Quy hoạch không gian văn hoá hồ Gươm thành phố đi bộ

Một góc đường quanh hồ Gươm. Ảnh: Như Ý
Một góc đường quanh hồ Gươm. Ảnh: Như Ý
TP - Từ kết quả thu được sau 12 năm triển khai phố đi bộ ở vùng lõi phố cổ, UBND quận Hoàn Kiếm và các cơ quan chức năng đã lập đề án trình thành phố xem xét cho mở rộng phố đi bộ ra các tuyến phố quanh hồ Gươm để vừa thu hút khách du lịch, lại góp phần giữ gìn bảo tồn các di tích văn hoá. Tuy nhiên, phát triển dịch vụ thế nào cho xứng tầm với danh thắng hồ Gươm vẫn là điều trăn trở của nhiều người.

Khai thác tối đa các giá trị văn hoá

Theo thống kế được ông Phạm Tuấn Long, Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm cung cấp, trước khi tổ chức thành tuyến phố đi bộ vùng lõi phố cổ, trên những phố này chỉ 70 cửa hàng kinh doanh dịch vụ, nhưng đến nay số cửa hàng kinh doanh đã tăng lên 450. Khi UBND quận Hoàn Kiếm bắt đầu thực hiện chỉnh trang phố Tạ Hiện, mức giá thuê cửa hàng tại đây thường trên dưới 500 USD/cửa hàng, đến nay giá thuê đã tăng lên 1.500 - 2.000 USD/cửa hàng. Cùng với đó, các tuyến phố đi bộ cũng góp phần tạo ra nhiều việc làm hơn cho người dân phố cổ, khi có đến 98% người dân chuyển đổi từ các nghề khác sang hoạt động dịch vụ du lịch.

Nói về hiệu quả phố đi bộ hiện nay, ông Đặng Đình Bằng, Trưởng Ban Quản lý phố cổ Hà Nội cho biết: Hoạt động của phố đi bộ cuối tuần tạo được “cú hích” mạnh mẽ về du lịch cho khu lõi phố cổ. Ban đầu, nhiều người dân các khu phố như: Lương Ngọc Quyến, Hàng Buồm, Mã Mây… phản đối gay gắt việc cấm đường do lo ngại ảnh hưởng đến đi lại, kinh doanh buôn bán. Tuy nhiên, chỉ sau một thời gian ngắn, với những hoạt động vui chơi, văn hoá liên tục, phố đi bộ đã trở thành một phần không thể thiếu của cả du khách trong và ngoài nước.

UBND quận Hoàn Kiếm vừa lập đề án trình thành phố xem xét đưa 3 tuyến phố Đinh Tiên Hoàng - Lê Thái Tổ - Hàng Khay và các tuyến phố phụ cận như: Lê Lai, Lê Thạch, Đinh Lễ, Nguyễn Xí, Tràng Tiền (đoạn từ Ngô Quyền đến Đinh Tiên Hoàng), Lê Thái Tổ, Hàng Trống (đoạn từ Nhà Thờ đến Lê Thái Tổ), Nhà Thờ vào không gian đi bộ, kết nối với 10 tuyến phố đi bộ vùng lõi phố cổ đã có nhằm mục đích khai thác tối đa giá trị văn hoá vật thể và phi vật thể nằm trong khu vực Trung tâm văn hoá hồ Gươm.

Sản phẩm dịch vụ phải là “đặc sản”

Trao đổi với PV Tiền Phong, đại diện UBND quận Hoàn Kiếm thừa nhận đây là việc không đơn giản, nên cần nghiên cứu và thử nghiệm kỹ lưỡng trước khi lựa chọn các loại hình dịch vụ xứng tầm với không gian văn hoá hồ Gươm, bởi không thể đưa các loại hình mang đặc điểm dịch vụ du lịch đường phố triển khai ở vùng lõi phố cổ ra không gian văn hoá bờ Hồ, không thể đem các hoại hình văn hoá truyền thống đang áp dụng ở không gian hẹp phố cổ ra không gian văn hoá rộng lớn như hồ Gươm. Để giải quyết bài toán lựa chọn loại hình dịch vụ xứng tầm với không gian hồ Gươm khi đề án mở rộng phố đi bộ được phê duyệt, đại diện UBND quận Hoàn Kiếm cho rằng, trước hết cần quỹ thời gian 3 hoặc 6 tháng thử nghiệm, trước khi lựa chọn loại hình hoạt động dựa trên đánh giá hiệu quả từ giới chuyên gia cùng các sở, ngành chuyên môn.

Liên quan đến đề án mở rộng không gian phố đi bộ ra khu vực hồ Gươm, trao đổi với PV ngày 17/8, ông Đỗ Đình Hồng, Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội thông tin: Hiện các sở, ngành liên quan đều có những đề xuất để chuẩn bị cho việc mở rộng khu phố đi bộ quanh hồ Gươm. Khi mở rộng không gian đi bộ ra khu vực hồ Gươm, những sản phẩm được lựa chọn kinh doanh trong khu vực phải là những sản phẩm độc đáo, mang đậm truyền thống, bản sắc.

Đại diện Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội cho biết, theo kế hoạch của Sở, sắp tới Hà Nội sẽ có Phố Sách cố định và lưu động. Ngoài Phố Sách cố định dự kiến đặt trên phố 19/12, Phố Sách lưu động sẽ được bày bán trên những cây sách di dộng, hộp sách gắn tường… phù hợp, kết nối được không gian phố đi bộ quanh hồ Gươm. “Phố Sách sẽ tạo dấu ấn, điểm nhấn cho phố đi bộ, góp phần nâng cao văn hoá đọc của người Hà Nội”, đại diện Sở Thông tin và Truyền thông nói.

Đại diện Ban Quản lý phố cổ Hà Nội đề xuất, nếu đề án được thông qua nên đưa xe điện cỡ nhỏ vào phục vụ việc trung chuyển, bởi phố đi bộ bao phủ phạm vi rộng, thành phố nên có phương án xe điện cỡ nhỏ trung chuyển để người dân gửi xe ở các tuyến phố ngoài không gian đi bộ có phương tiện thuận tiện di chuyển về nơi trông giữ xe.

Phòng CSGT, Công an thành phố Hà Nội vừa có đề xuất cấm xe 2 ngày cuối tuần đối với các tuyến phố chạy quanh hồ Gươm để tạo không gian đi bộ an toàn, thân thiện cho người dân. Theo đề xuất, ban đầu sẽ cấm ô tô, sau đó tiếp tục cấm xe máy lưu thông vào ngày thứ Bảy và Chủ nhật. Lãnh đạo Phòng CSGT giải thích, do lượng xe lưu thông qua khu vực trung tâm rất lớn nên đề xuất chỉ cấm hai ngày cuối tuần là phù hợp. Hiện Phòng CSGT đã chuẩn bị sẵn các phương án phân luồng, đảm bảo giao thông được thông suốt.

MỚI - NÓNG