Những điều tuyệt vời người Hà Nội sắp được hưởng

Ông Vũ Văn Viện, Giám đốc Sở GTVT (đứng thứ hai từ trái qua) đang chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ dự án giao thông
Ông Vũ Văn Viện, Giám đốc Sở GTVT (đứng thứ hai từ trái qua) đang chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ dự án giao thông
TP - Điều quan tâm của nhiều người dân Hà Nội lúc này là 5 năm nữa người Hà Nội sẽ sử dụng phương tiện gì để lưu thông, cảnh ùn tắc giao thông bấy lâu liệu có được giải quyết? Đem trăn trở đó gửi đến Giám đốc Sở GTVT Vũ Văn Viện, chúng tôi nhận được câu trả lời lạc quan: Chắc chắn diện mạo giao thông Hà Nội sẽ có nhiều đổi thay!

Những công trình nâng tầm Thủ đô


Ngay những ngày đầu tháng 1 năm 2015, cây cầu Nhật Tân vắt qua sông Hồng đẹp nhất Hà Nội là một bước đi cụ thể về phát triển kết cấu hạ tầng khung cho thủ đô. Theo sở KH- ĐT Hà Nội, ngay khi câu cầu chưa hoàn thành, đã có những nhà đầu tư “siêu khủng” từ phía Nhật Bản tỏ lòng tha thiết biến dải đất quanh con đường Nhật Tân - Nội Bài thành một tổ hợp đô thị hiện đại bậc nhất. Hà Nội đã chuyển mình, mở thêm hướng phát triển về phía Bắc. Thế mới thấm thuật ngữ “hạ tầng khung”!

“ Trong một, hai năm tới, Sở sẽ tập trung vào những công trình trọng điểm, quan trọng, tháo gỡ các nút thắt về giao thông như: đường Trần Phú – Kim Mã, nút giao Chùa Bộc – Tôn Thất Tùng, mở rộng tuyến đường Phạm Ngọc Thạch và cầu Trung Tự, đường từ hầm Kim Liên đến tuyến đường Kim Liên mới, đường Vành đai 2 (đoạn Nhật Tân – Cầu Giấy), tuyến hành lang từ cầu Long Biên - Bác Cổ - cầu Vĩnh Tuy v.v...”

Ông Vũ Văn Viện
Cùng nhóm với nhóm công trình giao thông tiêu biểu còn có dự án cầu Đông Trù, đường 5 kéo dài, cầu Vĩnh Thịnh. Những con đường, những cây cầu như những mạch nguồn lan tỏa sự trù phú đến nhiều vùng đất của thủ đô. “Điều chỉnh địa giới hành chính thành phố Hà Nội là cơ hội để khai thác tiềm năng, thế mạnh và hạ tầng chắc hẳn phải đi trước”- ông Viện chia sẻ. Nói là như vậy nhưng làm một con đường hẳn không giống như xây một ngôi nhà. Điều đáng mừng là hiện Sở GTVT đang tập trung xây dựng quy hoạch phát triển GTVT thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 làm cơ sở để triển khai các dự án đầu tư xây dựng và làm căn cứ cho các quận, huyện, thị xã điều chỉnh bổ sung các quy hoạch xây dựng (quy hoạch GTVT) chi tiết trên địa bàn. Khi bản quy hoạch được duyệt, một bức tranh giao thông Hà Nội sẽ hiện rõ với đủ những gam màu tươi sáng. 

Ông Viện cho rằng trước mắt, thành phố ưu tiên tập trung hoàn thành khép kín các tuyến vành đai 1, vành đai 2, vành đai 3 và xây dựng đoạn qua Hà Nội của đường Vành đai 4 cùng các cầu qua sông Hồng, sông Đuống nhằm giải quyết nhu cầu giao thông liên tỉnh, giao thông đối ngoại.

Những điều tuyệt vời người Hà Nội sắp được hưởng ảnh 1 Đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông
Năm 2014, thành phố đã hoàn thành đoạn vành đai 1 (Ô Chợ Dừa- Hoàng Cầu), hiện tiếp tục chuẩn bị đầu tư dự án (Hoàng Cầu - Voi Phục). Đường vành đai 2 đoạn Nhật Tân - Cầu Giấy và (Ngã tư Sở - Ngã Tư Vọng) cũng đang được đẩy nhanh tiến độ. Đặc biệt cùng với mở rộng đường vành đai 2 dưới đất, thành phố cũng sẽ đầu tư đường trên cao đoạn Ngã tư Vọng - Ngã tư Sở...

Đối với, với các trục quốc lộ hướng tâm, hiện thành phố chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ cải tạo, mở rộng theo quy hoạch như: QL1A, QL6, QL3, trục Tây Thăng Long, trục phát triển kinh tế Bắc - Nam...

Đặc biệt, Hà Nội tiếp tục xây dựng, mở rộng theo quy hoạch những trục đường chính đô thị quan trọng như: Vành đai 2,5; vành đai 3,5; tuyến đường 70 (Văn Điển - Nhổn), đường gom phía đông đường cao tốc Pháp Vân-Cầu Giẽ; trục đê Hữu Hồng; trục Nguyễn Tam Trinh - Kim Ngưu - Lò Đúc... Ngoài ra, thành phố sẽ xây dựng mới, cải tạo và nâng cấp các tuyến đường tỉnh lộ, huyện lộ theo quy hoạch để đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương; Tiếp tục xây dựng một số nút giao thông khác mức trong nội đô để khắc phục tình trạng ùn tắc giao thông trong một vài năm tới.

Người dân sẽ được đi tàu điện ngầm

Cho đến thời điểm này, dự án đường sắt trên cao đoạn Cát Linh - Hà Đông đã đi được 60% quãng đường. Đây là tuyến đường sắt đô thị đầu tiên của Hà Nội, dự kiến đưa vào sử dụng năm 2016. Điều này kỳ vọng sẽ tạo ra bước chuyển đáng kể trong hoạt động vận tải hành khách tại thủ đô. Tương tự, năm 2015, Hà Nội cũng sẽ chuẩn bị đưa vào tuyến xe buýt nhanh tiêu chuẩn đầu tiên (BRT). 

Tuyến đường nối từ Kim Mã - Lê Văn Lương và chạy về khu vực Yên Nghĩa (Hà Đông). Cùng với xe buýt công cộng, hai loại hình vận tải công cộng mới có mặt tại thủ đô hứa hẹn sẽ đem lại sinh khí mới cho vận tải khách. Điều đáng nói hai tuyến vận tải khối lớn này có điểm chung là kết nối khu đô thị phát triển bậc nhất của thành phố hiện nay với trung tâm Hà Nội. Điều đó sẽ tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội khu vực phía tây Hà Nội…

Những điều tuyệt vời người Hà Nội sắp được hưởng ảnh 2 Cầu Đông Trù
Ông Viện chia sẻ, đến nay nhiều gói thầu của tuyến đường sắt số 3 (Ga Hà Nội- Nhổn) đang được tích cực xây dựng. Tuyến đường sắt Nhổn - Ga Hà Nội với sản lượng lớn và tốc độ di chuyển cao dự kiến hoàn thành trong 5 năm tới sẽ tạo được bước ngoặt trong vận tải công cộng tại thủ đô. Bên cạnh đó các tuyến số 2 (Nam Thăng Long - Thượng Đình); tuyến số 1 (Yên Viên - Ngọc Hồi) cũng đang trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư. “Với hàng nghìn lượt hành khách được trung chuyển mỗi lượt, khi đi vào hoạt động cả hai loại hình vận tải hành khách khối lớn này sẽ cơ bản đáp ứng được nhu cầu đi lại của người dân và cơ bản giải quyết được vấn đề tắc nghẽn tại một số khu vực cửa ngõ thủ đô”, lãnh đạo Sở GTVT nhấn mạnh. 

Một hướng phát triển hạ tầng giao thông thủy cũng được hoạch định, đó là đầu tư phát triển hệ thống giao thông thủy và các cảng quan trọng theo hướng hiện đại có công nghệ bốc dỡ tiên tiến để đáp ứng nhu cầu vận tải thủy trong giai đoạn mới, như: cảng Hà Nội, cảng Khuyến Lương, cảng Sơn Tây, cảng Hồng Vân, cảng Đức Giang, cảng Chèm…

Giảm gần 60% điểm ùn tắc

Những điều tuyệt vời người Hà Nội sắp được hưởng ảnh 3 Cầu Nhật Tân. Ảnh: Hồng Vĩnh - Quý Đạt 
Triển khai “Năm trật tự và văn minh đô thị”, năm 2014 Sở GTVT Hà Nội đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, từ xây dựng kết cấu hạ tầng, tổ chức giao thông đến phát triển vận tải hành khách… Trên lĩnh vực tổ chức, đảm bảo an toàn giao thông, năm qua Sở GTVT đã hoàn thành lắp đặt đèn tín hiệu và tổ chức lại giao thông tại 16 nút thường xuyên xảy ra ùn tắc; đưa vào sử dụng, tiếp nhận thêm một số công trình giao thông do Bộ GTVT và các chủ đầu tư khác xây dựng như: cầu Đông Trù, đường 5 kéo dài, cầu Nhật Tân và đường nối Nhật Tân - Nội Bài; lắp đặt dàn Benley qua sông Kim Ngưu để phân luồng, giảm thiểu ùn tắc giao thông khu vực Quỳnh Mai, Hai Bà Trưng và khu vực đường vào khu đô thị Đền Lừ; tổ chức phân luồng phục vụ thi công các dự án trọng điểm trên địa bàn thành phố như: dự án ĐSĐT Cát Linh - Hà Đông trên đường Nguyễn Trãi - Trần Phú - Quang Trung và thi công hầm cơ giới nút giao Khuất Duy Tiến - Nguyễn Trãi; Khởi công nút Cầu Bây (dự án do Bộ GTVT đầu tư); tuyến đường sắt đô thị số 3 (Nhổn - Ga Hà Nội)… 

Đặc biệt, năm 2014 Sở GTVT đã giải quyết được 15 điểm có nguy cơ ùn tắc giao thông và tai nạn giao thông. Kết quả này đã làm giảm số điểm ùn tắc giao thông từ 124 điểm (năm 2011) xuống 46 điểm (năm 2014), giảm 60%) trong đó có cả 12 điểm phát sinh do việc rào chắn để thi công các công trình giao thông trọng điểm của Bộ GTVT và thành phố đang triển khai. 

MỚI - NÓNG