Ngoại thành Hà Nội sau ngập lụt

Nguy cơ ô nhiễm từ chất thải

Phun thuốc làm sạch môi trường, hạn chế dịch bệnh tại thôn Bùi Xá, thị trấn Xuân Mai (Chương Mỹ, Hà Nội). Ảnh: Trường Phong.
Phun thuốc làm sạch môi trường, hạn chế dịch bệnh tại thôn Bùi Xá, thị trấn Xuân Mai (Chương Mỹ, Hà Nội). Ảnh: Trường Phong.
TP - Chia sẻ với phóng viên Tiền Phong, nhiều người dân vùng lũ Chương Mỹ (Hà Nội) lo ngại dịch bệnh đau mắt, tiêu chảy, bệnh ngoài da bùng phát. Nguyên nhân được cho là trong nước lũ chứa nhiều mầm bệnh đến từ rác thải sinh hoạt, chất thải của động vật nuôi và cả con người.

Dùng nước giếng hòa nước lũ

Chiều 6/8, cổng làng Bùi Xá (thị trấn Xuân Mai, Chương Mỹ, Hà Nội) đã khô ráo sau hơn hai tuần ngập nước. Từng vệt vôi bột rải trắng hai bên đường dẫn vào trung tâm thôn. Bơm nước từ giếng lên rửa sân, anh Nguyễn Văn Diệu, 30 tuổi, cho biết, hiện tại cả nhà vẫn phải tắm rửa bằng nước giếng khơi của nhà, dù trước đó, nước giếng đã bị nước lũ hòa vào. “Mấy hôm trước nó đục như nước sông, nhưng thả thuốc vào thì trong hơn rồi”. “Ngập lụt liên tục thế này, nước nào chẳng ô nhiễm. Mà ở đây chưa có nước sạch, toàn dùng nước giếng khơi thôi”, anh Diệu nói. Mấy ngày nay, anh Diệu phải mua thêm nước sạch để dùng nấu nướng, tắm cho con cái. Lượng nước hỗ trợ không đủ dùng cho gia đình anh.

Lật tấm che giếng khơi của nhà mình, anh Nguyễn Văn Quá cho biết, nước giếng đã trong trở lại sau khi bỏ thuốc, nhưng vẫn không dùng để nấu nướng được. Mấy hôm trước, nước ngập cả giếng nước nhà anh Quá, dù anh đã cẩn thận dùng bạt buộc che kín. “Bịt thế chủ yếu để bùn không vào chứ nước lụt cũng vào giếng rồi”. “Khu vực này chưa có nước sạch của thành phố về. Lụt liên tục thế này, sợ lắm", anh Quá nói.

Anh Quá lo ngại dịch bệnh xảy ra, bởi trong khoảng 2 tuần ngập lụt, hàng nghìn người sinh hoạt tại chỗ, bao nhiêu chất thải cũng hòa chung với nước lũ. “Vệ sinh thì cho vào thùng trấu, xong rồi lại đổ xuống nước ở chỗ xa, nhưng nó hòa tan hết vào nước lũ, trôi nổi khắp nơi rồi”, anh Quá nói.

Nguy cơ dịch bệnh cao

Trao đổi với Tiền Phong, ông Hoàng Minh Hiến, Phó Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ cho biết, tính đến chiều 6/8, còn khoảng hơn 700 hộ trên địa bàn huyện bị ngập nhà cửa, hơn 600 hộ bị ngập sân vườn và khoảng hơn 600 hộ bị cắt điện để đảm bảo an toàn vì nước vẫn ngập sâu. Với những địa bàn thuộc diện trũng thấp nhất huyện như ở các xã Nam Phương Tiến, Tân Tiến, Hoàng Văn Thụ, dự kiến từ 7 - 10 ngày nữa nước mới rút hoàn toàn. “Với những địa bàn nước ngập nhẹ, chúng tôi đã tuyên truyền, hướng dẫn bà con dọn dẹp, vệ sinh môi trường ngay khi nước rút. Còn đối với những vùng ngập nặng, khi nước rút, chúng tôi sẽ huy động lực lượng dọn dẹp cùng với bà con, phun thuốc, khử độc nước... để hạn chế mầm bệnh”, ông Hiến nói.

Dù thế, theo ông Hiến, nguy cơ dịch bệnh xảy ra đối với vùng dân cư ngập lụt khá cao. Các mầm bệnh như đau mắt, tiêu chảy, bệnh ngoài da... gặp thời tiết mưa nắng đan xen dễ bùng phát. Một trong những nguy cơ cao nhất, theo ông Hiến là về tiêu chảy, và xuất phát từ chất thải của con người, động vật nuôi trong hai tuần qua. “Bao nhiêu người như thế, sinh hoạt tại chỗ như thế, hòa hết vào dòng nước lũ”, ông Hiến nói. Ông Hiến dẫn chứng, hàng nghìn con vịt, khi bị nuôi nhốt chưa gặp vấn đề gì, nhưng sau khi uống nước lũ đã phát bệnh và chết. “Chúng tôi đã được thành phố phát thuốc, huyện cũng chỉ đạo dọn dẹp vệ sinh ngay, phun thuốc để hạn chế mầm bệnh phát triển”, ông Hiến cho biết.

Về vấn đề nước sạch cho bà con, ông Hiến nói, hiện thành phố đang triển khai dự án nhà máy nước mặt phục vụ bà con trên địa bàn, tuy nhiên mới ở giai đoạn chuẩn bị đầu tư, nên trong thời gian trước mắt, nhân dân vẫn phải dùng nước giếng khơi, giếng khoan. “Nếu xử lý được vấn đề nước sạch thì mùa lũ về dịch bệnh cũng khó phát sinh”, ông Hiến nói. Hiện tại, để đảm bảo nước sạch cho bà con, nhiều xe xử lý sự cố nước sạch đã đi bơm nước sạch cho các địa bàn dân cư bị ngập lụt.

Về giải pháp lâu dài, ông Hiến cho biết, huyện đang kiến nghị thành phố, Chính phủ đồng ý được tôn tạo, kiên cố hóa đê tả Bùi, hữu Bùi để bảo vệ vùng dân cư. Huyện cũng đang xin phép các cơ quan có thẩm quyền để điều chỉnh việc canh tác của bà con như trồng cây gì, nuôi con gì ở khu vực nào để tránh bị ảnh hưởng. Chúng tôi cũng kiến nghị xem xét bố trí lại vùng dân cư để hạn chế thiệt hại mỗi khi mùa lũ về, đó là giải pháp dài hạn. Còn trong một vài năm tới, bà con phải sẵn sàng sống chung với lũ”, ông Hiến thông tin.
MỚI - NÓNG