Mới xử lý được hơn 1 nửa công trình 'xẻ thịt' đất rừng Sóc Sơn

Tổ hợp nghỉ dưỡng Hoàng Lê Gia Garden tại thôn Minh Tân, xã Minh Trí vẫn chưa thể xử lý.
Tổ hợp nghỉ dưỡng Hoàng Lê Gia Garden tại thôn Minh Tân, xã Minh Trí vẫn chưa thể xử lý.
TPO - Trong số 68 công trình vi phạm đất rừng phòng hộ, đặc dụng phát sinh trong giai đoạn 2017 – 2018 trên địa bàn, huyện Sóc Sơn đã xử lý được 36 trường hợp. Hàng chục biệt thự nghỉ dưỡg quanh khu vực quanh hồ Đồng Đò (thôn Minh Tân, xã Minh Trí) vẫn chưa thể xử lý.

UBND huyện Sóc Sơn vừa có báo cáo về công tác xử lý 68 vi phạm đất rừng phòng hộ, đặc dụng phát sinh trong giai đoạn 2017 – 2018 trên địa bàn.

Theo đó, các địa phương đã xử lý dứt điểm được 36 trường hợp, trong đó, các xã: Bắc Sơn, Quang Tiến, Tiên Dược và Phù Linh đã xử lý 100% các trường hợp vi phạm. 1 trường hợp tại xã Hồng Kỳ và 6 trường hợp khác thuộc xã Minh Phú đang được huyện tiếp tục chỉ đạo xử lý. 

Khó khăn hơn cả là 25 trường hợp vi phạm tại thôn Minh Tân, xã Minh Trí. Các trường hợp này có đơn thư khiếu nại gửi Thành phố, huyện Sóc Sơn đề nghị xem xét quá trình sử dụng đất và xây dựng công trình. UBND huyện đã phối hợp với Thanh tra Thành phố tổ chức đối thoại với người dân. Đến nay, Thanh tra Thành phố Hà Nội đã ban hành 7 quyết định thụ lý đơn khiếu nại lần 2 của các hộ dân. 

Trên cơ sở đơn thư của các hộ dân gửi Toà án Nhân dân Thành phố, vừa qua, Văn phòng UBND Thành phố Hà Nội đã có Văn bản số 6313/VP-BTCD thông báo ý kiến chỉ đạo của đồng chí Nguyễn Quốc Hùng – Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội về việc tạm dừng cưỡng chế và giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân theo quy định. Bên cạnh đó, văn bản cũng yêu cầu làm rõ hồ sơ pháp lý liên quan đến Dự án Quy hoạch rừng Sóc Sơn theo chỉ đạo của Thanh tra Chính phủ tại Văn bản số 943/TTCP-BTCDTW ngày 11/6/2019. 

Đại diện UBND huyện Sóc Sơn cho biết, cùng với việc xử lý 68 vi phạm đất rừng đã được nêu trong thông báo kết luận của Thanh tra TP, địa phương cũng đã lập kế hoạch để tiến tới tiếp tục xử lý 283 vi phạm đất rừng từ năm 2016 trở về trước.

Trước đó, Thanh tra Thành phố Hà Nội đã có thông báo kết luận thanh tra số 1183/TBKL-TTLN-P3 thanh tra việc quản lý, sử dụng đất rừng trên địa bàn 8 xã và thị trấn Sóc Sơn, huyện Sóc Sơn.

Theo đó, để xảy ra vi phạm về công tác quản lý quy hoạch, trách nhiệm thuộc về UBND các xã, Phòng Quản lý đô thị huyện, Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng huyện, Phòng TN&MT huyện và UBND huyện Sóc Sơn (giai đoạn từ năm 2012 đến nay).

Để xảy ra vi phạm về công tác quản lý đất rừng phòng hộ, trách nhiệm thuộc về: Chủ tịch UBND các xã Hiền Ninh, Quang Tiến, Tiên Dược, Phù Linh, Nam Sơn, Bắc Sơn, Hồng Kỳ và Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND huyện phụ trách lĩnh vực đất đai, trật tự xây dựng; Giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ - đặc dụng Hà Nội; Giám đốc Sở NN&PTNT (giai đoạn từ năm 2008 đến nay).

Đối với vi phạm trong sử dụng đất, trật tự xây dựng tại các xã: Tiên Dược, Quang Tiến, Hiền Ninh, Phù Linh, Nam Sơn, Bắc Sơn và Hồng Kỳ, trách nhiệm thuộc: Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND xã phụ trách quản lý đất đai, trật tự xây dựng và cán bộ địa chính các xã; Ban Quản lý rừng phòng hộ - đặc dụng; Phòng TN&MT huyện Sóc Sơn; Đội Thanh tra xây dựng huyện Sóc Sơn (nay là Đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị huyện Sóc Sơn).

Bên cạnh đó, còn có trách nhiệm của Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND huyện phụ trách lĩnh vực đất đai, trật tự xây dựng (giai đoạn từ năm 2008 đến nay); Thanh tra Sở Xây dựng (giai đoạn 2014-2016); Sở TN&MT (giai đoạn từ năm 2008 đến nay).

Thanh tra Thành phố đề nghị UBND TP giao UBND huyện Sóc Sơn: Kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm và có hình thức xử lý nghiêm theo quy định đối với tập thể và cá nhân qua các thời kỳ giai đoạn 2006-2018 do buông lỏng quản lý về đất đai, trật tự xây dựng để xảy ra các vi phạm. Tổ chức cưỡng chế đối với các công trình vi phạm trật tự xây dựng năm 2017-2018 trên địa bàn các xã Tiên Dược, Quang Tiến, Hiền Ninh, Phù Linh, Nam Sơn, Bắc Sơn, Hồng Kỳ đã được UBND huyện Sóc Sơn lập hồ sơ xử lý vi phạm, trả lại nguyên trạng ban đầu.

Thông báo kết luận của Thanh tra Thành phố Hà Nội cũng chỉ ra, trong hai năm 2017 – 2018, trên địa bàn huyện Sóc Sơn có 68 vi phạm đất rừng phát sinh. Nhiều nhất là tại xã Minh Trí (25 vi phạm), tiến đến là xã Minh Phú (24 vi phạm), Bắc Sơn (11 vi phạm), Phù Linh (4 vi phạm), Quang Tiến (2 vi phạm), Hồng Kỳ và Tiên Dược – mỗi địa phương có 1 vi phạm. 

MỚI - NÓNG