Mô hình 'Cầu thang pháp luật' trong dịch COVID-19

Mô hình “Cầu thang pháp luật” tuyên truyền hướng dẫn người dân về cách phòng ngừa virus corona
Mô hình “Cầu thang pháp luật” tuyên truyền hướng dẫn người dân về cách phòng ngừa virus corona
TP - Thời gian qua, Hà Nội đã đa dạng hóa hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) nhằm nâng cao kiến thức và hiểu biết pháp luật cho cán bộ, người dân, góp phần ngăn ngừa, hạn chế các hành vi vi phạm pháp luật. Trong đó, các hình thức mới nội dung số hóa đang phát huy những kết quả tích cực.

Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, quận Thanh Xuân đã tăng cường công tác tuyên truyền phòng, chống dịch bệnh. 

Ngoài các hình thức truyền thống như poster, tờ rơi, áp phích… thì hình thức thông tin cơ sở trên bảng điện tử cũng được triển khai, màn hình LED tại các vị trí trung tâm, thang máy chung cư, nhà cao tầng. 

Đoàn Thanh niên quận đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền phòng tránh dịch bệnh và thông tin trên mạng xã hội, đưa tin 2 lần/1 ngày. Thành lập đội phản ứng nhanh để tuyên truyền đến các hộ nghèo, những gia đình có hoàn cảnh khó khăn, nâng cao nhận thức về phương pháp phòng, chống dịch bệnh COVID-19. Từ đầu tháng 3 đến nay, UBND các phường tuyên truyền, vận động được 17 trường hợp làm đám cưới hoãn tổ chức tiệc, hoặc điều chỉnh thời gian, hình thức tổ chức phù hợp.

Hiện quận đang nghiên cứu thí điểm gửi tin nhắn tuyên truyền pháp luật qua các mạng di động tới cán bộ, công chức thuộc UBND quận, phường, tổ trưởng các tổ dân phố phường.
Đặc biệt, Hội đồng phối hợp PBGDPL quận có văn bản đề nghị triển khai việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật qua thiết bị điện tử lắp tại thang máy trong các nhà chung cư theo mô hình “Cầu thang pháp luật”.

Hiện tại, quận Thanh Xuân đã triển khai thí điểm mô hình “Cầu thang pháp luật” trên địa bàn 2 phường Thanh Xuân Trung và Nhân Chính. Sau khi nhận bàn giao đĩa video tuyên truyền pháp luật, UBND phường Thanh Xuân Trung đã cấp phát 50 đĩa, UBND phường Nhân Chính đã cấp phát 150 đĩa tới Ban Quản lý các tòa chung cư để thực hiện việc tuyên truyền qua thiết bị điện tử lắp đặt tại thang máy của các tòa nhà.

Từ đầu tháng 2/2020, tại các chung cư đã thực hiện phát các video tuyên truyền pháp luật với thời lượng 30 phút mỗi ngày. Kết quả triển khai bước đầu cho thấy việc phát các video tuyên truyền pháp luật đã thu hút được sự chú ý của các cư dân sinh sống tại khu chung cư, nội dung tuyên truyền gần gũi, thiết thực với đời sống hàng ngày của người dân.

Sở Tư pháp Hà Nội, năm 2020, để nâng cao chất lượng tuyên truyền pháp luật trong thời kỳ số hóa, thành phố xây dựng phần mềm ngoại khóa tìm hiểu pháp luật về phòng, chống tham nhũng gắn với quy tắc ứng xử cho học sinh các trường trung học phổ thông dưới hình thức trực tuyến; tuyên truyền trên thiết bị điện tử lắp đặt tại khu chung cư về nội dung liên quan đến vệ sinh môi trường, quy tắc ứng xử…

Lãnh đạo Sở Tư pháp Hà Nội đề nghị, thời gian tới các địa phương tiếp tục đẩy mạnh công tác PBGDPL, nội dung và hình thức thực hiện thiết thực, có trọng tâm, trọng điểm, phục vụ tốt nhiệm vụ chính trị của thành phố. Hội đồng Phối hợp PBGDPL thành phố Hà Nội sẽ chấm điểm thi đua các đơn vị triển khai, tạo cơ sở pháp lý đưa công tác PBGDPL ngày càng đi vào nền nếp, thống nhất, hiệu quả, tạo ý thức chấp hành pháp luật cho người dân.

Vụ trưởng Vụ Phổ biến giáo dục pháp luật (Bộ Tư pháp) Lê Vệ Quốc cũng nhấn mạnh, cách mạng công nghiệp 4.0 đã tác động đến toàn xã hội, trong đó có công tác tuyên truyền pháp luật. Vừa qua, Bộ Tư pháp đã phối hợp với các tỉnh, thành phố phát động nhiều cuộc thi trực tuyến tìm hiểu kiến thức pháp luật trong các nhà trường và cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Từ đó, Bộ và các địa phương sẽ có những kiến nghị nhằm tiếp tục đổi mới từ nội dung đến hình thức phổ biến pháp luật phù hợp với xu thế phát triển của công nghệ.

MỚI - NÓNG