người sống ở đây. Cứ xem trên sách báo, tranh ảnh, thơ ca, nhạc họa thì thấy rất rõ. Không khó để nghe một khúc hát “…Ôi con sông quê, con sông quê…”, để xem một bức tranh, tấm ảnh về một miền quê nào đó. Đặc biệt là thơ văn viết về những miền quê của người sống ở Hà Nội thì nhiều vô kể. 

 

Hà Nội là miền đất nhớ. “Dù có đi bốn phương trời, lòng vẫn nhớ về Hà Nội…”, câu hát ấy của nhạc sĩ Hoàng Hiệp đã bật ra đằm thắm sau hơn 20 năm ông sống ở Hà Nội trở về miền Nam. Nhưng ngạc nhiên hơn là những câu thơ của nhà thơ Bùi Thanh Tuấn khi anh chỉ có đôi lần đến Hà Nội. Bài thơ “Hà Nội mùa vắng những cơn mưa” của anh được nhạc sĩ Trương Quý Hải phổ nhạc. “…Hà Nội mùa này chiều không buông nắng/ Phố vắng nghiêng nghiêng cành cây khô/ Quán cóc liêu xiêu một câu thơ/ Hồ Tây tím mờ…”. Không khó để những ai sống lâu ở Hà Nội nhận ra nét sang mùa của những ngày xưa êm ả…

Đường Cổ Ngư xưa đã được đổi tên vào năm 1960 thành Đường Thanh Niên. Lũ trẻ sinh ra, lớn lên vào thập kỉ 50-60 thế kỷ trước, Hà Nội ngày ấy coi đường Thanh Niên như một sân chơi tuyệt vời của mình. Dốc Yên Phụ làm nơi thả xe đạp chạy xa hàng trăm mét mới hết đà. Chùa Trấn Quốc với những ngọn tháp thâm nghiêm huyền bí đằng sau mấy cây phi lao già nua phong phanh lá bạc. Đền Quán Thánh với ông tượng Trấn Vũ khổng lồ nghiêm nghị trong hậu cung man mác khói trầm. Và những hàng hoa phượng, hoa ban rực rỡ bên sóng nước Hồ Tây, hồ Trúc Bạch. Lớn hơn chút nữa, con đường là nơi hẹn hò của trai gái Hà thành. Mượn chiếc xe đạp của phụ huynh đèo người yêu lên đấy lượn vài vòng là hãnh diện cả tháng trời với nhan sắc. Hà Nội bốn mùa. Cứ lên đường Thanh Niên là thấy rất rõ những khoảnh khắc sang mùa. Đầu xuân, hoa từ Yên Phụ, Nghi Tàm kĩu kịt gánh qua. Những cây hoa ban bắt đầu chúm chím từng bông hoa tím phía chùa Trấn Quốc. Sang hè, hoa sen trăm cánh từ trên mạn Nhật Tân, Quảng Bá kéo về. Hoa phượng rực trời bên hồ Trúc Bạch lan man khói nồng. Thu đến, trẻ con lũ lượt kéo lên Yên Phụ vào làng mua cá chọi chơi dịp nghỉ hè. Hoa cúc bắt đầu rộ lên vào tiết cuối thu mang xuống chợ nội thành. Mùa đông mới chính là mùa hoa Hà Nội. Rất nhiều loài hoa chịu rét trổ bông chuẩn bị cho dịp tết. Đào, mai, cúc, thược dược, violet, địa lan… Và con đường Thanh Niên bàng bạc rối những cành cây phượng khô già trong gió mùa.

Một vòng hoa giáp kể từ ngày tiếp quản Hà Nội đã qua. Lũ trẻ ngày ấy đã trở thành những ông già bà lão Hà Nội. Nhưng chắc chắn chưa ai quên được những tấp nập chợ Đồng Xuân lúc bấy giờ. Nhiều năm sau, Hà Nội mở ra hàng chục siêu thị nhưng có lẽ chưa có một siêu thị nào đầy đủ bán mua vui chơi như chợ Đồng Xuân ngày ấy. Làm thế nào để ăn được một bát miến lươn đầy đủ giá trần, dấm tỏi, tương ớt, quẩy giòn ở siêu thị bây giờ? Những dãy hàng ăn, bún chả, bún ốc, phở, bánh rán ngạt ngào khói bếp từ bên chợ Bắc Qua bay sang chợ Đồng Xuân. Lũ trẻ được cha mẹ cho đi chơi chợ luôn ngóng chờ đoạn kết của chương trình ở bên ấy. Chữ “thành thị” nếu đem chiết tự ra thì nó là phố của những ngôi chợ. Hà Nội có đến năm sáu ngôi chợ tổng hợp như thế. Chợ Đồng Xuân, chợ Hôm-Đức Viên, chợ Hàng Bè, chợ Hàng Da, chợ Cửa Nam, chợ Bưởi, chợ Mơ. Và những con phố có chữ Hàng…đứng đầu chính là những ngôi chợ chuyên doanh một mặt hàng nào đó ngày trước. 

Những đứa trẻ con nhà hàng phố khu vực quanh Bờ Hồ không cần khá giả lắm cũng thường lẫm chẫm những bước chân đầu tiên trên cây cầu Thê Húc để chụp ảnh kỉ niệm. Lớn hơn chút nữa là theo cả nhà ăn mặc đẹp đẽ, chải đầu bóng lộn sang hiệu ảnh Quốc Tế, Phương Đông bên Hàng Khay chụp ảnh gia đình vào dịp tết.

Sáu tuyến tàu điện nội thành tỏa đi các ngả Mơ, Vọng, Hà Đông, Cầu Giấy, Bưởi, Yên Phụ vừa là phương tiện mà cũng là thú vui của cả người lớn và trẻ con. Hát xẩm, bán kim băng thuốc chuột, quang gánh rau dưa hoa quả đều đặn hàng ngày đúng tuyến và đúng chỗ. Trẻ con đi tàu điện nếu không có tiền có thể nói với người soát vé cho đi nhờ cả ngày cũng được. Bến tàu lác đác hàng quà bánh quen khách không cần phải rao. Vài người khiếm thị gánh bồ sáo trúc ngồi véo von trong tháp Hòa Phong bên hồ Hoàn Kiếm gọi khách. Nhạc cụ chủ lực trong các buổi biểu diễn công nông lúc ấy vẫn chỉ là sáo và nhị mà thôi.

Những vỉa hè Hà Nội ngày ấy nhiều nơi còn là nền đất. Cỏ mọc xanh um vào mùa xuân. Mùa hè là sân chơi của lũ trẻ. Hồi chiến tranh còn có thêm nhiều hàng nước chè năm xu, hàng quà vặt và hàng sửa chữa xe đạp. Những chiếc cột điện tán đinh ri vê ra đời cùng với cây cầu Long Biên dưới bàn tay tài hoa của những người thợ phố Lò Rèn như những tác phẩm nghệ thuật. Vài vòi nước công cộng đúc bằng gang cầu kì đẹp mắt với mấy viên gạch đỏ mòn vẹt chỗ người ta để thùng hứng nước. Những hàng sấu, hàng me, hàng xà cừ cổ thụ tỏa bóng êm đềm. Có thể nghe thấy tiếng hoa lá khẽ khàng rơi trên lối đi vắng lặng…

Giờ thì Hà Nội đang căng mình giãn nở ra để lấy diện tích phục vụ cho nhu cầu của cư dân đông đảo. Chỉ còn những vỉa hè không ai có nhu cầu đi bộ đến đấy là có thể đi bộ được. Những hàng cây cổ thụ nhiều con phố vẫn còn nguyên nhưng không ai dám liều mạng ngước nhìn khi lưu thông trên đường. Cây cầu Long Biên bị tàn phá trong những tháng năm chiến tranh chỉ còn hơn nửa số nhịp lành lặn nhưng han rỉ rệu rã. Những ngôi chợ thân thương trong thành phố đã biến thành trung tâm thương mại nhiều tầng...

Nhưng Hà Nội là miền đất nhung nhớ không chỉ của riêng người Hà Nội. Người đi xa nhớ về và người đang sống ở nơi này nhớ những tháng ngày đã qua. Nỗi nhớ gần như một thứ quyền lợi duy nhất chẳng ai tranh giành với ai. Dù rằng nếp sống hào hoa lịch lãm nhã nhặn của người Hà Nội giữa thế kỉ trước đã nhiều mai một. Thay đổi để phát triển là việc tất yếu. Người ta cứ việc xây mới những tòa cao ốc để cư dân có chỗ ở và văn phòng làm việc. Cứ việc xây đường sá, cầu vượt, xe điện cả chìm lẫn nổi để giải quyết vấn đề giao thông. Kí ức về Hà Nội luôn bền vững qua mọi bể dâu luân hồi. Chẳng đã có sự nghiệp đồ sộ của họa sĩ Bùi Xuân Phái vẽ về phố cổ rồi sao? Ít nhất hình ảnh trăm năm của Hà Nội vắt từ thế kỉ XIX sang thế kỉ XX đã được ông ghi lại chân thành và cảm động. Chẳng đã có rất nhiều công trình nghiên cứu về Hà Nội và cũng chính nó đã sản sinh ra nhiều nhà Hà Nội học rồi sao? Trong vài mươi năm gần đây số lượng những nghiên cứu về Hà Nội có thể còn vượt cả quãng thời gian rất dài trước đó. Cái hay cái đẹp chẳng chóng thì chầy cũng quay lại với nếp sống Hà Nội.

Chỉ ao ước Hà Nội cố gắng giữ gìn tôn tạo những di tích kiến trúc lớn cỡ như Hoàng Thành Thăng Long, Cầu Long Biên, Nhà Hát Lớn, Bắc Bộ Phủ... Để Hà Nội mãi là miền đất nhung nhớ cho hôm nay, cho tương lai, còn đó bề bộn những công việc phải làm.

Hà Nội 10/2014

MỚI - NÓNG