Rác bủa vây nhiều đường phố ở Hà Nội

Phố Định Công rác thải chất đống, cao quá đầu người
Phố Định Công rác thải chất đống, cao quá đầu người
TP - Nhiều bãi rác lớn nhỏ mọc lên ở nhiều tuyến phố Hà Nội, gây mất mỹ quan đô thị, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân.

Xuất hiện nhiều bất thường

Ngõ 207, đường Bùi Xương Trạch thuộc phường Khương Đình (quận Thanh Xuân) mọc lên nhiều bãi rác ven đường. Càng vào sâu trong ngõ, các bãi rác càng nhiều, nhất là phần đất đang chờ triển khai dự án. Có đoạn vài chục mét, túi bóng đựng rác sinh hoạt, các vật dụng gia đình vứt bỏ la liệt. Có bãi rác lâu ngày, người dân sống xung quanh phải tự đốt cháy.

Người dân sống tại đường Bùi Xương Trạch cho biết, tình trạng các bãi rác tự phát kéo dài nhiều năm qua. Thời gian trước, các bãi rác nàyđược cơ quan chức năng của phường Khương Đình xử lý, tuy nhiên gần đây rác thải tái xuất hiện.

Tại một số tuyến đường ở phường Định Công (quận Hoàng Mai) cũng có nhiều bãi rác. Trên phố Định Công xuất hiện một số bãi rác lâu ngày cao hơn 1 mét nằm sát bên đường có mật độ người tham gia giao thông đông đúc. Ở ngách 16/77,  ngõ Định Công Hạ cũng có nhiều bãi rác thải, thậm chí, có bãi rác nằm ngay sau trường học và đổ tràn chiếm nửa đường đi.

Tại đường Nguyễn Cảnh Dị kéo dài cũng có tình trạng trên. Ở đây, có bãi rác dài vài chục mét. Quanh khu vực cầu Định Công xuất hiện 2 bãi rác lớn, rác tràn cả xuống kênh mương. Anh Nguyễn Văn Huy, sống gần một bãi rác trên phố Định Công cho biết, từ cuối năm 2019, trên phố này bắt đầu xuất hiện một số bãi rác thải. “Cứ mở cửa là nhìn thấy bãi rác. Những ngày trời mưa dầm, mùi từ bãi rác lại xộc vào nhà”, anh Huy nói.

Trên đường Phạm Văn Đồng (quận Cầu Giấy), một trong những tuyến đường huyết mạch của thành phố Hà Nội cũng xuất hiện bãi rác thải. Gần cổng Viện nghiên cứu Cơ khí, một bãi rác thải vật liệu xây dựng khá lớn chiếm gần hết vỉa hè. Mỗi khi người đi bộ đi qua đoạn đường này phải tìm cách né bãi rác trên.

Chính quyền kêu khó

Làm việc với PV Tiền Phong, ông Đặng Tuấn Anh, cán bộ đô thị và môi trường phường Khương Đình cho biết, ngõ 207, đường Bùi Xương Trạch là một điểm “nóng” về tình trạng đổ trộm rác thải. Cơ quan chức năng của phường Khương Đình nhiều lần tiến hành thu dọn các bãi rác này nhưng một thời gian sau, các bãi rác lại tiếp tục mọc lên. UBND phường này cũng cắt cử cán bộ thay nhau trực để ngăn chặn việc đổ rác trộm, đồng thời gọi các chủ kinh doanh vật liệu xây dựng trong phường để quán triệt việc không đổ rác thải và phế thải vật liệu xây dựng ra địa điểm trên. “Lúc nào không có cán bộ phường đi kiểm tra, người ta lại đổ trộm rác thải. Chúng tôi đã thực hiện nhiều giải pháp nhưng vẫn không thể giải quyết triệt để”, ông Tuấn Anh nói.

Ông Tuấn Anh cho biết thêm, trong năm 2019, UBND phường Khương Đình đã xử phạt hành chính hơn 40 triệu đồng về vi phạm xả rác ra môi trường, trong đó, có nhiều trường hợp ở ngõ 207, đường Bùi Xương Trạch. UBND phường Khương Đình đề xuất UBND quận Thanh Xuân cho lắp đặt camera ở ngõ trên để theo dõi và xử lý những người đổ trộm rác trong thời gian tới.

Ông Nguyễn Thăng Long, Chủ tịch UBND phường Định Công xác nhận có nhiều bãi rác ở ven đường Nguyễn Cảnh Dị kéo dài, phố Định Công... Các bãi rác này chủ yếu là vật dụng gia đình được đổ trộm vào ban đêm. “Chúng tôi nhiều lần thu dọn các bãi rác đó, nhưng thời gian sau, nhiều người lại tiếp tục đổ trộm. Vài ngày nữa, chúng tôi tiến hành xử lý các bãi rác trên”, ông Long cho hay.

Đại diện UBND phường Mai Dịch cũng xác nhận có bãi rác thải vật liệu xây dựng gần cổng Viện nghiên cứu Cơ khí trên đường Phạm Văn Đồng. “Sau khi tiếp nhận thông tin từ PV Tiền Phong, chúng tôi đã yêu cầu đơn vị thi công phải thu dọn bãi rác đó ngay”, đại diện UBND phường Mai Dịch nói.

Lãnh đạo một Cty môi trường ở Hà Nội cho biết, trường hợp người dân đổ rác là đồ gia dụng kích cỡ lớn như bàn ghế, tủ... ra các địa điểm công cộng, trên vỉa hè các tuyến đường, UBND quận trả tiền cho Cty này đi thu dọn. Đồng thời, các quận bố trí ở các phường có địa điểm tập kết để người dân đổ rác thải gia dụng. UBND các phường báo cáo số lượng rác thải gia dụng tại các bãi tập kết đó để Cty đến thu dọn.

Trường hợp rác thải là vật liệu xây dựng, người có loại rác này phải trả tiền để các Cty môi trường thu gom. “Nguyên tắc trong Luật Bảo vệ môi trường và các quy định hiện hành, chủ nguồn rác thải xây dựng phải trả tiền cho việc đó. Nếu người nào đó mang rác hoặc thuê người khác đổ rác ra đường là vi phạm. Trách nhiệm xử lý vi phạm về đổ rác thải rắn, rác thải xây dựng thuộc về chính quyền địa phương”, ông này cho hay.

Không dùng túi chuyên dụng  sẽ không được thu gom rác?

Hộ gia đình có thể bị từ chối thu gom rác nếu không thực hiện đúng các yêu cầu theo Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi đang được Bộ Tài nguyên và Môi trường lấy ý kiến.

Theo đó, người dân thủ đô Hà Nội và các đô thị lớn sẽ phải mua bao bì đựng rác chuyên dụng do chính quyền bán ra. Giá bán túi gồm cả phí thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải. Hộ gia đình không dùng túi chuyên dụng sẽ không được thu gom rác.

Theo ông Nguyễn Thượng Hiền, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, hiện nay việc thu phí cho chất thải rắn sinh hoạt chỉ đáp ứng một phần cho công tác thu gom, xử lý. Trung bình mỗi năm, tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt ở nước ta là 25 triệu tấn. Trong đó, chỉ có 30% được xử lý đốt hoặc sản xuất phân hữu cơ, hơn 70% chôn lấp trực tiếp. Thủ đô Hà Nội mỗi ngày phát sinh 6.000 tấn, tỷ lệ chôn lấp tới 90%. TPHCM tỷ lệ chôn lấp cũng lên tới 69%. Tỷ lệ chôn lấp trực tiếp gây ra nhiều vấn đề môi trường và xã hội phức tạp. Việt Nam cũng chưa phân loại được rác tại nguồn nhằm thúc đẩy quá trình tái chế, tái sử dụng. “Vì vậy, dự thảo Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi tiến hành thu phí thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải theo hướng người gây ô nhiễm phải trả tiền, đồng thời thúc đẩy phân loại rác tại nguồn”, ông Hiền chia sẻ.

PGS.TS Nguyễn Thế Chinh, Viện trưởng Viện Chiến lược chính sách tài nguyên và môi trường chia sẻ, theo nguyên tắc của thị trường, người xả rác phải tự chịu chi phí thu gom, xử lý, xả rác càng nhiều càng phải nộp nhiều tiền. Việt Nam thu phí rác theo bình quân hộ gia đình, thải ra nhiều hay ít cũng chỉ nộp từng ấy tiền. Nguyên tắc cào bằng không khuyến khích được người dân hạn chế xả rác cũng như phân loại rác tại nguồn.

Ông Nguyễn Thượng Hiền cho biết, quá trình dự thảo Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi, Bộ Tài nguyên và Môi trường tham khảo kinh nghiệm các nước như Hàn Quốc, Nhật Bản trong vấn đề thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt. Quan điểm sửa đổi coi rác là tài nguyên, tăng khả năng tái chế, tái sử dụng.

Để giải quyết bài toán này, Hà Nội và các đô thị lớn áp dụng cách làm của Hàn Quốc, phân loại chất thải sinh hoạt làm 4 nhóm chất hữu cơ dễ phân hủy như rau quả, cơm thừa, nhóm có thể tái chế, tái sử dụng, nhóm chất thải cồng kềnh như bàn ghế, sofa và nhóm chất thải phải xử lý.

Về cách thức thực hiện, sẽ giao chủ tịch UBND tỉnh, thành phố chỉ định đơn vị có chức năng sản xuất bao bì thu gom. Mỗi loại rác thải sẽ đựng trong một bao bì có màu sắc và giá tiền khác nhau. Tiền thu từ việc bán bao bì, bên cạnh việc bù chi phí sản xuất sẽ được dùng cho việc thu gom, vận chuyện và xử lý chất thải rắn.

Để quy định này có tính khả thi, ông Hiền cho biết, trường hợp người dân đô thị không sử dụng túi đựng rác chuyên dụng sẽ không được thu gom rác, hành vi vứt rác bừa bãi sẽ bị xử phạt nặng. Ngoài ra sẽ huy động cộng đồng dân cư cùng giám sát việc thực hiện. (Nguyễn Hoài)

MỚI - NÓNG