Tìm cách cứu những dòng sông đang hấp hối

Sông Nhuệ (đoạn qua xã Cự Khê, huyện Thanh Oai) đen đặc, ô nhiễm và bị rác bủa vây.
Sông Nhuệ (đoạn qua xã Cự Khê, huyện Thanh Oai) đen đặc, ô nhiễm và bị rác bủa vây.
TP - Ô nhiễm ở lưu vực sông Tô Lịch, sông Nhuệ, sông Đáy ngày càng trầm trọng do khối lượng nước thải sinh hoạt, nước thải công nghiệp khổng lồ xả trực tiếp xuống lòng sông. Đã có rất nhiều ý tưởng được khởi xướng, nhưng đến nay vẫn chưa có giải pháp “giải cứu” cụ thể nào được đưa ra.

Hà Nội có 4 dòng sông thoát nước chính: Sông Tô Lịch, sông Lừ, sông Nhuệ và sông Sét. Mỗi ngày, hàng trăm ngàn mét khối nước thải từ sản xuất công nghiệp, nước thải sinh hoạt không qua xử lý đổ trực tiếp xuống khiến cả 4 dòng sông đều trong tình trạng “ngắc ngoải”.

“Sống mòn” bên những dòng sông “chết”

Kết quả khảo sát năm 2014 của Sở TN&MT Hà Nội cho thấy, lưu vực thoát nước mưa và nước thải sông Tô Lịch có diện tích 77,5km2. Bao gồm các sông thoát nước: Tô Lịch, Lừ, Sét, Kim Ngưu và hồ điều tiết đầu mối Yên Sở. Chất lượng nước sông Tô Lịch ngày càng suy giảm do lưu lượng nước thải đổ vào sông ngày càng lớn. Hiện toàn tuyến có 200 cửa xả lớn nhỏ.

Do chưa có hệ thống thu gom, hàng ngày sông Tô Lịch vẫn gồng lưng “gánh” 150.000m3 nước thải, đó là chưa kể lưu lượng nước thải sông này phải tiếp nhận thêm từ đoạn hợp lưu với sông Lừ và sông Kim Ngưu. Tại hạ lưu của sông Tô Lịch còn phải tiếp nhận nước thải của 100 cơ sở thuộc các khu công nghiệp Vĩnh Tuy, Mai Động, Văn Điển trong đó có những nguồn thải nguy hại như nước thải bệnh viện, trung tâm y tế và các cơ sở công nghiệp dịch vụ trên địa bàn thành phố.

Đối với sông Nhuệ, nếu cách đây khoảng 20 năm, nước sông Nhuệ vẫn được dùng để tưới tiêu, thậm chí ở vài đoạn nước sạch vẫn còn có thể dùng để sinh hoạt. Tuy nhiên, giờ đây nước sông Nhuệ hoá màu đen đặc, không có đối lưu, mùi xú uế lúc nào cũng bốc lên nồng nặc. “Góp phần” vào sự ô nhiễm đó, có đóng góp của nhiều làng nghề.

Lần tìm phía kênh thoát nước có tên T2, đây là con kênh tiếp nhận nguồn thải từ các làng nghề Dương Liễu, Cát Quế, Minh Khai trước khi đổ ra sông Nhuệ. Nước kênh chỗ đen, chỗ trắng váng bột nổi do phế phẩm từ miến, chất tẩy rửa củ sắn, củ đót đổ trực tiếp xuống đây. Tương tự ở làng miến Cự Đà, huyện Thanh Oai, dòng sông Nhuệ chạy dọc con đường làng bỗng trở thành “nỗi ám ảnh” của người dân. Ông Thủy (80 tuổi, trú tại xã Cự Đà) cho hay, ở làng có 1 trạm bơm, trước đây thường dùng để bơm nước từ sông Nhuệ để tưới tiêu, dần dần nước ô nhiễm, bà con sử dụng nước bị lở loét chân tay, bệnh ngoài da nhiều nên cũng không dám dùng nước sông nữa. “Đến nay, nước sông không dùng được cho cả tưới rau”, ông Thủy chia sẻ. Một số người dân ở xã Cự Khê gần đó bức xúc: Sông Nhuệ giờ bị coi như dòng “sông độc”, bởi mỗi khi trời mưa, mùi hôi thối xộc thẳng vào nhà. Rất nhiều người già, trẻ nhỏ ở xã bị bệnh liên quan đến hô hấp.

Một dòng sông khác cũng chịu ô nhiễm do xả thải trực tiếp của hàng chục làng nghề, cụm công nghiệp và nước thải sinh hoạt của người dân đó là sông Đáy. Dòng sông chảy qua địa phận các huyện Hoài Đức, Quốc Oai, Mỹ Đức… ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống sinh hoạt của nhân dân khu vực.

Cần sớm cứu sông “chết”

Bà Trần Thị Quốc Khánh, ĐBQH thành phố Hà Nội đề nghị, tái khởi động dự án làm sạch nước sông Đáy, sông Nhuệ đã bị dừng từ nhiều năm nay. Đồng thời sớm xây dựng hệ thống đưa nước sạch từ sông Hồng vào sông Nhuệ để tưới tiêu cho các vùng ở đây.

Trong khi đó, ông Lê Minh Trường, Chủ tịch HĐND quận Hoàng Mai kiến nghị, các sở, ngành cần phối hợp xử lý ngay vấn đề ô nhiễm môi trường nước trên địa bàn. Bởi quận Hoàng Mai là một trong những vùng thấp và trũng nhất của nội thành. Tất cả các dòng sông: Sông Lừ, sông Sét, sông Kim Ngưu… đều chảy về quận, khiến ô nhiễm sông đang là vấn đề trầm trọng, ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của nhân dân.

Ông Hoàng Văn Bảy, Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước (Bộ TNMT) cho biết, Việt Nam đang phải đối mặt với những thách thức về tình trạng ô nhiễm, cạn kiện các nguồn nước. Trong các nguồn ô nhiễm chủ yếu có nước thải sinh hoạt, nước thải công nghiệp, làng nghề, hoạt động sản xuất nông nghiệp. Trong đó, nước thải sinh hoạt khiến cho phần lớn sông ngòi kênh rạch chảy qua đô thị đều bị ô nhiễm, sông ngòi nhỏ thành nơi chứa nước thải. Ở các cụm công nghiệp, làng nghề, việc xử lý nước thải cũng chưa đáp ứng được yêu cầu. Đến 70% các khu công nghiệp không có hệ thống xử lý nước thải tập trung hoặc xử lý không đủ quy chuẩn cho phép. Ông Bảy cho rằng, hiện nay vấn đề không phải thiếu văn bản pháp lý về bảo vệ tài nguyên nước mà yếu tố chính là nhận thức con người và ý thức chấp hành pháp luật. Không chỉ kiểm soát nước thải mà còn cần quan tâm đến số lượng nước, dòng chảy. Ví dụ như sông Tô Lịch, không thể chỉ kiểm soát nước thải, chất thải mà phải kiểm soát, đảm bảo dòng chảy trong sông, đủ khả năng pha loãng và tự làm sạch. Như vậy Tô Lịch mới thoát được tình trạng sông như cống nước thải hiện nay.

Theo thống kê, lưu vực sông Nhuệ, sông Đáy ô nhiễm do nước thải sinh hoạt cao nhất, trong đó Hà Nội chiếm 54% lượng nước thải toàn lưu vực. Tính riêng nước thải công nghiệp, làng nghề… mỗi ngày, lượng Hà Nội thải ra hơn 100.000m3. Đặc biệt, nước thải từ sản xuất dệt nhuộm chứa nhiều hoá chất như thuốc tẩy, xút, phèn, nhựa thông, phẩm màu... gây hại cho môi trường.Nước thải từ các làng nghề, chăn nuôi, trồng trọt cũng là yếu tố quan trọng góp phần gây ô nhiễm.

MỚI - NÓNG