Mướt mồ hôi tìm chỗ gửi xe để vào bệnh viện thủ đô

Bảng thông báo hết chỗ gửi xe ở trước bệnh viện. Ảnh: N.P
Bảng thông báo hết chỗ gửi xe ở trước bệnh viện. Ảnh: N.P
Khoảng 9h30 sáng 22/9, đưa người nhà đến Bệnh viện K ở Quán Sứ, Hà Nội, khám, anh Nam đi lòng vòng mất 30 phút qua 3 bãi trông xe vẫn không thể gửi được xe máy.

Người nhễ nhại mồ hôi sau khi lượn một vòng hết qua Bệnh viện K, Bệnh viện Phụ sản Trung ương, Bệnh viện Việt Đức, chỗ nào anh Nam (Hưng Yên) cũng nhận được cái lắc đầu xua tay.

Không biết gửi xe máy vào đâu, anh Nam đành dựng xe dưới lòng đường, thấy có người lấy xe khỏi bãi là nhanh chóng chen xe mình vào. Trong lúc đó, anh bảo người nhà vào viện nộp hồ sơ khám bệnh trước.

“Gửi xe ở mấy bãi vỉa hè như này chỉ mất 3.000-5.000 đồng, chứ gửi nhà dân thì phải trả 10.000 đồng. Vất vả thế cũng phải chịu thôi chứ biết làm sao, đang cần khám bệnh mà”, anh Nam thở dài nói.

Đến Bệnh viện Phụ sản Trung ương khám từ 9h sáng, chị Ngọc vẫn không thể nào vào được viện vì không biết gửi xe ở đâu. Hai dãy vỉa hè trên đường Triệu Quốc Đạt (cổng sau Bệnh viện Phụ sản Trung ương) đã chật cứng xe, người trông xe xua tay lắc đầu không nhận do không còn chỗ.

Lòng vòng quanh cổng bệnh viện mất 30 phút, cuối cùng chị quyết định chạy thẳng đến cổng Bệnh viện Việt Đức cách đó khoảng 500 m. Rất may, chị đã gửi được xe tại bệnh viện này, sau đó đi bộ đến Bệnh viện Phụ sản để khám thai.

“Bệnh viện Phụ sản không có bãi gửi xe ở trong viện, người đến khám phải gửi ở bãi xe ở vỉa hè nhưng do quá tải, hết chỗ gửi nên người ta không nhận nữa. May sao tôi lên Việt Đức tranh được chỗ gửi”, chị Ngọc thở phào nói.

Thông thường cứ đến tầm 9-10h sáng xe máy nối đuôi nhau ở lòng đường Triệu Quốc Đạt chờ gửi xe để vào viện. Nhiều người kiên nhẫn đứng chờ để hễ có người ra lấy xe là nhanh chân phi thẳng vào chỗ trống đó. Buổi trưa và chiều việc gửi xe dễ dàng hơn nhiều.

Một người trong Ban quản lý trông giữ xe bệnh viện cho biết, trong tình trạng khẩn cấp, nhiều người chấp nhận bỏ xe giữa đường để vào viện. Lúc này, nhân viên giữ xe đành dựng xe lên vỉa hè, cố tìm chỗ trống lách vào.

Ông Đoàn Hồng Hải, Trưởng phòng Hành chính Quản trị, Bệnh viện phụ sản Trung ương cho biết, bệnh viện không tổ chức trông giữ xe cho khách vì không có mặt bằng mà chỉ có khu để xe cho nhân viên. Bệnh viện đã gửi đơn lên UBND quận Hoàn Kiếm xin cấp phép sử dụng hè phố trên đường Triệu Quốc đạt và Hai Bà Trưng làm bãi gửi xe máy cho bệnh nhân và người nhà vào viện.

Công an phường Trần Hưng Đạo cử đại diện đứng tên, tổ chức trông giữ xe song vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân. Nhân viên trông giữ xe cho biết, 2 bãi giữ xe trên vỉa hè của bệnh viện chỉ chứa được tối đa 420 xe trong khi thực tế mỗi ngày hàng nghìn lượt bệnh nhân và người nhà bệnh nhân đến viện.

Tương tự, tại Bệnh viện K, Việt Đức tấm biển “hết chỗ đỗ xe” luôn được đặt thường xuyên trước cổng bệnh viện. Lợi dụng việc thiếu chỗ đỗ, phía bên kia đường bệnh viện xuất hiện một số người chèo kéo giữ xe, nhiều người dân phải cắn răng với mức giá gửi xe 10.000-20.000 đồng một lượt.

Bà Nguyễn Thị Bích Hường, Phó Giám đốc Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội) cho biết, bệnh viện có 2 bãi giữ xe nhỏ ở ngách đường Tràng Thi và trên đường Phủ Doãn, lượng xe gửi được không đáng bao nhiêu. Hai bãi này, bệnh viện giao cho bảo vệ tổ chức dịch vụ với điều kiện thu đúng giá thành phố quy định là 3.000 đồng mỗi xe máy. Ngoài ra, người đến viện có thể gửi ở bãi gửi xe trên vỉa hè trên đường Phủ Doãn, bãi xe này do một công ty được quận giao quản lý.

“Chúng tôi thi thoảng nhận được phản ánh của người dân về việc giá trông giữ xe không đúng, có khi quá cao rồi đi lòng vòng không gửi được xe nhưng cũng không biết làm sao. Đây là băn khoăn hàng năm nay của bệnh viện”, bà Hương cho biết.

Cũng theo bà Hương, dịch vụ trông gửi xe này do tổ chức, cá nhân thực hiện, bệnh viện không nhận một đồng nào.

Mướt mồ hôi tìm chỗ gửi xe để vào bệnh viện thủ đô ảnh 1

Bệnh viện Bạch Mai phải chăng dây, phân làn để tránh tình trạng lộn xộn.

Mới đây, tại Bệnh viện Bạch Mai đóng cửa bãi trông giữ xe khiến xảy ra tình trạng hỗn loạn. Lực lượng bảo vệ đã được huy động để phân làn, hướng dẫn khu vực gửi xe cho người dân đến khám và làm việc.

Hàng ngày từ khoảng 7h30 tại cổng vào bệnh viện đã được dựng bảng thông báo "Hết chỗ gửi xe đạp xe máy". Nhiều người đứng đợi cả tiếng đồng hồ vẫn không thể gửi được xe.

Từ ngày 1/10, Bệnh viện Bạch Mai đóng cửa tiếp bãi giữ xe khu vực khoa Thần Kinh, Viện Sức khỏe tâm thần. Bệnh viện đề nghị UBND quận Đống Đa, UBND phường Phương Mai, phường Đồng Tâm, giúp đỡ tạo điều kiện trông xe cho khách và bệnh nhân.

Theo Theo VnExpress
MỚI - NÓNG
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
TPO - Kiểm toán Nhà nước (KTNN) chỉ ra những thiếu sót, bất cập, đồng thời đưa ra khuyến nghị giúp các tập đoàn, tổng công ty nhà nước hoàn thiện, nâng cao hiệu quả quản lý tài chính công, tài sản công. Đáng chú ý, KTNN cũng cảnh báo một số doanh nghiệp có dấu hiệu mất an toàn về tài chính.
Năm học 2023-2024, Hà Nội được bổ sung 2.648 biên chế giáo dục.
Hà Nội thiếu hơn 16.000 biên chế giáo dục
TPO - Số biên chế sự nghiệp giáo dục của thành phố Hà Nội thiếu so với định mức do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định là 16.004 người. Năm học 2023- 2024, thành phố đề nghị được giao thêm 8.939 biên chế khối giáo dục nhưng chỉ được bổ sung 2.648 biên chế.