Phố phường nhầy nhụa bùn đất

Bùn đất bọc kín xe hơi che mất cả biển số trên đường Hà Nội . Ảnh: Hồng Vĩnh
Bùn đất bọc kín xe hơi che mất cả biển số trên đường Hà Nội . Ảnh: Hồng Vĩnh
TP - Thời tiết xấu, mưa rét kéo dài suốt những ngày qua đã khiến cho những tuyến phố, con đường trên địa bàn Hà Nội nhầy nhụa bùn đất. Đường phố nhem nhuốc, giao thông đi lại của người dân thì bị ảnh hưởng, thậm chí nhiều trường hợp bị ngã xe do đường trơn trượt. 

Ngán ngẩm với bùn đất

“Suốt cả tuần nay cứ ra khỏi nhà dù trời mưa hay không mưa, trên người lúc nào cũng phải mặc áo mưa, dưới chân thì dùng túi nilon buộc vào chân để bảo vệ giầy khỏi bị ướt và bẩn. Các tuyến phố Hà Nội ở đâu cũng chìm trong nước mưa và bùn đất bẩn thỉu”, anh Lê Hùng Phúc, hành nghề lái xe ôm ở khu vực đường Phạm Hùng ngán ngẩm nói.

“Mấy ngày nay mưa phùn kéo dài, cộng với việc công nhân tiến hành chặt hạ hàng loạt cây xanh trên vỉa hè đã khiến cho tuyến đường này bị phủ những lớp bùn đất bẩn thỉu, chẳng thấy xe rửa đường của công ty môi trường đâu cả”.

Ông Lê Huy

Theo ghi nhận, tại các tuyến đường cửa ngõ, vành đai như Nguyễn Xiển, Giải Phóng, Khuất Duy Tiến, Phạm Hùng, Xuân Thủy, Tam Trinh..., trong những ngày qua do mưa phùn kéo dài đã khiến cho đường phố luôn trong tình trạng nhầy nhụa trong bùn đất. Nhiều người tham gia giao thông bị bùn đất bắn lên quần áo, phương tiện xe máy, ôtô thì bị bùn đất chen kín không còn nhìn rõ biển số. Thậm chí, đã xảy ra một số trường hợp người dân điều khiển xe máy bị trượt ngã.

Ngay cả những tuyến phố ở khu vực các quận nội đô, những tuyến phố lâu nay được mệnh danh là tuyến xanh và đẹp nhất Hà Nội như Nguyễn Chí Thanh-Trần Duy Hưng, những ngày qua, mưa rét đã làm cho đường phố ở đây nhầy nhụa, gây cản trở giao thông. “Mấy ngày nay mưa phùn kéo dài, cộng với việc công nhân tiến hành chặt hạ hàng loạt cây xanh trên vỉa hè đã khiến cho tuyến đường này bị phủ những lớp bùn đất bẩn thỉu, chẳng thấy xe rửa đường của công ty môi trường đâu cả”, ông Lê Huy- một người dân sống ở phố Nguyễn Chí Thanh nói. 

Ông Phạm Thế Giáp - Đội phó Đội CSGT số 12 cho rằng, không chỉ người dân khổ sở mà lực lượng làm nhiệm vụ cũng khổ: “Mưa rét kéo dài đã làm cho tầm quan sát của người điều khiển giao thông bị hạn chế, hơn nữa mặt đường những ngày này rất trơn nên dễ xảy ra tai nạn với người đi xe máy”, ông Giáp cho biết. Theo ông Giáp, những ngày qua hầu hết xe ô tô lưu thông các trên trục đường đều bị bùn đất phủ biển số. Tuy nhiên do mưa rét nên các tổ làm nhiệm vụ chỉ tập trung hướng dẫn, phân luồng và thông cảm chứ không xử lý các lái xe vì lỗi không rõ biển số. 

Chi hàng tỷ đồng, đường phố vẫn nhem nhuốc

Theo Cty Môi trường đô thị Hà Nội, cùng với hoạt động thu gom, vận chuyển xử lý rác, phế thải, trong những ngày qua do thời tiết xấu, mưa phùn kéo dài, đơn vị đã phải tăng cường thêm lực lượng công nhân và phương tiện để bảo đảm vệ sinh môi trường trên các tuyến phố. “Mấy ngày qua do mưa phùn kéo dài trong khi lá cây xanh trên các tuyến phố bị rụng rất nhiều. Bên cạnh đó nhiều công trình xây dựng, nhiều dự án triển khai trên địa bàn nên đường phố rất bẩn. Dù đã tăng cường thêm lực lượng công nhân để quét rọn nhưng vẫn không thể sạch hết được, còn xe rửa đường, phun nước thì chỉ thực hiện vào buổi tối thôi”- ông Lê Trung Dũng, Trưởng phòng Truyền thông Cty Môi trường đô thị Hà Nội lý giải. 

Đại diện Cty Môi trường đô thị Hà Nội cho biết, hiện đơn vị được Sở Xây dựng giao quản lý việc thu gom, vận chuyển rác thải, làm vệ sinh môi trường các tuyến phố của các quận nội đô trung tâm. Các khu vực, quận huyện còn lại do hơn 20 đơn vị khác đảm nhiệm thông qua hình thức đấu thầu. Trong đó, lượng rác thu gom hằng ngày đối với 4 quận nội thành mà đơn vị này đang đảm nhiệm là trên 2.500 tấn/ngày, với số tiền theo đặt hàng mỗi năm khoảng 500 tỷ đồng. “Mấy ngày qua dù đường phố rất nhiều bùn đất cần phải tăng thêm lượng rửa đường nhưng đơn vị vẫn thực hiện và duy trì theo khối lượng hằng ngày vì khối lượng này đã duyệt rồi muốn tăng cũng không được”, một vị cán bộ nói.

Mới đây tại hội nghị về công tác xử lý rác thải và vệ sinh môi trường (VSMT) trên địa bàn, Phó Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Lê Văn Hoạt cho rằng, công tác quản lý VSMT còn nhiều bất cập, đặc biệt cơ chế xin-cho, đặt hàng thay vì đấu thầu của các đơn vị làm dịch vụ công ích.

Theo ông Hoạt, mỗi năm Hà Nội chi khoảng 4.000 tỷ đồng cho công tác thu gom, vận chuyển rác thải, duy trì vệ sinh môi trường, cây xanh, chiếu sáng... Trong đó ngân sách của thành phố cấp 2.000 tỷ đồng, còn lại là ngân sách các quận, huyện chi theo phân cấp. Theo ông Hoạt, việc đặt hàng ký hợp đồng, thanh toán chủ yếu quan tâm đến khối lượng, chưa gắn trách nhiệm của doanh nghiệp đối với sản phẩm cuối cùng, vì vậy phải đẩy mạnh việc xã hội hóa, minh bạch trong đấu thầu. Có như thế mới tạo thành sức mạnh tổng hợp để giải quyết vấn đề bức xúc trước mắt cũng như lâu dài trong việc xây dựng Thủ đô xanh, sạch, đẹp. 

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.