Tái sinh hồ Văn thế nào?

Việc tôn tạo hồ Văn đưa khu vực này trở thành vùng đệm của khu nội tự Văn Miếu. Ảnh: Nguyên Khánh.
Việc tôn tạo hồ Văn đưa khu vực này trở thành vùng đệm của khu nội tự Văn Miếu. Ảnh: Nguyên Khánh.
TP - Kỳ vọng phát huy xứng tầm giá trị khu di tích quốc gia đặc biệt Văn Miếu-Quốc Tử Giám sắp không còn xa vời, bởi Bộ VHTTDL và UBND thành phố Hà Nội đồng ý chủ trương tôn tạo, làm đẹp gò Kim Châu ở hồ Văn.

LÀM ĐẸP HỒ VĂN

Đầu năm 2017, Bộ VHTTDL có công văn số 209 gửi UBND thành phố Hà Nội đồng ý chủ trương lập báo cáo kinh tế kỹ thuật phục dựng toà phương đình trên gò Kim Châu thuộc hồ Văn, nằm trong tổng thể di tích quốc gia đặc biệt Văn Miếu-Quốc Tử Giám (VMQTG). Bộ đề nghị thành phố chỉ đạo cơ quan chức năng lựa chọn đơn vị tư vấn thiết kế đủ năng lực về bảo quản, tu bổ và phục hồi di tích để lập báo cáo. Sau sự việc dân lén lút xây miếu thờ ở gò Kim Châu, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Ngô Văn Quý ký văn bản số 7359 xin ý kiến Bộ VHTTDL về việc ổn định công tác quản lý khu vực Hồ Văn và bảo tồn, phát huy giá trị khu di tích quốc gia đặc biệt này.

Ngày 9/5/2018, Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học VMQTG họp lấy ý kiến các chuyên gia kiến trúc, di sản góp ý cho báo cáo Kinh tế kỹ thuật phục dựng phương đình và tôn tạo gò Kim Châu thuộc hồ Văn. Sau khi UBND thành phố Hà Nội xem xét sẽ trình Bộ VHTTDL thẩm định, xin thỏa thuận phê duyệt để lựa chọn nhà thầu. “Phương án cụ thể là tôn tạo gò Kim Châu với nguyên tắc giữ toàn bộ cây xanh trên gò, đảm bảo cảnh quan quanh khu vực hồ sạch đẹp hơn, lát nền, hệ thống thoát nước, hệ thống điện và ánh sáng”, ông Lê Xuân Kiêu, Giám đốc Trung tâm nói.

Hồ Văn vốn là một phần không thể tách rời của khu di tích quốc gia đặc biệt VMQTG, sau nhiều năm chia cắt, năm 2006 được giao cho Trung tâm Hoạt động Văn hoá Khoa học VMQTG quản lý. Một thời gian dài, hồ Văn gần như đóng cửa, nằm bên lề của khu nội tự Văn Miếu luôn tấp nập du khách quốc tế. Gần đây khu vực này bắt đầu ấm lên với nhiều hoạt động như hội chữ, hội sách và sắp tới là sân chơi mới sĩ tử nhí..

CẦN THIẾT

Ý tưởng làm đẹp không gian hồ Văn nhận được sự đồng thuận của nhiều người dân và các chuyên gia. GS.TS. KTS. Hoàng Đạo Kính nói: “Dựng phương đình là hình thức tôn tạo để tạo dựng không gian phù hợp, bổ trợ không gian chung của VMQTG, các hạng mục chính là phần cứng rồi, còn hồ Văn và vườn Giám chính là vùng đệm. Nên làm việc tôn tạo này một cách phù hợp. Với khu vực hồ Văn chính là dựng phương đình, dựng cây cầu nối từ bờ sang gò Kim Châu, tạo ra các tiểu cảnh. Khi làm cây cầu không đặt trên trục chính nối với nội tự Văn Miếu mà né sang một bên, như thế hồ Văn góp phần tạo nên cảnh quan bổ sung và không lấn át khu nội tự. Không gian hồ Văn mở rộng được bao nhiêu càng tốt bấy nhiêu”.

Hồ Văn được đánh giá như Minh đường án ngữ trước mặt khu nội tự VMQTG. Theo một số tư liệu vào thời Nguyễn diện tích hồ Văn rộng gần 19 nghìn m2, nay chỉ còn hơn 12 nghìn m2. Sách Văn Miếu-Quốc Tử Giám Thăng Long Hà Nội xuất bản năm 2004 ghi: “Trước mặt Văn Miếu là hồ Văn, giữa hồ có gò Kim Châu, trên gò dựng Phán thuỷ đường là nơi diễn ra các buổi bình văn thơ của nho sĩ kinh thành xưa. Nhà Phán thuỷ nay không còn nhưng trên gò hiện còn một tấm bia dựng năm Tự Đức 18 (1865) trong dịp tu sửa Văn Miếu và nạo vét hồ Văn”. Khi được hỏi căn cứ nào để dựng phương đình, ông Lê Xuân Kiêu nhắc tới đề án năm 1998. Khi ấy thành phố Hà Nội quyết tâm giải toả các hộ dân lấn chiếm diện tích hồ Văn-đất lấn chiếm lên đến hơn 4 nghìn m2. Dự án tu sửa hồ Văn vì nhiều lí do phải tạm dừng vào năm 2000, sau đó khu vực này được xây tường bờ bao xung quanh hồ và tường rào để tránh xâm phạm di tích.

Dù không có tài liệu rõ ràng về hình dáng kiến trúc, tuy nhiên các chuyên gia đồng tình về việc dựng phương đình trên gò Kim Châu và làm cây cầu đá bắc sang gò. Trước đây người dân thường bơi thuyền đi từ sân sang gò Kim Châu, sau sự việc xây dựng miếu thờ trái phép, Trung tâm Văn Miếu đưa thuyền lên bờ đảm bảo an toàn. Dự kiến phương đình này lấy theo mẫu phương đình phổ biến ở khu vực phía Bắc.

Về hoạt động đi theo công trình phụ trợ này GS. Hoàng Đạo Kính cho rằng người dân có thể lui tới vãn cảnh, đọc thơ. Ông cho rằng nên đưa không gian này trở thành không gian cộng đồng, cho các CLB thơ hoạt động. Không nên bỏ hoang, lãng phí những không gian như hồ Văn. GS. Hoàng Đạo Kính dẫn chứng Hà Nội từng tôn tạo, xây cầu dẫn sang đền Cẩu nhi giữa hồ Trúc Bạch rất đẹp và hợp lí.

Sau khi có phương án tôn tạo gò Kim Châu, Hà Nội sẽ di dời tượng thờ trên miếu tự phát ở gò Kim Châu. Được biết, Sở VHTT Hà Nội và Trung tâm Văn Miếu nhiều lần đối thoại với người dân về việc di dời tượng thờ tới địa điểm thờ tự phù hợp, giải phóng mặt bằng phục vụ cho đề án tôn tạo gò và dựng phương đình.

MỚI - NÓNG