Nước thải sinh hoạt, khu công nghiệp, làng nghề:

Nhiều điểm 'đen' được xử lý

Nhà máy XLNT Cầu Ngà xử lý nước thải làng nghề trên địa bàn huyện Hoài Ðức
Nhà máy XLNT Cầu Ngà xử lý nước thải làng nghề trên địa bàn huyện Hoài Ðức
TP - Thực hiện chỉ đạo của Thành ủy - UBND thành phố Hà Nội về công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn, những năm qua Sở TN&MT Hà Nội thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó đặc biệt coi trọng việc xử lý ô nhiễm nước thải. Cho đến nay, hầu hết nước thải các khu công nghiệp, làng nghề đã được kiểm soát.

Áp dụng nhiều giải pháp xử lý ô nhiễm nước thải

Thống kê của các cơ quan chức năng cho biết, hiện nay Hà Nội có hơn 1.350 làng nghề và làng có nghề, là địa phương có số lượng làng nghề lớn nhất cả nước. Đi kèm với đó, Hà Nội cũng phải đối diện nguy cơ ô nhiễm, đặc biệt là ô nhiễm từ nguồn nước thải.

Để xử lý tình trạng ô nhiễm, Sở TN&MT Hà Nội thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp nhằm ngăn chặn và đẩy lùi ô nhiễm tại các làng nghề, khu, cụm công nghiệp. Trong đó, việc kêu gọi đầu tư các dự án xử lý nước thải (XLNT) bằng nguồn vốn xã hội hóa, PPP, ODA được ưu tiên hàng đầu. Đến nay, 100% các KCN trên địa bàn thành phố có trạm XLNT tập trung;  tỷ lệ các cụm công nghiệp (CCN) hoạt động ổn định có trạm xử lý nước thải đạt trên  60,5%.

Cụ thể, trong giai đoạn 2016 - 2020, thành phố đã hoàn thành và đưa vào vận hành Nhà máy XLNT Cầu Ngà công suất 20.000 m3/ngày đêm, xử lý nước thải cho các làng nghề Cát Quế, Minh Khai, Dương Liễu... trên địa bàn huyện Hoài Đức.

Nhà máy xử lý nước thải đạt quy chuẩn cột B QCTĐHN 02:2014/BTNMT về nước thải công nghiệp trước khi xả thải ra môi trường. Trong Quý IV/2017 và năm 2018, nhà máy đã xử lý 2.476.860 m3 nước thải; Năm 2019 đã xử lý 2.451.393 m3 nước thải; 8 tháng đầu năm 2020 đã xử lý 1.907.441 m3 nước thải đạt quy chuẩn. Nhà máy Cầu Ngà hoạt động ổn định đã góp phần giải quyết vấn đề nước thải làng nghề và nước thải sinh hoạt trên địa bàn các xã Cát Quế - Dương Liễu- Minh Khai, huyện Hoài Đức, nâng cao chất lượng đời sống cho người dân, nước thải sau xử lý được tái sử dụng để phục vụ tưới tiêu nông nghiệp.

Những năm qua, việc XLNT sinh hoạt khu vực nội đô cũng đạt được kết quả tích cực sau khi đưa vào vận hành khai thác hàng loạt nhà máy và trạm xử lý: Nhà máy XLNT Hồ Tây với công suất 15.000 m3/ngày đêm; Nhà máy XLNT Yên Sở (công suất 200.000 m3/ngày đêm); Nhà máy Bắc Thăng Long - Vân Trì (42.000 m3/ngày đêm); Vận hành trạm xử lý Kim Liên, Trúc Bạch, Bảy Mẫu... đưa tổng khối lượng nước thải được xử lý đạt quy chuẩn trong 5 tháng đầu năm 2020 đạt khoảng 29,5 triệu m3.

Việc xử lý các điểm đen ô nhiễm môi trường trên địa bàn cũng được giải quyết kịp thời. Ở quận Tây Hồ, hệ thống mương Thụy Khuê được đầu tư bê tông cống hóa kiên cố, điểm cuối cùng được đấu nối vào trạm bơm S8 thu gom về Nhà máy nước thải Hồ Tây để xử lý; Hồ Tứ Liên đang triển khai xây dựng hạ tầng để thu gom nước thải vào hệ thống chung, không trực tiếp xả xuống Hồ. Trên địa bàn quận Nam Từ Liêm, Cty giấy Tây Đô, Lam Kinh đã di chuyển máy móc sản xuất ra khỏi khu dân cư; Tuyến mương hở Nguyễn Cơ Thạch và mương tổ dân phố 15 Tân Mỹ đã thực hiện cống hóa. Huyện Đông Anh đã triển khai nhiều biện pháp để khắc phục tình trạng ô nhiễm, đầu tư xây dựng trạm XLNT công suất 2.500 m3/ngày đêm tại CCN Đông Anh, CCN Nguyên Khê (giai đoạn 2)…

Phấn đấu 100% nước thải làng nghề được xử lý vào năm 2025

Trong giai đoạn 2020 - 2025, Hà Nội sẽ đẩy nhanh tiến độ Dự án xây dựng hệ thống thu gom và nhà máy XLNT Yên Xá công suất 270.000 m3/ngày đêm bằng nguồn vốn ODA Nhật Bản do Ban QLDA đầu tư xây dựng công trình cấp nước, thoát nước và môi trường Hà Nội làm chủ đầu tư. Dự án bao gồm 4 gói thầu chính, hiện cả 4 gói thầu đều hoàn thành công tác đấu thầu và chuyển sang giai đoạn thi công. Dự kiến năm 2022, nhà máy XLNT Yên Xá sẽ thu gom xử lý nước thải sinh hoạt của các quận Tây Hồ, Ba Đình, Đống Đa, Cầu Giấy, Hai Bà Trưng và 1 phần huyện Thanh Trì, quận Hà Đông.

Nhiều điểm 'đen' được xử lý ảnh 1 Hà Nội đang đẩy nhanh tiến độ Dự án xây dựng hệ thống thu gom và nhà máy XLNT Yên Xá công suất 270.000 m3/ngày đêm

Cùng với xử lý nước thải sinh hoạt, thành phố Hà Nội đã thông qua kế hoạch đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải với các CCN còn lại trên địa bàn. Cụ thể, sẽ đầu tư trạm xử lý nước thải bằng ngân sách tại 11 CCN: Trường An, La Phù, Lai Xá thuộc xã Kim Chung và Lại Yên (huyện Hoài Đức); Biên Giang (quận Hà Đông); Tân Hội (huyện Đan Phượng); Câu Nậu, Bình Phú I, Kim Quan (huyện Thạch Thất); Bích Hòa (huyện Thanh Oai); Vạn Điểm (huyện Thường Tín).

Ngoài ra, Sở TN&MT đang phối hợp Sở Công Thương tham mưu cho thành phố bố trí quỹ đất, thành lập các CCN, trong đó ưu tiên đầu tư các CCN làng nghề để di dời, hoặc chuyển các công đoạn sản xuất gây ô nhiễm vào các CCN làng nghề được đầu tư đầy đủ hạ tầng kỹ thuật, xử lý nước thải, rác thải đảm bảo hoàn thành chỉ tiêu 100% nước thải làng nghề được thu gom, xử lý trong giai đoạn 2021-2025.

Thực hiện chỉ đạo của thành phố Hà Nội, Sở TN&MT vừa thành lập đoàn kiểm tra liên ngành tiến hành kiểm tra, giám sát việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường đối với các chủ dự án xây dựng, điểm tập kết, trung chuyển, phương tiện vận chuyển phế thải vật liệu, chất thải rắn trên địa bàn. Ðoàn liên ngành gồm đại diện các Sở: TN&MT, Xây dựng, GTVT, Công an thành phố và đại diện UBND các quận, huyện, thị xã. Việc kiểm tra được thực hiện trong thời hạn 30 ngày làm việc kể từ ngày công bố quyết định kiểm tra.

MỚI - NÓNG