Sau hợp nhất, mỗi năm Hà Nội giảm 20% cán bộ

Phó bí thư thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng.
Phó bí thư thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng.
TPO - Phó bí thư thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng khẳng định: “Việc sắp xếp tách ra thì dễ nhưng sáp nhập vào rất khó, Hà Nội lúc đầu hợp nhất gặp rất nhiều khó khăn”. Bà Hằng cũng chia sẻ kinh nghiệm khi hợp nhất Hà Nội với Hà Tây, Sở VHTT&DL có 13 PGĐ, sau 5 năm đã giảm đúng quy định.

Sáng nay (26/3), Bộ Nội vụ tổ chức hội nghị triển khai nghị quyết 37 của Bộ Chính trị, nghị quyết của UB Thường vụ QH và lấy ý kiến dự thảo nghị quyết của Chính phủ về kế hoạch sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2019 - 2020 (sáp nhập huyện, xã).

Phát biểu tại Hội nghị, Phó bí thư thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng cho biết, việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã sẽ tạo thay đổi tích cực, phát huy nguồn lực, tiềm năng phát triển của địa phương, giúp tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế...

Tuy nhiên, bà Hằng lưu ý: “Việc sắp xếp tách ra thì dễ nhưng sáp nhập vào rất khó, Hà Nội lúc đầu hợp nhất gặp rất nhiều khó khăn và đòi hỏi phải thống nhất cao trong nhận thức và hành động triển khai thực hiện”.

Dẫn câu chuyện của Hà Nội từ năm 1976 đến nay đã qua 3 lần chia tách, sáp nhập, bà Hằng nêu kinh nghiệm khi thực hiện nghị quyết của QH về điều chỉnh địa giới hành chính, hợp nhất Hà Nội với Hà Tây và huyện Mê Linh, tỉnh Vĩnh Phúc và 4 xã tỉnh Hòa Bình.

Trước khi sắp xếp phải nhận diện rõ các đơn vị hành chính từ huyện đến xã và đề ra nguyên tắc, tiêu chí khung. Ngoài quy mô dân số, diện tích, cần xem xét về cơ cấu kinh tế, kết nối hạ tầng, vị trí địa lý, việc kết nối giao dịch cộng đồng dân cư, yếu tố lịch sử, văn hóa… và phải quan tâm đến chính sách cho cán bộ dôi dư. Phó bí thư Hà Nội cho rằng, Bộ Nội vụ cần có hướng dẫn cơ chế chính sách đặc thù cho cán bộ dôi dư khi hợp nhất để ổn định tư tưởng, đội ngũ cán bộ yên tâm công tác. Nếu không làm tốt việc này sẽ tạo sự mất ổn định, khó khăn

"Kinh nghiệm của Hà Nội sau khi hợp nhất là cộng chung số lượng cán bộ thành ủy, HĐND, UBND. Mỗi năm Hà Nội giảm 20%. Ví dụ như Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch có 13 Phó Giám đốc (PGĐ), giảm dần sau 5 năm về đúng số lượng PGĐ theo quy định”, bà Hằng dẫn chứng.

Không sáp nhập cơ học

Chia sẻ những lo lắng trên, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn nhấn mạnh: "Các địa phương trong quá trình sáp nhập, nếu không cẩn thận sẽ mang tính cơ học". Ông Tuấn Anh đề nghị địa phương bám sát nghị quyết của Bộ Chính trị và UB Thường vụ QH, trong đó có nguyên tắc sáp nhập phải đảm bảo nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ.

Đồng thời cố gắng rà soát đánh giá, phân loạn cán bộ, công chức. Đội ngũ dôi dư có nhiều trường hợp không đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ thì giải quyết theo chính sách tinh giản biên chế; những trường hợp có đủ điều kiện tiêu chuẩn có thể dự tuyển vào các cơ quan khác, bố trí công việc khác.

MỚI - NÓNG