Sở GTVT tạo cơ chế cho doanh nghiệp vi phạm vẫn trúng thầu?

Sở GTVT tạo cơ chế cho doanh nghiệp vi phạm vẫn trúng thầu?
TPO - Không cung cấp đủ phương tiện trong vòng 60 ngày cho tuyến buýt số 72 như các điều khoản đã cam kết, tuy nhiên Sở GTVT vẫn tiếp tục cho đơn vị trên triển khai gói thầu.

Vi phạm cam kết vẫn trúng thầu

Theo tìm hiểu của PV, Sở GTVT và UBND TP Hà Nội cho chủ trương trợ giá hỗ trợ dịch vụ tuyến buýt số 72, lộ trình bến xe Yên Nghĩa – Xuân Mai. Cụ thể, gói thầu này do Sở GTVT Hà Nội làm chủ đầu tư, giao Trung tâm Quản lý và Điều hành giao thông thực hiện.

Kết quả đấu thầu tuyến buýt số 72 đã lựa chọn được nhà thầu xếp hạng 1 trúng thầu là Cty CP ô tô Vận tải Hà Tây. Theo yêu cầu về tiến độ cung cấp dịch vụ của chủ đầu tư trong hồ sơ mời thầu và theo thời điểm ký hợp đồng nguyên tắc ngày 30/3/2016 về việc cung cấp dịch vụ vận tải hành khách công cộng giữa Trung tâm Quản lý và Điều hành giao thông đô thị (bên A) và Cty CP ô tô vận tải Hà Tây (bên B), nhà thầu phải triển khai cung cấp dịch vụ trên tuyến buýt số 72 chậm nhất đến ngày 1/6/2016. Tuy nhiên, đến nay Cty CP ô tô vận tải Hà Tây vẫn chưa cung cấp được phương tiện dịch vụ như cam kết.

Trong biểu mẫu hợp đồng nguyên tắc thể hiện, tại Điểm b Khoản 2 Mục 1 Chương V nêu rõ: “Thời hạn triển khai cung cấp dịch vụ trong vòng 60 ngày kể từ khi ký hợp đồng nhà thầu phải thực hiện khai thác tuyến xe buýt đã trúng thầu, nếu chậm coi như từ chối thực hiện hợp đồng và phải chịu trách nhiệm về sự chậm trễ đó”.

Biểu mẫu hợp đồng nêu rõ; “Hợp đồng này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký, trong vòng 60 ngày kể từ ngày ký hợp đồng, Bên B phải thực hiện khai thác tuyến theo các nội dung đã ký kết với bên A, nếu chậm hơn coi như đơn phương chấm dứt hợp đồng và được giải quyết theo quy định của pháp luật”.

Điều đáng lưu tâm, tại Chương III: Tiêu chuẩn đánh giá hồ sơ dự thầu trong mục 3. Tiêu chuẩn đánh giá về kỹ thuật tại điểm 4 Cam kết tiến độ thực hiện hợp đồng (nhà thầu phải đưa xe vào hoạt động trên tuyến sau khi ký hợp đồng ghi rõ: Có cam kết về tiến độ thực hiện hợp đồng phù hợp với yêu cầu về tiến độ trong hồ sơ mời thầu đạt 5 điểm. Không có cam kết hoặc có cam kết về tiến độ thực hiện hợp đồng nhưng không phù hợp với yêu cầu về tiến độ trong hồ sơ mời thầu đạt 0 điểm.

Như vậy, nhà thầu đã có bản cam kết tiến độ thực hiện hợp đồng (đưa xe vào hoạt động trên tuyến sau 60 ngày kể từ ngày ký hợp đồng). Việc đáp ứng được những yêu cầu khác của hồ sơ mời thầu, qua đánh giá của tổ chuyên gia báo cáo đề xuất, chủ đầu tư công nhận kết quả đạt hồ sơ của Cty CP ô tô vận tải Hà Tây đề xuất về kỹ thuật và tiếp tục được mở hồ sơ đề xuất về tài chính để đánh giá.

Với những căn cứ trên và thực tế Cty CP ô tô vận tải Hà Tây đến thời hạn thực hiện hợp đồng đã không đáp ứng được các điều kiện của hợp đồng theo đúng yêu cầu của hồ sơ mời thầu. Tuy nhiên, Cty này vẫn tiếp tục được triển khai dự án.

Sở GTVT: Lỗi do bất khả kháng

Liên quan đến sự việc trên, ngày 13/6, PV Tiền Phong làm việc với ông Thái Hồ Phương – Trưởng phòng Quy hoạch (Trung tâm Quản lý và Điều hành giao thông – Sở GTVT Hà Nội). Ông Phương thừa nhận, trong hồ sơ mời thầu, có nêu thời gian thực hiện cung cấp phương tiện dịch vụ trong 60 ngày. Tuy nhiên thực tế cho thấy đã hết 60 ngày theo quy định nhưng Cty CP ô tô vận tải Hà Tây không cung cấp được phương tiện, dịch vụ như đã cam kết.

Trước đó, ngày 30/5/2016, ông Nguyễn Hoàng Hải – Giám đốc Trung tâm Quản lý điều hành Giao thông đô thị có văn bản số 796 báo cáo điều chỉnh tiến độ thực hiện hợp đồng gói thầu số 1. Tại văn bản số 796, ông Hải cho rằng, Cty CP ô tô vận tải Hà Tây đề nghị lùi thời gian hợp đồng cho tuyến buýt số 72 vì lý do thiếu 6 xe loại 60 chỗ.

Tuy nhiên, cũng tại văn bản này, ông Hải cho rằng: Hợp đồng nguyên tắc số 25 ngày 30/3/2016, trong vòng 60 ngày kể từ ngày ký hợp đồng Cty CP ô tô vận tải Hà Tây chưa thực hiện đưa tuyến vào khai thác theo các nội dung đã ký kết với bên A . Tại Điều 13 Khoản 2, của hợp đồng nguyên tắc số 25 có một số mục đề cập điều kiện, trong đó, chủ đầu tư hoặc nhà thầu có thể chấm dứt hợp đồng nếu 1, trong 2 bên có vi phạm cơ bản về hợp đồng như “nhà thầu không thực hiện 1 phần hoặc toàn bộ nội dung công việc trong hợp đồng…”.

Lý giải về việc nhà thầu chậm trễ không thực hiện việc cung cấp phương tiện trong vòng 60 ngày như đã cam kết, ông Hải cho rằng: Do phía đối tác cung cấp linh kiện bị chậm tiến độ (đơn vị bán xe ô tô Trường Hải chi nhánh Hà Đông), vì vậy biện pháp cung cấp đã bị thay đổi do yếu tố khách quan đồng thời là lỗi của bên thứ ba. Ông Hải cho rằng, đây là trường hợp “bất khả kháng” và không lường trước của Cty CP ô tô vận tải Hà Tây và Trung tâm Quản lý và Điều hành giao thông.

"Không phải sự cố bất khả kháng"

Để làm rõ khúc mắc trên, phóng viên Tiền Phong trao đổi với luật sư Nguyễn Anh Tuấn, Công ty luật TNHH Trường Lộc. Luật sư Nguyễn Anh Tuấn cho rằng: Việc chậm trễ triển khai tuyến buýt số 72 không phải là sự cố bất khả kháng. Sự cố bất khả kháng là sự cố xảy ra một cách khách quan, không thể tiên liệu được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết trong điều kiện khả năng cho phép (lũ lụt, động đất, núi lửa, chiến tranh…).

Sự cố bất khả kháng phải là sự kiện khách quan, ngoài ý chí của người có hành vi vi phạm…”. Như vậy, sự cố trên của Cty CP ô tô vận tải Hà Tây không phải là sự kiện bất khả kháng để loại bỏ trách nhiệm của người vi phạm.

Trước đó, liên quan đến tuyến buýt số 82, Cty TNHH Du lịch, dịch vụ Xây dựng Bảo Yến có văn bản số 162 ngày 18/3/2016  gửi Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, tố cáo Cty CP Dịch vụ và Vận tải Bảo Châu có hành vi gian lận hồ sơ để tham gia đấu thầu gói thầu cung cấp dịch vụ vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt tuyến số 72 và tuyến số 82, do Sở GTVT Hà Nội là bên mời thầu. Về việc này, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc (thời điểm đó là Phó Thủ tướng) chỉ đạo: Giao UBND TP Hà Nội chỉ đạo Sở GTVT Hà Nội và các cơ quan chức năng có liên quan kiểm tra, làm rõ nội dung tố cáo của Công ty TNHH Du lịch, dịch vụ Xây dựng Bảo Yến.

MỚI - NÓNG