Những 'tay lái vàng' của Thủ đô

Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng chúc mừng những người đoạt giải Hội thi lái xe buýt giỏi toàn quốc
Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng chúc mừng những người đoạt giải Hội thi lái xe buýt giỏi toàn quốc
TP - Nếu ai đó ví tài xế lái xe tại Hà Nội là những “nghệ sỹ” trên phố thì tài xế xe buýt của Transerco đáng được tôn vinh là “bậc thầy” của các nghệ sỹ đó. Cuộc thi lái xe buýt giỏi toàn thành phố Hà Nội năm 2014 đã tìm ra được những người “thầy” giỏi nhất trong số đó. Ngoài tấm bằng E được đào tạo, họ còn phải vượt qua rất nhiều nội dung sát hạch khá hóc búa như khả năng giao tiếp, xử lý tình huống khi tắc đường, thậm chí là kỹ năng “khống chế” trộm, cách ứng xử với người say rượu ra sao?… Họ luôn phải là những lái xe có cái đầu lạnh phủ lấy một trái tim nóng đầy tình nhân ái.

“Vòng nguyệt quế”- tôn vinh những tay lái vàng!


Gặp tài xế Nguyễn Đức Nam (Xí nghiệp buýt Thăng Long) tại điểm cuối tuyến Cầu Giấy, khó có ai nghĩ đây lại là quán quân của cuộc thi tay lái vàng danh giá nhất Thủ đô năm 2014. Vừa điều khiển đại xa “đánh vật” trên đường hơn 80 phút nhưng tài xế Nam cứ như vừa nghe xong một bản nhạc, cười nói vui vẻ. Bước sang tuổi 32 nhưng anh Nam đã có tới 10 năm theo nghề lái xe. Ban đầu là xe tải, xe khách. Năm 2010, anh chuyển sang lái xe buýt cho Xí nghiệp buýt Thăng Long (Tổng Cty Vận tải Hà Nội). Anh Nam bảo, so với xe khách, lái xe buýt lương không cao bằng. Nhưng bù lại, xe buýt là một thế giới rộng mở mà ở đó nếu chịu khó quan sát, các tài xế đã học hỏi và nâng mình lên được nhiều! 

Nói về “phép thuật” được tôi luyện cả chục năm qua, anh Nam cho rằng, chẳng có gì ngoài sự nhẫn nại, kiên trì, yêu nghề và sáng tạo. “Những ngày đầu vào nghề lái xe buýt, tài xế nào cũng nôn nóng, leo lên xe là muốn chạy cho nhanh để kết thúc lượt/tuyến. Nếu không giữ bình tĩnh và lòng yêu nghề thì chỉ lái 2, 3 ngày gặp cảnh ùn tắc là chán”- anh Nam chia sẻ. Riêng nghề lái xe buýt chắc chắn không dành cho những người nóng tính!

Vì sau chiếc vô lăng là sinh mệnh của cả trăm con người! Nói về tuyệt chiêu ra vào điểm đỗ, anh Nam bật mí: “Ở ngoại thành, tốc độ trung bình của xe buýt cao hơn, khi muốn vào điểm đón khách, tôi thường xi nhan trước cả trăm mét. Còn ở thành phố thì sau khi xi nhan, phải quan sát gương hậu rồi lấn dần vào lề phải. Nếu áp dụng kỹ năng lái xe trên quốc lộ vào đường phố đông đúc có thể sẽ gây nguy hiểm cho người đi phía sau”. 

Những 'tay lái vàng' của Thủ đô ảnh 1 Lái xe Phùng Thanh Thép
Đồng giải Nhất cuộc thi “Lái xe buýt giỏi, an toàn” Hà Nội năm 2014 là tài xế Bùi Huy Hùng (Xí nghiệp Xe điện Hà Nội), người có kinh nghiệm 12 năm lái xe cho biết, anh đã từng lái nhiều loại xe, ngao du trên mọi miền đất nước nhưng rồi cái duyên xe buýt lại “vồ” lấy anh. Năm 2008 anh về ôm vô lăng xe buýt. Gia đình, hàng xóm ai cũng mừng, thế là cậu Hùng hết lông bông, mai đây, mai đó.

So với chạy đường dài, xe buýt “gò” hơn nhiều. Nào giờ xuất bến, nào phơi, nào lệnh, nào ăn mặc chỉnh tề, rồi nói năng lịch sự, không thuốc lá, lại còn sợ bị…phạt. Trên đường nhiều tình huống tạt đầu, thúc đuôi rồi cả những lời văng tục, hỗn láo của những “tổ lái” làm cho một người vốn quen tự do đôi khi sôi máu. Nhưng với Hùng, những thứ “luật” đó đã dần giúp anh trưởng thành nhanh chóng.

Anh bảo, “vòng nguyệt quế” với anh rất đáng quý, nhưng điều quan trọng hơn là anh chiến thắng chính mình! Chia sẻ kinh nghiệm với các đồng nghiệp, Hùng bộc bạch: “Nếu lái xe luôn đặt mình vào tình huống là hành khách, là người đi đường để xem họ mong muốn gì ở xe buýt, chắc hẳn chúng ta nhận được sự yêu quý!”.
Những 'tay lái vàng' của Thủ đô ảnh 2 Lái xe buýt Nguyễn Đức Nam đang lái xe trên tuyến. Ảnh: Trần Hoàng
Tại cuộc thi lái xe giỏi và an toàn toàn quốc ngành GTVT năm 2014 vừa qua, Ban giám khảo rất ấn tượng với một cái tên Phùng Thanh Thép! Với “chiêu” làm bài siêu tốc: 1 phút 42 giây hoàn thành phần thi lý thuyết và chưa đầy 5 phút để hoàn thành bài thực hành lái xe trong xa hình, tài xế Phùng Thanh Thép (Xí nghiệp Xe điện Hà Nội) đã khiến Ban giám khảo hội thi ngỡ ngàng. Mọi người vỗ tay tán thưởng và ngưỡng mộ đôi tay “ma thuật” của anh. Vượt qua tất cả các “tay lái vàng” Bắc - Trung - Nam, anh Thép về ngôi đầu cuộc thi.   

Nói về bí quyết lái xe giỏi, anh Thép cho rằng, khi cầm vô lăng là phải toàn tâm, toàn ý. Người lái xe giỏi trước hết phải tuân thủ đúng quy định của Luật giao thông, chữ “Luật” luôn phải treo trên đầu lái xe. Có lẽ vì thế, không chỉ xuất sắc trong các cuộc thi, anh Thép còn có thành tích 12 năm lái xe buýt chưa một lần vi phạm luật giao thông. Mọi người mỗi khi gặp anh vẫn đùa, “anh Thép lái xe buýt bằng đôi tay cứng như thép và bằng cái đầu lạnh như thép”.

Một điều khá trùng hợp khi PV Tiền Phong tiếp xúc thì được biết, cả ba tài xế Nam, Hùng, Thép sau nhiều năm xếp vào diện khó lấy vợ, nhưng khi vào nghề lái xe buýt thì cả 3 anh đều nhanh chóng có người yêu và cưới vợ liền tay. Đúng là có duyên nên mới “vồ” lấy nhau như vậy!

Đến công dân ưu tú Thủ đô

Lần đầu tiên một lái xe buýt được bầu chọn là 1 trong 10 công dân ưu tú Thủ đô năm 2014 đã phần nào nói lên sự quan tâm, chia sẻ, cổ vũ của lãnh đạo thành phố đối với tập thể những người lao động Transerco. Điều vinh dự nữa là lần tôn vinh này đúng vào dịp kỷ niệm 60 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954- 10/10/2014). Một con người rất đỗi bình dị, gần gũi đã được ghi tên ở bảng vàng vinh quang - tài xế xe buýt Dương Tuấn Anh thuộc Xí nghiệp xe buýt 10/10 (Tổng Cty Vận tải Hà Nội).   

Điều gì đã giúp Tuấn Anh đạt được sự tôn vinh đó? Anh bảo, nghề nào cũng vậy, nếu chúng ta dốc tâm, dốc sức với nghề có lẽ nào nghề lại phụ chúng ta. Nghề lái xe buýt lại càng phải có tâm, có tâm là sự tâm huyết, là đam mê và hơn thế còn là lương tâm, đạo đức với nghề. Với Tuấn Anh, điều may mắn và cũng là cơ duyên khi anh được đầu quân tại Xí nghiệp xe buýt 10/10. Sống trong tập thể tốt, có kỷ cương, có kỷ luật chính là môi trường để người lao động rèn rũa về kỹ năng, trau dồi phẩm chất, sống có trách nhiệm với tập thể và với cộng đồng.

Tuấn Anh suy nghĩ thật giản dị, mình hãy tôn trọng mọi người bằng chính công việc mình làm ngay từ việc nhỏ nhất như: Đi làm đúng giờ, mặc đồng phục đúng cách, hay luôn kính trên, nhường nhịn dưới. Làm như vậy, đồng nghiệp sẽ tôn trọng mình. Với hành khách, Tuấn Anh cho rằng, nếu mỗi lái xe coi hành khách như người thân của mình để phục vụ tốt, chắc hẳn hành khách cũng quý lái xe như người nhà.

Những 'tay lái vàng' của Thủ đô ảnh 3 Lái xe Bùi Huy Hùng
So sánh xe buýt Thủ đô với cách đây 10 năm trước, anh Tuấn Anh cho rằng, hiện nay xe buýt đã được Tổng Công ty quan tâm và đổi mới không ngừng, xe đẹp, hiện đại, sạch sẽ. Xe chạy có lộ trình, tuyến rõ ràng, hành khách ngày một văn minh dù nhiều khi cũng quá tải vì đông. Theo Tuấn Anh, đời sống và điều kiện làm việc của lái xe luôn được lãnh đạo Tổng Công ty quan tâm, đây chính là động lực giúp các lái xe luôn cố gắng và gắn bó lâu dài.
Hơn thế, lái xe luôn cần đến sự lan tỏa, truyền thụ của những thế hệ đi trước giàu kinh nghiệm. Vì thế anh tin ở Transerco sẽ có ngàng càng nhiều lái xe giỏi. Tuy vậy, cái khó của xe buýt chính là phải tự bươn bả trên những cung đường chật cứng phương tiện cá nhân, điều đó ít nhiều gây căng thẳng cho các lái xe. Nếu chỉ thiếu một chút kiên nhẫn, lái xe có thể vi phạm luật giao thông hoặc có những hành động không phù hợp ảnh hưởng đến thương hiệu xe buýt Transerco. Với Tuấn Anh đây là điều anh trăn trở nhất!

Post by Báo Tiền Phong.

MỚI - NÓNG
Ngừng phiên tòa tranh chấp liên quan đến Hoa hậu Lê Hoàng Phương
Ngừng phiên tòa tranh chấp liên quan đến Hoa hậu Lê Hoàng Phương
TPO - Sau khi xuất hiện bằng chứng mới, Hội đồng xét xử quyết định tạm dừng phiên tòa  tranh chấp Hợp đồng quảng bá thương hiệu giữa Ban tổ chức cuộc thi Miss Grand Vietnam 2023 (BTC) và Công ty Cổ phần Bệnh viện Phẫu thuật thẩm mỹ Nam An (Bệnh viện Nam An), trong đó Hoa hậu Lê Hoàng Phương tham gia tố tụng với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.