Hà Nội 10 năm sau hợp nhất:

Ông Phạm Quang Nghị: 'Ai cũng lo nội bộ không chịu bắt tay đoàn kết'

Theo Nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị, thời điểm hợp nhất nhiều cán bộ xuất hiện tâm lý lo ngại
Theo Nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị, thời điểm hợp nhất nhiều cán bộ xuất hiện tâm lý lo ngại
TPO - Nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị cho biết, mở rộng địa giới hành chính Thủ đô xuất hiện nhiều tâm lý lo ngại, nhất là việc không biết nội bộ có chịu bắt tay nhau hợp tác làm việc hay không.

Ngay sau khi có Nghị quyết 15 của Quốc hội, ông Phạm Quang Nghị cùng Thường trực Thành ủy Hà Nội và Thường trực Tỉnh ủy Hà Tây bàn về công tác sắp xếp nhân sự. Trong đó, Ban tổ chức hai tỉnh, thành làm tham mưu, lên danh sách cán bộ chủ chốt để sau này bỏ phiếu kín vào từng vị trí lãnh đạo.

Người xuống chức cũng vui vẻ chấp thuận

PV - Ông từng nói công việc ở Hà Nội “nhiều như nước sông Hồng”, vậy khi Hà Nội hợp nhất thì ông đặt nhiệm vụ nào là quan trọng nhất để bắt tay vào giải quyết ngay khi đó?

Ông Phạm Quang Nghị - Việc đầu tiên chúng tôi xác định là phải sắp xếp bộ máy và bố trí cán bộ. Thời điểm đó đây là việc cần thiết, quan trọng và cũng là khó khăn nhất. Tôi nói như vậy vì cán bộ, công chức như “đầu não” của bộ máy, nếu nó hoạt động thì tất cả những cái khác mới vận hành trơn tru.

Những khó khăn được đặt ra trong vấn đề này là việc giải quyết chế độ chính sách liên quan con người, tư tưởng, tâm lý cán bộ, công chức. Bởi thực tế, có cán bộ đang làm trưởng xuống phó thì cũng có tâm tư nhất định. Từ cái khó như vậy đòi hỏi mình giải quyết công việc phải khách quan, dân chủ, làm khẩn trương nhưng bài bản và phải thật sự công tâm trong sáng.

- Tâm lý của cán bộ, công chức Hà Tây với Hà Nội khi nghe thông tin hợp nhất thế nào, thưa ông?

- Nói chung mỗi phía có đều có lo lắng riêng. Phía Hà Nội rất lo ngại nguồn lực bị dàn mỏng ra, cũng có tâm lý lo là tất cả chỉ số phát triển sau hợp nhất bị kéo lùi xuống. Rồi ai cũng lo là nội bộ không biết có chịu bắt tay, đoàn kết, hợp tác làm việc hay không. Còn phía cán bộ, đảng viên Hà Tây thì lo mình là tỉnh, không có vị thế, bị đánh giá thấp, không được bố trí tương xứng.

Thời điểm đó giữa ông và Bí thư Tỉnh ủy Hà Tây có thỏa thuận gì để cùng bắt tay vào việc sắp xếp nhân sự hay không?

Sau khi có nghị quyết của Quốc hội, tôi nói với các đồng chí trong Thường trực Thành ủy Hà Nội là với cuộc họp đầu tiên anh em mình phải chủ động vào Hà Tây. Làm như vậy để giảm thiểu tối đa suy nghĩ mặc cảm (nếu có) trong cán bộ. Do vậy, tôi và các Phó Bí thư của Hà Nội chủ động liên hệ với Thường trực và Bí thư Hà Tây.

Hai bên tổ chức gặp nhau để bàn lộ trình, cách thức sắp xếp cán bộ. Cuộc họp bàn cũng rất thẳng thắn. Trưởng Ban Tổ chức hai tỉnh thành lập danh sách cán bộ thuộc diện Tỉnh ủy và Thành ủy quản lý. Từ đó đưa ra phân tích, bàn bạc sắp xếp nhân sự.

Có những việc không đơn giản. Như theo lý lẽ thông thường Hà Nội quan trọng hơn các tỉnh (đó là khách quan), nhưng không có nghĩa là cái gì Hà Nội cũng làm cấp trưởng hết. Nếu làm như vậy, các đồng chí Hà Tây cũng chẳng thể nào chấp nhận.

Để sau này không ai nói là công tác cán bộ do người này người kia áp đặt. Và để mọi người thấy đây là sản phẩm của tập thể, bình đẳng giữa hai Ban Thường vụ (Hà Nội và Hà Tây) nên các chức danh chủ chốt đều được bỏ phiếu kín. Như vậy sẽ không còn băn khoăn gì nữa. Một số người từ trưởng xuống phó cũng vui vẻ chấp thuận.

- Quá trình bỏ phiếu kín, có chức danh nào bị trượt so với dự kiến ban đầu không, thưa ông?

- Do dự kiến đều sát, nên trúng hết. Người thấp, tôi nhớ cũng được hơn 80% số phiếu. Còn lãnh đạo chủ chốt thì phân công. Ví dụ Bí thư Hà Tây Bùi Duy Nhâm phân công làm Phó Bí thư Thường trực, anh Nguyễn Công Soái và Tưởng Phi Chiến… vẫn là Phó Bí thư. Phó Giám đốc sở cũng vậy, không có ai xuống chức trưởng phòng, nhưng vì nhiều phó nên sau đó phải đưa về quận, huyện.

“Tôi luôn có chính kiến bảo vệ anh em”

- Thực tế, quá trình sắp xếp như vậy khiến bộ máy hành chính của TP Hà Nội rất cồng kềnh, có những sở như Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch có đến 13 Phó Giám đốc. Thời điểm đó ông có nghĩ phải tinh giản bớt việc “lạm phát” cán bộ như vậy hay không?

- Anh em lên được vị trí như vậy là cả một quá trình phấn đấu. Về mặt nguyên tắc, cán bộ không vi phạm, không bị kỷ luật gì thì không thể hạ chức họ được. Sau này cũng không thể giải thích trong lý lịch hồi ấy là vì hợp nhất tôi đang trưởng xuống phó, nó rất khó hiểu.

Ông Phạm Quang Nghị: 'Ai cũng lo nội bộ không chịu bắt tay đoàn kết' ảnh 1 Sắp xếp nhân sự là bài toán khó nhất, nan giải nhất khi mở rộng địa giới hành chính Thủ đô

Tại sao đang làm Phó Giám đốc Sở giờ lại xuống làm Trưởng phòng? Mà dù cho họ xuống Trưởng phòng thì người Trưởng phòng đó cho đi đâu? Tất cả những lập luận như vậy tôi phải có chính kiến bảo vệ anh em.

- Thực tế trong quá trình sắp xếp của Hà Nội thì Trung ương cũng đưa ra chính sách tinh giản biên chế. Tại sao thời điểm đó Hà Nội không dựa vào đó để cắt bớt số cán bộ dôi dư so với quy định ở các sở ngành?

- Trung ương lúc bấy giờ có một số gợi ý cho Hà Nội. Nhưng thực tế chưa có tiền lệ mô hình nào hợp nhất như thế này nên Trung ương cũng không biết nên chỉ đạo Hà Nội làm như thế nào, gần như giao cho Hà Nội tự làm.

Khi đó có đồng chí ở Ban tổ chức Trung ương nói làm sao HĐND lại đông như này được. Tôi bảo các anh cứ hỏi làm sao, thế làm sao lại hợp nhất. Đồng ý hợp nhất mà không đồng ý cán bộ. Có người bảo phải bớt đi thì tôi hỏi bớt thế nào? Đại biểu HĐND là do nhân dân bầu. Thành ủy, Tỉnh ủy là do Đại hội Đảng bầu. Vậy thì bớt thế nào? Bảo bớt ông nào nhiều tuổi đi. Tôi bảo nếu thế thì bớt tôi đầu tiên. Tôi nhiều tuổi nhất.

Trước thực tế như vậy nên phải chấp nhận phương án là hợp nhất nguyên trạng về cán bộ. Số lượng không bớt được.

Chúng ta chấp nhận thời điểm đó phải như vậy nhưng trong quá trình điều hành sau này phải từng bước giảm dần, chứ không tạo cú sốc giảm ngay đột ngột là không khả thi.

- Sau hợp nhất (tháng 8/2008), số lượng cán bộ lên đến hơn 100 nghìn người, nhưng chất lượng không đồng đều, vậy ông làm cách nào để khắc phục tình trạng đó?

- Quả thật không chỉ là trình độ, phương pháp, thói quen mà cả nề nếp làm việc của hai địa phương lúc đầu khác nhau nên đòi hỏi phải có sự chờ đợi và giúp đỡ lẫn nhau.

Hà Tây đang làm việc theo cách của Hà Tây, mình chẳng thể nói anh em như thế là dở hay là kém. Ngược lại Hà Nội làm theo cách của Hà Nội. Bây giờ hai cỗ máy tốc độ chạy khác nhau, đường kính bánh xe khác nhau lắp ráp lại thành một cỗ máy chung, cả hai bên đều phải điều chỉnh.

- Có thời điểm nào ông mất kiên nhẫn trong việc này không?

- Trong những trường hợp cá biệt thì cũng sốt ruột cũng phải xử lý. Mọi người chờ đợi như vậy mà ai đó không hợp tác, không phấn đấu, không vượt lên thì cũng phải xử lý. Có xử lý ít thôi, nhưng cũng có tác dụng.

Xin cảm ơn ông!

MỚI - NÓNG
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
TPO - Trung ương Đoàn thực hiện 3 công trình số hóa các di tích lịch sử, địa chỉ đỏ cho tỉnh Điện Biên nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, gồm: Điểm Di tích Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ ở Mường Phăng, Điểm Di tích Đồi A1 và Điểm Di tích Trung tâm đề kháng Him Lam (Đồi Him Lam), với tổng trị giá 300 triệu đồng.