Tổng Giám đốc Tổng Công ty Vận tải Hà Nội Nguyễn Hoàng Trung:

Sau xóa “vùng trắng” là buýt kết nối

Tổng Giám đốc Transerco Nguyễn Hoàng Trung.
Tổng Giám đốc Transerco Nguyễn Hoàng Trung.
TP - Sau một thời gian phát triển gần như chững lại, 8 tháng đầu năm 2017, sản lượng xe buýt Thủ đô đã khởi sắc trở lại. Cùng với đó, từ đầu năm đến nay, Tổng Công ty Vận tải Hà Nội - Transerco đã mở mới 15 tuyến buýt giúp thành phố hoàn thành mục tiêu phủ kín mạng lưới xe buýt có trợ giá đến  tất cả các quận huyện.

Đánh giá về những kết quả này, Tổng Giám đốc Transerco Nguyễn Hoàng Trung cho rằng, đây mới chỉ là thành công về mặt phục hồi sản lượng và phủ mạng. Để phát huy hiệu quả mạng lưới tuyến cũng như hỗ trợ các loại hình vận tải hành khách công cộng (VTHKCC) khác, sau khi hoàn thành mục tiêu phủ mạng, thời gian tới Tổng Công ty sẽ chú trọng đến phát triển mạnh mạng lưới buýt kết nối.

Sản lượng hành khách đã phục hồi

Thưa ông, sau một thời gian bị chững lại, 6 tháng đầu năm 2017, khách đi xe buýt đã tăng trở lại, ông cho biết nguyên nhân của sự phục hồi này?

Theo Đề án “Nâng cao chất lượng dịch vụ và phát triển VTHKCC bằng xe buýt Hà Nội giai đoạn 2016 - 2020, định hướng 2025” đã được Thành ủy – UBND thành phố duyệt, trong 5 năm tới VTHKCC Thủ đô phải đạt được 25% nhu cầu của người dân, trong đó xe buýt là 17% nhu cầu. Tuy nhiên, gần 2 năm vừa qua một thực tế ngược đã diễn ra là trong khi xe cá nhân và các dịch vụ vận tải khác không ngừng gia tăng thì sản lượng hành khách đi xe buýt lại sụt giảm. Trước các khó khăn trên, từ năm 2016 đến nay, Tổng công ty đã thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng dịch vụ; phát triển xe buýt mới để mở rộng vùng phục vụ. Riêng năm 2017, Transerco tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp, trong đó có mở thêm 15 tuyến buýt; đầu tư trên 200 xe buýt mới nhằm thay đổi hình ảnh đoàn phương tiện và nâng cao chất lượng dịch vụ. Tính đến thời điểm hiện nay, Transerco đã đưa vào hoạt động 15 tuyến buýt, trong đó có các tuyến chạy đến các huyện vốn lâu nay vẫn “trắng” xe buýt trợ giá của thành phố. Nhờ vậy, kết quả hoạt động 6 tháng đầu năm 2017, hành khách đi xe buýt đã có chuyển biến tích cực, riêng sản lượng vận chuyển của Transerco đạt trên 174 triệu lượt khách, so với cùng kỳ năm trước tăng gần 5%.

Từ đầu năm đến nay, buýt Thủ đô còn “ghi điểm” khi vươn đến các huyện nằm xa trung tâm nhất, giúp thành phố phủ kín mạng lưới buýt có trợ giá đến tất cả các quận huyện, ông cho biết ý nghĩa của việc này?

Được sự quan tâm chỉ đạo của UBND thành phố và sự giúp đỡ, tạo điều kiện của Sở GTVT, các quận huyện, trong 8 tháng đầu năm nay Transerco liên tục khai trương, đưa 15 tuyến buýt mới đi vào hoạt động. Đây là những tuyến buýt kết nối tới các khu đô thị, trung tâm thị trấn, thị tứ thuộc các huyện ngoại thành với khu vực nội đô nhằm tăng cường năng lực phục vụ của VTHKCC thành phố. Với các tuyến buýt mới mở chạy ra khu vực ngoại thành… Transerco đã hoàn thành mục tiêu phủ kín mạng lưới xe buýt có trợ giá của thành phố đến tất cả các quận huyện, thị xã. Từ nay, người dân tất cả các huyện ngoại thành sẽ được hưởng chính sách trợ giá của thành phố khi đi lại bằng xe buýt có chất lượng dịch vụ đạt tiêu chuẩn. Đây là một chính sách an sinh xã hội rất lớn của thành phố đối với nhân dân Thủ đô, đặc biệt là khu vực dân cư ngoại thành, điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn.

Ngoài phủ kín mạng lưới xe buýt có trợ giá đến tất cả các quận huyện, việc mở các tuyến buýt ra ngoại thành còn góp phần làm giảm lượng phương tiện cá nhân, đúng với mục tiêu hạn chế xe máy tại khu vực nội thành vào các năm tới mà thành phố đã có kế hoạch. Cùng với đó, giảm tai nạn và ùn tắc giao thông trên các tuyến đường QL hướng tâm, khu vực cửa ngõ. 

Phát triển buýt kết nối

Sau khi phủ kín mạng lưới đến các quận huyện, nhiệm vụ tiếp theo của Transerco sẽ là gì. Để cán đích sớm mục tiêu, buýt Thủ đô cần những đòn bẩy thế nào thưa ông?

Để đạt được mục tiêu như trên, từ nay đến năm 2020, thành phố đặt ra mục tiêu phải mở thêm 62 tuyến buýt và đưa đoàn phương tiện lên 2.200 xe (nay 1.100 xe - PV). Toàn bộ kế hoạch này đã được thành phố giao cho Transerco đảm nhiệm thông qua việc phê duyệt Đề án “Nâng cao chất lượng dịch vụ và phát triển VTHKCC bằng xe buýt Hà Nội giai đoạn 2016 - 2020, định hướng 2025”. Như vậy, trong 4 năm tới mỗi năm Transerco phải lên phương án mở thêm khoảng 15 tuyến buýt, kèm theo đó là lượng phương tiện cần đầu tư mới từ 150 đến 200 xe. Thực hiện nhiệm vụ trên, trong 2 năm qua Transerco đã mở thêm 21 tuyến buýt và đầu tư mới trên 300 phương tiện. Riêng 8 tháng đầu năm 2017, Transerco đã hoàn thành việc mở 15 tuyến buýt mới (trong đó có 2 tuyến của kế hoạch năm 2016) và đầu tư mới trên 200 phương tiện. Sau khi phủ xong mạng lưới xe buýt thành phố đến tất cả các quận huyện, thời gian tới Transerco sẽ tập trung khảo sát, lên kế hoạch mở các tuyến buýt kết nối, buýt gom (sử dụng xe nhỏ để có thể vào các phố, ngõ nhỏ, khu đô thị) nhằm gom khách phục vụ cho các tuyến buýt tại các trục đường chính, buýt BRT và đường sắt đô thị. Tiếp tục mở thêm những tuyến buýt đến các khu công nghiệp, kết nối phục vụ cho tuyến chính… Ngoài ra các tuyến buýt du lịch, buýt chuyên chở khách đến các khu vui chơi, danh lam thắng cảnh của Thủ đô cũng được Transerco tập trung phát triển nhằm thúc đẩy phát triển du lịch trên địa bàn thành phố trong thời gian tới.

Từ nhiều năm qua, nhất là từ khi đề án phát triển xe buýt và đề án quản lý phương tiện giao thông được Thành ủy, HĐND và UBND thành phố thông qua, phát triển VTHKCC trong đó có xe buýt luôn được lãnh đạo thành phố hết sức quan tâm, tạo điều kiện. Để đạt các mục tiêu thành phố đề ra, Transerco sẽ còn phải làm nhiều việc và cũng không ít khó khăn, thử thách. Tuy nhiên Transerco luôn xác định, ngoài vinh dự là đơn vị chủ đạo trên lĩnh vực VTHKCC ở Thủ đô đây còn là trách nhiệm với thành phố và nhân dân. Do vậy, để các nhiệm vụ trên được triển khai một cách đồng bộ, quyết liệt và sớm cán đích đúng mục tiêu chúng tôi rất mong thành phố và các Sở ngành liên quan có các cơ chế trong đó có trợ giá ổn định, bền vững; có đơn giá định mức phù hợp để khuyến khích doanh nghiệp yên tâm đầu tư mua sắm, thay mới đoàn phương tiện bằng các xe đời mới hiện đại. Ngoài ra yếu tố cũng có tính quyết định chất lượng dịch vụ VTHKCC giúp hành khách có thể bỏ xe máy để đi xe buýt là hạ tầng. Trong các kế hoạch phát triển và nâng cao chất lượng dịch vụ xe buýt chúng tôi đặt ra một mục tiêu rất quan trọng là thời gian đi lại của xe buýt phải bằng hoặc nhanh hơn xe máy. Có như vậy xe buýt mới có thể cạnh tranh với các loại hình phương tiện khác.

Cảm ơn ông.

MỚI - NÓNG