Sống khổ ở Phố cổ Hà Nội: Đất chật, người đông, nhà nào cũng lấn

Một kiểu cơi nới mặt ngoài ở phố Mã Mây - Ảnh: Đan Hạ
Một kiểu cơi nới mặt ngoài ở phố Mã Mây - Ảnh: Đan Hạ
Những ngôi nhà thò, thụt, nhấp nhô… là hình ảnh dễ bắt gặp trên phố cổ. Đây là kết quả của những lần nhà nhà cơi nới, người người lấn chiếm để nhà trở nên rộng hơn.

“Nằm kề bên nhau, phố xưa nhà cổ, mái ngói thâm nâu…” là câu hát trong lòng của nhiều người mỗi khi nhắc về phố cổ Hà Nội. Nhưng nay thì những mái ngói thâm nâu không còn, hoặc còn rất ít. Thay vào đó là hơi thở hiện đại, với mái tôn, phibroximang, sắt thép và những căn nhà được cơi nới theo nhiều kiểu.

Cái tạo nên đặc trưng cho phố cổ Hà thành là những con ngõ nhỏ, sâu hun hút như địa đạo và những căn nhà chật chội bé tẹo như mắt muỗi. Những hộ chỉ có 1- 2 người ở, thì dù bé, vẫn cố mà sống. nhưng với những gia đình có đến mấy thế hệ cùng chung sống, thì lại phải đau đầu nghĩ cách “nới” nhà.

Vì thế mà, cũng chẳng quá lạ khi mà trong câu chuyện hàng ngày của người dân phố cổ Hà Nội thường xuyên xuất hiện những từ “sửa”, “cơi nới”, “lấn”, “ăn ra”… Chuyện sửa chữa cơi nới nhà cửa tại không gian phố cổ, có lắm chuyện cười ra nước mắt cũng bắt đầu như vậy.

Nhà ở phố cổ muôn hình muôn vẻ, nên cách cơi nới cũng chẳng giống nhau. Nhà ai có 1 tầng thì ăn gian ít hành lang chung bằng cách xây chìa ra ngoài, hoặc cố sức để lên tầng 2. Những nhà ở tầng trên thì ra sức “ăn ra” khoảng không bằng cách làm chuồng cọp, lồng kính, “đeo balô”. Có nhà tận dụng khoảng không trong nhà xây gác xếp làm chỗ ngủ. Một vài nhà khác tận dụng triệt để hơn thì lại tranh thủ… khoét tường để kê tủ, giường… với mục đích làm rộng thêm không gian sống. Thôi thì đủ trò, đủ kiểu.

Sống khổ ở Phố cổ Hà Nội: Đất chật, người đông, nhà nào cũng lấn ảnh 1

Gian nhà rộng chưa đầy 10m2 được cơi nới thêm gác xép để làm nơi làm việc, ăn, ngủ của 6 người thợ chế tác

Nếu như người dân nơi khác, xây nhà, sửa nhà chỉ sợ… bí tiền, thì dân phố cổ lại có một nỗi sợ khác: sợ bị phạt. Đơn giản là vì, muốn sửa, muốn cơi nới, bắt buộc phải làm đơn xin chính quyền. Nếu không làm đơn từ xin phép, thì khi có vi phạm, cách xử lý “ngọt” nhất là đập bỏ phần xây lấn chiếm, vi phạm.

Khổ hơn nữa là chuyện vận chuyển nguyên vật liệu và thi công xây dựng ở phố cổ. Sắt, thép, gạch và xi măng xây nhà được chuyển vào đêm, hoặc những lúc phố xá vắng người.

Anh Nguyễn Mạnh Lâm, 38 tuổi, người có kinh nghiệm nhiều năm nhận thầu khoán công trình cải tạo, mở rộng, cơi nới nhà trên các khu phố cổ kể, tất cả những vật liệu xây dựng này phải cho vào bao tải gọn gàng, dùng xe máy chở đến. Muốn chuyển phế thải đi cũng phải bỏ vào bao tải và chuyển đi bằng xe máy. Nếu nhiều thì phải thuê ô tô, lựa lúc đêm khuya chất lên xe thật nhanh, chở đi.

“Có lần, tụi tôi nhận làm "chuồng cọp" cho một hộ ở phố Hàng Bạc. Anh em che chắn không cẩn thận nên vô tình làm rơi một cục vữa  nhỏ xíu vào nhà bên cạnh. Thế là, cả nhà ra đòi “xử” tổ thợ, xin mãi họ mới nhận bồi thường", anh Lâm chia sẻ. “Còn chuyện đang thi công dở phải dừng lại vì chính quyền đến đình chỉ là chuyện bình thường”, anh Trần Trung Hà, thành viên tổ thợ xây góp chuyện.

Nhà số 3 phố Mã Mây ở ngay mặt phố, tầng 1 được tận dụng cho thuê làm cửa hàng, mỗi tháng mang về bạc triệu. Chủ nhà cơi nới tầng 2 lên thành phòng ở. Nhìn bên ngoài, tầng 2 căn nhà khá vững chãi, nhưng chỉ cần chớm bước lên cầu thang dẫn lên tầng, bàn chân đã thấy chợn chợn bởi sự lỏng lẻo và ọp ẹp. Những thanh trụ sắt được xếp giữa khoảng cách tầng 1 và tầng 2 làm trụ chống nhà.

Dù thế, tâm sự với chúng tôi, bà chủ nhà vẫn bảo, được ở trong một nơi như thế này, là may mắn lắm rồi. “Có nhiều nhà muốn cơi nới, sửa sang mà còn không được, vì nhà 1 tầng, hàng xóm người ta không đồng ý, thì cũng đành chịu”, bà này cho biết.

Phố cổ đất chật, người đông, nhà nào nhà nấy cũng ra sức “lấn”. vì thế mới có chuyện một vài người là hàng xóm không biết thông cảm cho nhau, lại thành hờn giận, xích mích chỉ vì nhà bên cạnh “cơi” nhà.

Chị Nguyễn Phương Mai, 34 tuổi, ở phố Hàng Bạc kể, sau khi sinh đứa con thứ hai, vợ chồng chị định đục tường mở 1 cái cửa sổ để căn nhà 12m2 bớt phần bức bí. Nhưng đến khi gọi thợ bê-tông đến đập tường, thì nhà hàng xóm không đồng ý.

“Mình cũng sai khi làm mà không hỏi người ta. Nhưng đến khi đã sang xin lỗi, và nói khó mà họ vẫn nhất định không đồng ý, đòi phải trả 50 triệu đồng thì mới cho trổ cửa sổ, lại còn bảo nếu họ không xây nhà thì mình được để, còn xây thì mình phải bịt ngay”, chị Mai kể. Vì không đồng ý với đòi hỏi ấy, đến nay, căn nhà hơn chục mét vuông của vợ chồng chị cùng 2 đứa con vẫn không có bất kỳ cửa nào, ngoài cửa chính.

Cũng chẳng thiếu những căn nhà thò thụt, lồi lõm cả bên trong lẫn bên ngoài ở không gian phố cổ. Như nhà bà Nguyễn Thị Hạnh ở số 5 Hàng Chĩnh, phường Hàng Buồm, quận Hoàn Kiếm, muốn cơi nới, đành phải “nhường” 10cm đất cho nhà hàng xóm.

“Hai nhà ghé sườn vào nhau, chung một bức tường. Nhưng khi nhà tôi muốn tách ra xây riêng để thành cửa hàng thì phải lùi sang nhà mình 10cm đất”, bà Hạnh kể.

Theo Đan Hạ

Theo Thanh Niên
MỚI - NÓNG