Phân loại rác từ nguồn: Dừng dự án vì… hết tiền

Hình ảnh rác ngập trên đường phố thường thấy tại Thủ đô
Hình ảnh rác ngập trên đường phố thường thấy tại Thủ đô
TP - Dự án phân loại rác tại nguồn 3R năm 2009 đạt hiệu quả tốt, khi giảm thiểu rác sau phân loại tại nguồn lên tới 4.680 tấn/năm. Đến nay, do thiếu cơ chế hỗ trợ, thiếu những chế tài xử lý liên quan xả rác nên đề án nhanh chóng trở thành quá khứ.

Thiếu kinh phí

Cuối năm 2006 - 2009, dự án phân loại rác tại nguồn 3R do Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tài trợ về vốn được thực hiện tại Hà Nội, thí điểm tại 4 phường ở Hà Nội là Láng Hạ, Nguyễn Du, Thành Công và Phan Chu Trinh. Mặc dù đạt được nhiều kết quả tích cực, thế nhưng đến nay việc phân loại rác đã không còn, rác vứt chung vào một thùng, mục tiêu dự án trở về con số 0 tròn trĩnh.

Theo ông Đặng Văn Thành (phường Phan Chu Trinh), trước đây khi dự án 3R được triển khai, bà con được hướng dẫn bằng tờ rơi, hướng dẫn trực tiếp về cách phân loại rác và vứt rác đúng nơi quy định. Vài tháng đầu khá khó khăn, nhưng chỉ sau 1 năm, phân loại rác đã trở thành thói quen sinh hoạt của người dân. Mỗi nhà đều có 2 thùng rác xanh và vàng để phân loại ngay tại nhà. “Tuy nhiên, một thời gian sau dự án kết thúc, công nhân vệ sinh thu rác cũng vứt chung vào một thùng. Do đó người dân dần mất đi thói quen tốt này”, ông Thành nói.

Đại diện Cty TNHH MTV Môi trường đô thị Hà Nội (URENCO) đánh giá, dù mới chỉ thí điểm tại 4 phường nhưng tổng lượng rác giảm thiểu sau khi phân loại rác tại nguồn lên tới 4.680 tấn/năm. Dự án được đánh giá tác động tích cực tới môi trường: Giảm 30% lượng rác đưa đi chôn lấp, giảm ô nhiễm môi trường, tiết kiệm chi phí xử lý rác, kéo dài tuổi thọ các bãi chôn lấp. Thay vào đó, lượng rác được đem tới Nhà máy Chế biến phân hữu cơ Cầu Diễn để chế biến thành phân bón - một sản phẩm an toàn cho đất trồng và người sử dụng. Trong 4 thang điểm của đánh giá sau khi hoàn thành dự án của JICA thì dự án được đánh giá mức 3, mức Tốt.

Đại diện URENCO cho rằng, đây là dự án ODA phụ thuộc vào nguồn tài trợ của Nhật Bản. Sau 3 năm thí điểm, thành phố tiếp nhận nhưng kinh phí tuyên truyền, giám sát cộng đồng… rất lớn trong khi thành phố chưa bố trí được nguồn vốn. “Doanh nghiệp cũng chỉ duy trì được vài năm nhưng phải dừng do thiếu kinh phí, càng làm càng lỗ nên rất khó”, đại diện URENCO cho hay.

Quy trình ngược

Nói đến dự án phân loại rác 3R, không thể không nhắc đến Nhà máy Xử lý rác Cầu Diễn có vốn đầu tư hơn 61 tỷ đồng từ năm 2001 (một nửa vay ODA của Tây Ban Nha) do URENCO chi nhánh Cầu Diễn quản lý vận hành. Đến nay, nhà máy xử lý rác thành phân bón đã trong tình trạng “đắp chiếu”, xí nghiệp quản lý vận hành chủ yếu thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến xử lý bể phốt.
Đại diện URENCO cho biết, thời điểm Hà Nội chia rác hữu cơ và vô cơ riêng, rác vô cơ được đem đi chôn lấp, rác hữu cơ được chuyển đến nhà máy tái chế làm phân bón. Thời điểm đó, rác hữu cơ đầu nguồn được lấy từ các chợ đầu mối như Long Biên, Đền Lừ… và những khu vực phân loại rác. Tuy nhiên, rác về đến nhà máy vẫn chưa đạt yêu cầu, phải tiếp tục phân loại bằng máy và giao mấy chục công nhân phân loại bằng tay tiếp. Nhà máy Cầu Diễn không còn hoạt động về phân hữu cơ bởi nguồn không đạt yêu cầu. Ngoài ra, làm được 1 kg phân mất 3, 4 công nhân phân loại, chưa tính tiền xử lý vận hành dẫn đến chi phí sản xuất cao.  

“Chi phí cao nên phân bón tái chế không thể bán được theo cơ chế thị trường mà không có trợ giá từ nhà nước. Nếu không tiêu thụ được thì phân lại hoàn rác”, vị này cho hay.

Do thành phố không hỗ trợ kinh phí cho việc xử lý rác hữu cơ thành phân bón hữu cơ, hằng năm URENCO luôn phải bù lỗ cho hoạt động sản xuất phân tại Nhà máy Xử lý rác Cầu Diễn.

Lãnh đạo Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở TN&MT Hà Nội) cho biết, hiện nay đa số rác được xử lý bằng phương pháp chôn lấp. Biện pháp xử lý này tốn kém chi phí, lãng phí đất đai, ảnh hưởng đến môi trường quanh khu vực. Do đó việc lựa chọn công nghệ đốt rác thải phát điện là giải pháp tốt nhất. UBND thành phố Hà Nội đặt mục tiêu đến năm 2025 tất cả các loại chất thải rắn đều được tái chế, xử lý triệt để bằng công nghệ tiên tiến, thân thiện với môi trường. Các dự án đầu tư nhà máy đốt rác phát điện trọng điểm của thành phố đang được đẩy nhanh tiến độ như: Nhà máy điện rác tại Khu liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn (huyện Sóc Sơn) công suất 4.000 tấn/ngày - đêm; Nhà máy xử lý rác thải Tả Thanh Oai (huyện Thanh Trì) công suất 2.000- 2.500 tấn/ngày - đêm…

Tuy nhiên, dù có xử lý rác bằng phương pháp đốt thì phân loại rác từ nguồn rất quan trọng để giảm lượng rác hàng ngày cũng như tránh hiệu ứng ngược. Ví dụ như nếu lọt túi ni lông, chất thải nhựa, thức ăn thừa… vào lò đốt, sẽ sản sinh ra dioxin, furan - loại hóa chất độc hại có thế khiến tử vong.

Chuyên gia môi trường Phạm Văn Đức (một thành viên tham gia dự án 3R của JICA tại Hà Nội) cho biết, 3R là chương trình phân loại rác theo sáng kiến của Thủ tướng Nhật Bản và đây là mô hình của xã hội văn minh. Ở các nước phát triển như Đức, người ta còn phân loại chi tiết đến 20 loại nhựa khác nhau, từ màu sắc, chất liệu… Ở Nhật Bản, công nhân vệ sinh đi thu rác 2 ngày 1 lần nhưng đường phố luôn sạch sẽ. Trong khi ở Hà Nội, mỗi ngày công nhân thu rác đi vài lần nhưng rác vẫn chất đầy lộ thiên trên đường. “Để xảy ra việc càng thu lại càng bẩn, bởi chúng ta đang thực hiện quy trình ngược”, ông Đức nói.

Theo ông Đức, chúng ta đã có Nghị định 155/2016/NĐ-CP Quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường tuy nhiên việc xử lý thì gần như bằng 0. Để đạt được mục tiêu gom rác thải cần kết hợp hài hòa 3 yếu tố: Công nghệ, sự quyết liệt của chính quyền và ý thức của người dân.

MỚI - NÓNG
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến (bên phải) trao Quyết định cho bà Nguyễn Vũ Bích HIền.
Thành ủy Hà Nội trao quyết định về công tác cán bộ
TPO - Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội quyết định chuẩn y bà Nguyễn Vũ Bích Hiền (SN 1975), Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ Khối các trường Đại học, Cao đẳng Hà Nội, tham gia Ban Thường vụ, giữ chức vụ Phó Bí thư Đảng uỷ Khối các trường Đại học, Cao đẳng Hà Nội, nhiệm kỳ 2020 - 2025.