Phố đi bộ Hồ Gươm: Hỗ trợ dân chuyển đổi kinh doanh

Thành phố cam kết hỗ trợ cho các hộ dân phố cổ chuyển đổi hình thức kinh doanh.
Thành phố cam kết hỗ trợ cho các hộ dân phố cổ chuyển đổi hình thức kinh doanh.
TP - Thừa nhận còn nhiều điểm cần rút kinh nghiệm sau tuần đầu thí điểm mở rộng phố đi bộ, tuy nhiên, UBND quận Hoàn Kiếm và các sở, ngành liên quan đều có chung nhận định việc mở rộng phố đi bộ đã mang lại những hiệu ứng tích cực, đặc biệt là ở lĩnh vực du lịch - dịch vụ. Thành phố vẫn tiếp tục triển khai và sẽ hỗ trợ các hộ dân chuyển đổi hình thức kinh doanh.

Là chủ hộ buôn bán các mặt hàng quà tặng và lưu niệm nhiều năm nay tại số 15 Hàng Khay, bà Trần Thị Lê, chủ cửa hàng cho rằng, sau 4 ngày thành phố tổ chức đi bộ, khu vực xung quanh hồ Hoàn Kiếm mang một diện mạo mới. Cảnh phương tiện chen chúc, ồn ào khói bụi trên phố đã không còn.

4 ngày bán được vài chai nước

Tuy nhiên nói về kết quả kinh doanh trong 4 ngày qua, bà Lê nói bình quân hằng ngày cửa hàng của bà bán được khoảng 1 triệu đồng tiền hàng, vào các ngày cuối tuần thì cao hơn. Vậy nhưng khi thành phố tổ chức phố đi bộ xung quanh hồ Hoàn Kiếm trong đó có phố Hàng Khay, tính đến chiều Chủ nhật (sau gần 4 ngày, đêm) bà Lê bán được rất ít. “Thay vì bán các mặt hàng quà tặng, những ngày cuối tuần vừa qua, mỗi ngày tôi chỉ bán được vài chai nước, thu về được khoảng từ 50.000 đến 70.000 đồng”, bà Lê nói.

Cạnh cửa hàng bà Lê là quán phở số 17 Hàng Khay. Chủ nhà cho biết, họ cho một đơn vị thuê mặt bằng khoảng 20m2 để bán phở với giá 3.000 USD mỗi tháng. Tuy nhiên, ghi nhận những ngày cuối tuần vừa qua chúng tôi thấy, quán phở này vắng khách ra vào từ sáng đến tối, riêng trong ngày Chủ nhật (4/9) thấy quán đóng cửa. Quan sát các tuyến phố quanh khu vực hồ Hoàn Kiếm trong ngày Chủ nhật cuối tuần qua, chúng tôi thấy rằng, nếu các tuyến phố vòng ngoài như Hai Bà Trưng, Lý Thái Tổ, Hàng Trống… chen chúc phương tiện qua lại, thì các tuyến phố xung quanh hồ Hoàn Kiếm như Tràng Tiền - Hàng Khay, Đinh Tiên Hoàng, Hàng Bài, Lê Thái Tổ… chỉ lác đác người đi bộ, quang cảnh như ngày mùng 1 Tết, đường phố vắng bóng phương tiện.

Hỗ trợ chuyển đổi kinh doanh

Ông Lê Công Dũng, tổ trưởng tổ dân phố số 10, phường Tràng Tiền, quận Hoàn Kiếm cho biết, tuy tạo ra được nét mới về du lịch cho khu vực quanh hồ Hoàn Kiếm nhưng việc đi bộ cả ban ngày đang khiến các hộ kinh doanh và cuộc sống người dân trên một số tuyến phố bị ảnh hưởng rất nhiều. Ông Dũng dẫn chứng, Tràng Tiền, Đinh Lễ, Nguyễn Xí là các tuyến phố thương mại, những ngày không cấm xe tại các tuyến phố này giao dịch, buôn bán nhộn nhịp từ sáng sớm đến quá nửa đêm. Tuy nhiên 4 ngày cuối tuần vừa qua các tuyến phố này chìm trong im lặng, trừ phố Tràng Tiền, các phố còn lại rất ít người đi bộ đi vào. Cùng với đó, trong 4 ngày qua mỗi khi phải đi lại người dân sống tại các tuyến phố trên phải dắt xe máy cả kilômét, ra khỏi khu vực cấm mới có thể lên xe đi được. “Tạo điểm nhấn, bảo tồn danh lam thắng cảnh để phát triển du lịch Thủ đô là việc rất cần thiết. Tuy nhiên cần phải làm có lộ trình và hài hòa giữa lợi ích thành phố và lợi ích người dân”, ông Dũng nêu quan điểm.

Để hợp lý và hài hòa khi tổ chức phố đi bộ, ông Dũng đề xuất, trước mắt thành phố chỉ nên tổ chức vào các buổi tối cuối tuần như khu vực phố cổ để người dân xung quanh hồ Hoàn Kiếm kịp thời bắt nhịp, với các hộ kinh doanh cũng kịp chuyển đổi ngành nghề.

Trao đổi với PV Tiền Phong ngày 5/9, ông Phạm Tuấn Long, Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm (đơn vị được thành phố Hà Nội giao thực hiện phố đi bộ) cho rằng, thực tế đang diễn ra trên các phố đi bộ cũng như ý kiến người dân, quận cũng đã nắm bắt được. Tuy nhiên đây là kế hoạch của lãnh đạo thành phố với chủ trương vừa triển khai vừa điều chỉnh nên quận đã đưa các tuyến phố đi bộ trên vào hoạt động đúng dịp 2/9. Theo ông Long, trước khi thực hiện ở khu vực hồ Hoàn Kiếm, quận cũng đã làm việc này ở khu vực phố cổ, ban đầu do phải thay đổi loại hình, cách thức kinh doanh nên cũng bị người dân phản ứng mạnh. Nhưng đến nay trên các tuyến phố đi bộ phố cổ đã mang một sắc thái mới, kinh doanh hiệu quả hơn.

Do vậy về chủ trương và thời gian đi bộ xung quanh hồ Hoàn Kiếm sẽ chưa có gì điều chỉnh. Các hộ kinh doanh và người dân sống tại khu vực này cũng phải thích nghi với xu thế chuyển từ thương mại, buôn bán sang du lịch và dịch vụ. Trong quá trình chuyển đổi trên, thành phố và quận sẵn sàng hỗ trợ nhân dân, chủ hộ kinh doanh về các mặt, trong đó có thiết kế, tân trang công trình cho phù hợp.

Xử phạt 18 triệu đồng mỗi điểm trông xe “chặt chém”

Đại diện Phòng CSGT Hà Nội thông tin, các điểm trông giữ phương tiện được cấp phép hầu hết quá tải, không đủ nhân viên làm việc. Đó cũng là lý do phát sinh một số điểm trông xe tự phát trái phép ở một số vị trí: ngã tư Hàng Thùng - Lò Sũ, gầm cầu Chương Dương (đầu Hàng Muối), Hai Bà Trưng - Hàng Bài… có những điểm trông giữ xe quá giá quy định. Trao đổi với PV Tiền Phong ngày 5/9, một lãnh đạo UBND quận Hoàn Kiếm cho biết, trong tuần đầu thí điểm, trên địa bàn phường Hàng Gai, Hàng Bạc, Tràng Tiền xuất hiện một số bãi xe không được cấp phép, thu cao hơn nhiều lần so với mức giá thành phố quy định. Ngày 4/9, UBND quận Hoàn Kiếm xử phạt mỗi điểm vi phạm 18 triệu đồng vì lỗi lấn chiếm vỉa hè và trông giữ xe trái phép. UBND quận Hoàn Kiếm cho biết, đã gửi danh sách các điểm trông giữ xe sai quy định sang Công an quận để đơn vị này giám sát, xử lý vi phạm nếu tái diễn. Sau khi báo Tiền Phong ngày 5/9 đăng bài “Phố đi bộ quanh hồ Hoàn Kiếm: Đường ngập rác, khách bị chặt chém” có nội dung phản ánh một số điểm trông xe trên phố Hai Bà Trưng, Hàng Bài thu giá cao, ngay trong ngày Cty Cổ phần 901 (chủ quản các điểm trông xe trên) đã có văn bản gửi báo thừa nhận vi phạm và cam kết sẽ chấn chỉnh lại hoạt động, nhằm phục vụ các tuyến phố đi bộ được tốt hơn.

                                Ngọc Cương- Trần Hoàng

MỚI - NÓNG
Nguyên nhân sập cầu treo Kẻ Nính
Nguyên nhân sập cầu treo Kẻ Nính
TPO - Liên quan đến vụ sập cầu treo Kẻ Nính bắc qua sông Hiếu xảy ra vào ngày 6/3/2024, cơ quan chức năng tỉnh Nghệ An đã có báo cáo kết quả kiểm tra vụ việc và nguyên nhân gây sập cầu.