Hà Nội:

Một phụ nữ nguy kịch vì... coi thường cái nhọt

Vi khuẩn có thể xâm nhập qua các tổn thương ngoài da, qua vết mụn, mủ gây nhiễm trùng máu nguy kịch.
Vi khuẩn có thể xâm nhập qua các tổn thương ngoài da, qua vết mụn, mủ gây nhiễm trùng máu nguy kịch.
Bị một cái nhọt ở mông, chưa hình thành mủ nhưng bệnh nhân đã tự nặn khiến chỗ nhọt sưng tấy, lan rộng, sau đó người bệnh sốt cao. Được đưa đến BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương hôm 4/9 bệnh nhân trong tình trạng sốc nhiễm trùng máu nguy kịch, hôn mê, tiên lượng xấu.

Nhiễm trùng máu nặng vì một nốt nhọt

BV Bệnh nhiệt đới Trung ương (Hà Nội) cho biết, ca bệnh này được chuyển đến BV hôm 4/9 trong tình trạng bị sốc nhiễm trùng máu do bệnh nhân tự nặn nhọt.

Bệnh nhân là một phụ nữ 60 tuổi, có tiền sử tiểu đường, quê ở Phú Xuyên, Hà Nội. Trước khi vào viện 6 ngày, bệnh nhân bị nhọt ở mông và dù chưa hình thành mủ nhưng bệnh nhân đã tự ý nặn nhọt.

Sau khi nặn nhọt, chỗ nặn sưng tấy lan rộng khiến bệnh nhân không đi lại được, sốt cao. Sau 3 ngày sốt cao liên tục, bệnh nhân rơi vào tình trạng hôn mê và được đưa vào cấp cứu tại Bệnh viện Việt Đức. Tại đây các bác sĩ cho chụp CT scanner phát hiện nhiều ổ tổn thương di bệnh ở gan, lách, não và được chuyển sang Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương.

Khi vào BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương, bệnh nhân đã trong tình trạng sốc nhiễm trùng nặng. Do tình hình bệnh nhân quá nặng và tiên lượng xấu nên gia đình bệnh nhân đã xin cho bệnh nhân về.

Chớ nặn mụn non!

Theo BS Nguyễn Trung Cấp, phụ trách khoa Cấp cứu (BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương), trước đây, bệnh viện cũng đã tiếp nhận nhiều trường hợp nhiễm trùng máu do chích, nặn mụn non. Thậm chí đã có trường hợp tử vong vì áp xe, nhiễm trùng máu không được điều trị kịp thời.

“Nguyên nhân là do các mụn nhọt thường do tụ cầu gây ra. Bình thường khi sưng nề, cơ thể sẽ tự tạo hàng rào khu trú ổ nhiễm khuẩn lại và tạo thành các ngòi mủ. Các mụn nhọt khi đang sưng tấy cần được điều trị bằng những kháng sinh phù hợp và chỉ khi hàng rào bảo vệ đã hình thành rõ và đã hình thành ổ mủ mới nên chích nặn. 

Việc chích nặn non khi hàng rào bảo vệ chưa chắc chắn có nguy cơ phá vỡ hàng rào này, tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập vào máu gây nhiễm trùngmáu hoặc tạo các ổ di bệnh ở nhiều cơ quan khác”, BS Cấp nói.

Ngoài ra, BS Cấp đặc biệt lưu ý phải thận trọng với những mụn nhọt vùng mũi, miệng thường được gọi là đinh râu. Do cấu trúc đặc biệt của hệ mạch máu khu vực này nối thông với các mạch máu trong sọ não. Nếu nặn đinh râu non có nguy cơ đẩy vi trùng vào hệ mạch này và dẫn đến một bệnh lý rất nguy hiểm là viêm tắc tĩnh mạch xoang hang, có nguy cơ tử vong cao.

Ngoài nguy cơ nói trên, “bàn tay bẩn” cũng có thể là một tác nhân khiến vi khuẩn xâm nhập qua tổn thương của mụn nhọt vào máu gây nhiễm trùng huyết.

Như tại khoa Nhi BV Bạch Mai từng tiếp nhận bệnh nhân nhiễm tụ cầu vàng kháng thuốc gây nhiễm trùng máu nguy kịch, chỉ bởi bệnh nhi bị ngứa toàn thân sau đợt sốt, nhất là hai cẳng chân và không kìm được, gãi trầy xước dọc hai cẳng chân... Không ngờ, qua những vết xước nhỏ này, vi trùng tụ cầu kháng thuốc xâm nhập khiến cậu bé phải trải qua 45 ngày thập tử nhất sinh...

PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, nguyên trưởng khoa Nhi (BV Bạch Mai) cho biết: “Những vết xước, tổn thương da tuy nhỏ nhưng đôi khi rất nguy hiểm. Bởi bình thường, vi khuẩn tụ cầu vàng cư trú trên da nhưng không gây bệnh. Nhưng nếu có các vết xước, mụn trên người, cơ thể có sức đề kháng yếu, vi khuẩn tụ cầu có thể xâm nhập và gây bệnh nhiễm trùng máu”.

BS Cấp cũng khuyến cáo những người bệnh có mụn nhọt không nên nặn non. Nếu mụn nhọt lớn, ở những vị trí nguy hiểm hay sưng tấy kéo dài nên đi khám để được chỉ định thuốc kháng sinh phù hợp và chích rạch dẫn lưu đúng thời điểm. 

Hơn nữa việc khám thầy thuốc giúp người bệnh có thể phát hiện thêm các bệnh tiềm ẩn nào đó làm cho diễn biến của tình trạng nhiễm trùng trầm trọng thêm như đái tháo đường hoặc bệnh lý của hệ miễn dịch.

Tuyệt đối không nên coi thường các tổn thương ngoài da. Khi có bệnh về da liễu, cần mặc thoáng, sạch sẽ, bôi thuốc điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ đề phòng nhiễm trùng.

Ngoài ra cũng cần lưu ý, trước khi bôi phải rửa tay thật sạch với xà phòng, đề phòng vi khuẩn có trong “bàn tay bẩn” có thể xâm nhập qua các vết tổn thương từ da vào máu, gây nhiễm trùng huyết rất nguy hiểm.

Khi tổn thương trên da có hiện tượng bội nhiễm, tấy đỏ, nổi mủ, trẻ có sốt… cần đưa con đến cơ sở y tế gần nhất để được theo dõi, điều trị vì có thể đó là những dấu hiệu viêm da bội nhiễm, cần có bác sĩ chỉ định thuốc phòng bội nhiễm nguy hiểm.

Theo Theo Dân trí
MỚI - NÓNG