Thu phí bảo trì đường bộ với xe máy tại Hà Nội: Còn nhiều việc phải làm

Thu phí bảo trì đường bộ với xe máy tại Hà Nội: Còn nhiều việc phải làm
Từ tháng 7/2013, Hà Nội bắt đầu thực hiện thu phí bảo trì đường bộ đối với xe máy. Sau hơn một năm triển khai, việc thu phí trên địa bàn TP Hà Nội chưa đạt hiệu quả như mong muốn, kết quả thu đạt mức khá thấp. Việc thực hiện trên thực tế gặp khá nhiều khó khăn, rất cần những tháo gỡ kịp thời…

Kết quả thu đạt thấp

Theo Quyết định số 24/QĐ-UBND của UBND TP Hà Nội, việc thu phí sử dụng đường bộ đối với xe mô tô bắt đầu được thực hiện từ ngày 21-7-2013. Ngay sau khi có văn bản hướng dẫn thực hiện của thành phố, tại nhiều quận, huyện, chính quyền các cấp đã ngay lập tức bắt tay vào triển khai.

Kết quả năm 2013, Hà Nội thu được số tiền hơn 55 tỷ đồng với khoảng 1,2 triệu xe máy, trong đó đến 50% mức đóng phí là xe máy có dung tích xy lanh dưới 100cm3. Điều đáng nói là, con số này còn quá thấp so với số đầu xe hiện đang đăng ký lưu hành trên địa bàn Hà Nội (hơn 3 triệu xe). Đó là không kể đến hàng nghìn xe máy đăng ký ngoại tỉnh của những người dân đang sinh sống, học tập và làm việc tại Thủ đô.

Đặc biệt, việc thu phí trên toàn thành phố cũng chưa được thực hiện đồng đều giữa các nơi. Cụ thể, trong khi có những địa phương tỷ lệ thu đạt khá cao: Quận Đống Đa 7,2 tỷ đồng, quận Hoàng Mai 4,5 tỷ đồng, Hai Bà Trưng 4,5 tỷ đồng; thì có những nơi rất thấp: Huyện Quốc Oai 147 triệu đồng, huyện Phúc Thọ 271 triệu đồng, thậm chí con số này tại huyện Thường Tín là bằng không. 

Theo Chi cục Thuế quận Hai Bà Trưng, để đạt được kết quả này, quận Hai Bà Trưng đã làm tốt công tác tuyên truyền, có sự phối hợp chặt chẽ giữa Ban Tuyên giáo Quận ủy, Phòng Văn hóa - Thông tin, UBND 20 phường trên địa bàn: Tổ chức tập huấn, hướng dẫn chính sách thu phí, giải đáp vướng mắc trong quá trình thực hiện… Việc thực hiện trong năm đầu tiên được triển khai đồng bộ, quyết liệt nên đạt được kết quả khả quan. Đặc biệt, việc thu phí được tổ chức theo hướng "mở", không chỉ đối với người dân có hộ khẩu thường trú tại địa bàn mà cả những người thuê nhà, tạm trú, nên người dân có thể lựa chọn nhiều nơi để tham gia nộp.

Năm 2014, theo chỉ tiêu mà UBND thành phố giao cho các đơn vị (dựa theo số lượng thống kê đầu xe máy trên địa bàn), tổng mức thu phí đường bộ năm nay là 320 tỷ đồng. Tuy nhiên, thống kê từ Quỹ Bảo trì đường bộ TP Hà Nội cho thấy, tính đến ngày 21-8-2014 con số này mới chỉ đạt 10 tỷ 857 triệu đồng. Đâu là nguyên nhân dẫn đến tình trạng này?

Những khó khăn cần tháo gỡ

Hà Nội hiện có hơn 7 triệu người, với khoảng 4 triệu xe máy đang lưu hành. Hằng năm, thành phố phải bố trí vốn ngân sách rất lớn để duy tu bảo trì hệ thống cơ sở hạ tầng nhưng vẫn chưa đáp ứng yêu cầu đề ra. Trước tỷ lệ thu năm 2014 đạt khá thấp tính đến thời điểm này, theo một cán bộ thuộc Văn phòng Quỹ Bảo trì đường bộ TP Hà Nội, là do việc giao chỉ tiêu muộn khiến công tác thu phí tại nhiều địa phương cho đến nay đạt kết quả chưa như ý.

Bên cạnh đó, ông Phạm Ngọc Long - Chủ tịch UBND phường Trần Hưng Đạo (quận Hoàn Kiếm) cho biết: Việc vận động năm nay gặp nhiều khó khăn hơn so với năm ngoái. Do không có chế tài xử phạt nên chủ phương tiện không hiểu nghĩa vụ phải nộp phí mà cho rằng đây là việc làm mang tính tự nguyện, nộp thì nộp, không nộp cũng chẳng sao, dẫn đến hiện tượng chây ì. Ngoài ra, nhiều người còn từ chối hay chần chừ nộp phí khi viện dẫn các lý do "nơi này chưa thu, nơi kia thu", phương tiện của gia đình không tham gia hoặc ít tham gia giao thông…

Quá trình tìm hiểu, phóng viên nhận được rất nhiều ý kiến cho rằng nên thu phí bảo trì đường bộ qua giá xăng dầu cho thuận tiện, xe nào đi nhiều đóng nhiều, đi ít đóng ít. Tuy nhiên, làm việc với Chi cục Thuế quận Hai Bà Trưng, ông Phan Văn Phúc - Phó Chi cục trưởng cho ý kiến: Trên thực tế, không chỉ xe máy của người dân sử dụng xăng dầu, mà cả ô tô, xe máy của các công ty, xí nghiệp sản xuất, người nông dân. Nếu áp dụng theo hình thức này, chi phí sản xuất sẽ bị đội lên, ảnh hưởng đến giá thành sản phẩm...

Góp ý cho công tác thu phí, ông Phúc cho rằng: Thành phố nghiên cứu cân nhắc trích lại phần trăm cao hơn cho các địa phương để các đơn vị cải tạo đường làng, ngõ xóm; đồng thời nên chăng cho phép nộp phí trước nhiều năm, tiến tới xem xét các phương thức nộp thuận tiện hơn như qua ATM, internet…

Qua tìm hiểu, có thể nhận thấy tại nhiều nơi nếu chỉ trông chờ vào việc tự giác thì con số đạt được chắc chắn sẽ không cải thiện là bao. Thiết nghĩ, để bảo đảm công bằng, hiệu quả, UBND TP Hà Nội cần tăng cường chỉ đạo UBND các quận, huyện, thị xã đôn đốc xã, phường, thị trấn tích cực thu phí sử dụng đường bộ đối với xe máy; thực hiện đồng bộ trên toàn địa bàn; đồng thời kiến nghị Chính phủ xem xét có chế tài xử phạt đối với chủ phương tiện chống đối; cảnh sát giao thông có quyền xử phạt các trường hợp không đóng phí bảo trì đường bộ, giống như việc mua bảo hiểm bắt buộc đối với xe máy.

Theo Dạ Khánh

Theo Hà Nội Mới
MỚI - NÓNG