Thanh tra chỉ ra nhiều sai phạm tại Công viên Tuổi trẻ

TPO - Ngoài các sai phạm của chủ đầu tư trong việc thực hiện dự án, quản lý sử dụng đất, xây dựng công trình trái phép tại Công viên Tuổi trẻ, Thanh tra Hà Nội cũng chỉ rõ trách nhiệm của một số cơ quan nhà nước…

Thanh tra thành phố Hà Nội vừa có kết luận thanh tra toàn diện quá trình hình thành, thực hiện dự án, quản lý, sử dụng đất, xây dựng công trình trong Công viên Tuổi trẻ, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội.

21 năm vẫn chưa quyết toán công trình

Thanh tra chỉ ra nhiều sai phạm tại Công viên Tuổi trẻ ảnh 1

Thanh tra kết luận "UBND quận Hai Bà Trưng cấp phép xây dựng cho Cung xuân khi chủ đầu tư chưa được UBND Thành phổ giao đất là vi phạm Luật Xây dựng năm 2003"

Năm 1991, UBND Thành phố Hà Nội có quyết định thành lập Công viên Tuổi trẻ và giao Thành đoàn Hà Nội quản lý, tổ chức xây dựng công viên cho thanh niên. Tổng mức đầu tư được phê duyệt năm 2002 là 282,8 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách thành phố là 280,5 tỷ đồng, do Công ty Thương mại và Phát triển đầu tư Hà Nội (nay là Công ty TNHH MTV Đầu tư và Dịch vụ Tuổi trẻ Hà Nội) làm chủ đầu tư.

Đến năm 2010, UBND TP đã điều chỉnh quy hoạch công viên này theo hướng trở thành Trung tâm Thanh thiếu niên Hà Nội. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện dự án, chủ đầu tư đã để xảy ra nhiều sai phạm về quản lý tài chính, kế toán và quản lý, sử dụng đất.

Theo kết luận thanh tra, giai đoạn 1999, Công ty TNHH MTV Đầu tư và Dịch vụ Tuổi trẻ Hà Nội đã thực hiện GPMB và đầu tư xây dựng 7 hạng mục công trình hạ tầng trong Công viên Tuổi trẻ bằng nguồn vốn ngân sách; 2 hạng mục (Tượng đài Võ Thị Sáu; hệ thống thoát nước) bằng nguồn vốn của doanh nghiệp; 18 hạng mục công trình bằng nguồn vốn huy động.

Qua thanh tra xác định 7 hạng mục sử dụng vốn ngân sách nêu trên có tổng dự toán là 17,8 tỷ đồng, đã giải ngân 11,6 tỷ đồng nhưng hiện chưa được quyết toán do thiếu hồ sơ và không được theo dõi trên sổ sách của Công ty.

Cơ quan thanh tra xác định việc làm này là vi phạm nghiêm trọng trách nhiệm của Chủ đầu tư trong việc thực hiện trình tự, thủ tục đầu tư xây dung cơ bản quy định tại Nghị định so 52/1999/NĐ-CP ngày 8/7/1999, Nghị định số 12/NĐ-CP ngày 5/5/2000 và Nghị định số 07/NĐ-CP ngày 30/01/2003 của Chính phủ. Trách nhiệm thuộc Giám đốc Công ty TNHH MTV Đầu tư và Dịch vụ tuổi trẻ giai đoạn từ năm 1999 đến nay.

Đối với việc sử dụng vốn huy động để xây dựng 18 hạng mục công trình, trong đó có 6 hạng mục công trình hạ tầng và 12 công trình sử dụng vào mục đích kinh doanh, Công ty TNHH MTV Đầu tư và Dịch vụ Tuổi trẻ Hà Nội cũng không cung cấp được đầy đủ hồ sơ pháp lý.

Về việc này, Kiểm toán Nhà nước thực hiện kiểm toán công ty năm 2008 đã từng kết luận: “Các hạng mục đầu tư không đảm bảo hồ sơ pháp lý về đầu tư xây dựng theo quy định, thiếu báo cáo đầu tư quyết định phê duyệt dự án, không có hồ sơ thiết kế kỹ thuật dự toán, không có giấy phép xây dựng, không tổ chức đấu thầu, một số hạng mục không có một hồ sơ pháp lý nào,… vi phạm nghiêm trọng quy định về quản lý đầu tư xây dựng, vi phạm Luật Xây dựng năm 2004. Trách nhiệm chính với các sai phạm thuộc cá nhân ông Đinh Văn Khoan- nguyên Giám đốc Công ty”.

Tại thời điểm thanh tra, có 8/12 công trình sử dụng vào mục đích kinh doanh đã bị phá dỡ do vi phạm, gồm: Nhà đa năng, Nhà hàng Tuổi trẻ, 10 sân tennis, sân khấu ngoài trời, Tàu cao tốc, Trò chơi phi thuyền, Đài phun nước, Nhà trò chơi bằng kính. Hiện tại, còn 4 công trình chưa dỡ bỏ gồm: Nhà hàng Queen Bee II, Nhà dạy nghề, Bể bơi người lớn - trẻ em, Khu nhà nổi.

Mặt khác, từ năm 2006, sau khi xây dựng xong, Công ty TNHH MTV Đầu tư và Dịch vụ Tuổi trẻ Hà Nội ký hợp đồng cho Công ty TNHH quản lý Đầu tư và Đào tạo thuê kinh doanh bán hàng, tổ chức tiệc cưới nhưng không đóng tiền thuê đất với Nhà nước. Công trình không phù hợp với quy hoạch năm 2010.

Vi phạm xây dựng kéo dài

Thanh tra Hà Nội cho rằng, ngoài các sai phạm của Chủ đầu tư, trong quá trình thực hiên Dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật Công viên Tuổi trẻ còn có sai phạm của một số cơ quan nhà nước trong việc không thực hiện chỉ đạo của UBND thành phố. Lý do, các hành vi vi phạm về đất đai, trật tự xây dựng tại Công viên Tuổi trẻ đã diễn ra nhiều năm (từ năm 1999 đến năm 2010) đã được UBND Thành phố chỉ đạo xử lý nhưng vẫn không được giải quyết dứt điểm.

Thanh tra chỉ ra nhiều sai phạm tại Công viên Tuổi trẻ ảnh 2

Nhà hàng Queen Bee II là 1 trong 4 công trình chưa dỡ bỏ

Chỉ tính riêng trong năm 2019-2020, UBND TP Hà Nội đã ban hành tổng cộng 12 văn bản chỉ đạo yêu cầu Sở Xây dựng đề xuất phương án xử lý đối với 4 công trình (Mái che 4 sân tennis ngoài trời; Nhà nổi giữa hồ; Nhà hát ngoài trời có mái che Cung Xuân; Tầng hầm công trình sân tennis có mái che 1500 chỗ) và giao UBND quận Hai Bà Trưng xử lý công trình hạng mục vi phạm quy hoạch, trật tự xây dựng trong Công viên.

Tuy nhiên, đến thời điểm thanh tra, Sở Xây dựng chưa có đề xuất xử lý đối với 4 công trình nêu trên và UBND quận Hai Bà Trưng chưa thực hiện xử lý dứt điểm các công trình hạng mục, như: sân bóng đá mini và nhà dịch vụ cạnh sân bóng đá mini; 1 điểm trông giữ xe do Công ty Hoàng Hà khai thác; 7 hộ lấn chiếm 639,28m2 (tại khu vực Tây Bắc Công viên Tuôi trẻ Thủ Đô); Nhà hàng Queenbee; Khu văn phòng Trung tâm hợp tác lao động Quôc tế; Hạng mục Miếu liễu là chưa thực hiện đúng chỉ đạo của UBND Thành phố.

“Trách nhiệm thuộc Phó Giám đốc Sở Xây dựng phụ trách và trách nhiệm người đứng đầu của Giám đốc Sở Xây dựng; Phó Chủ tịch UBND quận phụ trách đô thị, đất đai và trách nhiệm người đứng đầu của Chủ tịch UBND quận Hai Bà Trưng”- kết luận thanh tra nêu rõ.

Ngoài ra, cơ quan thanh tra cho rằng việc Sở Xây dựng cấp phép xây dựng cho Khu công viên nựớc, Khu nhà nổi; UBND quận Hai Bà Trưng cấp phép xây dựng cho Cung xuân, Nhà thi đấu tennis 1.500 chỗ khi chủ đầu tư chưa được UBND Thành phổ giao đất là vi phạm Luật Xây dựng năm 2003.

Trong quá trình xây dựng, Chủ đầu tư xây dựng sai phép một số hạng mục nhưng Sở Xây dựng, UBND quận Hai Bà Trưng không phát hiện kịp thời để có biện pháp ngăn chặn và xử lý là không thực hiện đúng trách nhiệm của cơ quan cấp phép xây dựng.

Mặt khác, việc Công ty TNHH MTV Đầu tư và Dịch vụ Tuổi trẻ Hà Nội dù không làm thủ tục xin giao, thuê đất theo quy định và chưa được giao quản lý, sử dụng đất nhưng đã tự sử dụng đất khai thác 3 điểm trông giữ xe (ngày và đêm); huy động vốn để đầu tư xây dựng 18 công trình; liên doanh, liên kết với Công ty cổ phần vận tải xây lắp Hoàng Hà để xây dựng điểm trông giữ xe ô tô trong công viên; cho Công ty TNHH Thương mại Quốc tế Thuận Phát thuê đất để xây dựng 3 sân bóng đá mini ngoài trời và 1 nhà điều hành… là vi phạm Luật Đất đai.

Yêu cầu làm rõ thêm nhiều nội dung, xử lý dứt điểm

 Tập thể UBND thành phố Hà Nội vừa có kết luận cuộc họp về kết luận thanh tra toàn diện quá trình hình thành, thực hiện dự án, quản lý, sử dụng đất, xây dựng công trình trong Công viên Tuổi trẻ. Theo đó, tập thể UBND thành phố Hà Nội cho rằng mặc dù Thanh tra thành phố đã có nhiều cố gắng trong công tác xác minh, kết luận, song nội dung kết luận thanh tra toàn diện cần được bổ sung, làm rõ thêm một số nội dung, làm cơ sở để kiến nghị UBND thành phố xem xét, có biện pháp giải quyết dứt điểm vụ việc.

Cụ thể, cần tập trung xác định rõ các sai phạm theo lĩnh vực quản lý nhà nước (quản lý tài chính doanh nghiệp, hợp tác đầu tư, quản lý sử dụng đất, quản lý quy hoạch, quản lý đầu tư xây dựng công trình...); trên cơ sở đó, xác định trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp có liên quan (trong việc đã để xảy ra sai phạm và nay là trách nhiệm khắc phục sai phạm sau thanh tra), kiến nghị biện pháp xử lý giải quyết (nêu rõ cơ sở pháp lý) để UBND thành phố quyết định.

MỚI - NÓNG
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
TPO - Kiểm toán Nhà nước (KTNN) chỉ ra những thiếu sót, bất cập, đồng thời đưa ra khuyến nghị giúp các tập đoàn, tổng công ty nhà nước hoàn thiện, nâng cao hiệu quả quản lý tài chính công, tài sản công. Đáng chú ý, KTNN cũng cảnh báo một số doanh nghiệp có dấu hiệu mất an toàn về tài chính.
Năm học 2023-2024, Hà Nội được bổ sung 2.648 biên chế giáo dục.
Hà Nội thiếu hơn 16.000 biên chế giáo dục
TPO - Số biên chế sự nghiệp giáo dục của thành phố Hà Nội thiếu so với định mức do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định là 16.004 người. Năm học 2023- 2024, thành phố đề nghị được giao thêm 8.939 biên chế khối giáo dục nhưng chỉ được bổ sung 2.648 biên chế.