Chào mừng Đại hội Đảng bộ thành phố Hà Nội lần thứ XVI

Từng bước hoàn thiện cơ sở hạ tầng đô thị

Từng bước hoàn thiện cơ sở hạ tầng đô thị
TP - Trong giai đoạn 2010-2015 Hà Nội đã ghi dấu trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển đồng bộ cơ sở hạ tầng đô thị. Bằng những chương trình hành động cụ thể, giải pháp hiệu quả thiết thực, bộ mặt đô thị ngày càng văn minh, hiện đại.

Phát triển hạ tầng đô thị đồng bộ, hiện đại

Với phương châm đô thị phát triển đến đâu hạ tầng kỹ thuật phải phát triển đồng bộ đến đấy. Bằng nhiều hình thức đầu tư, Hà Nội đã huy động được nguồn lực không nhỏ thực hiện các dự án kết cấu hạ tầng kỹ thuật đô thị. Hàng loạt dự án trọng điểm, dự án quy mô vừa và nhỏ trong lĩnh vực hạ tầng kỹ thuật đã được đầu tư
triển khai.

Ở lĩnh vực nước sạch, mặc dù gặp nhiều khó khăn về nguồn vốn, nhưng Hà Nội đã phát triển nguồn nước theo quy hoạch, kế hoạch, với tổng sản lượng 900.000-930.000m3/ngày đêm. Cùng với đó là việc đầu tư cải tạo mạng cấp nước cũ, mở rộng mạng cấp nước mới đáp ứng nhu cầu sử dụng của nhân dân. Đến nay, tỷ lệ người dân khu vực đô thị và khu dân cư tập trung sử dụng nước sạch đạt 100%, với tiêu chuẩn bình quân 130-150 lít/người/ngày. Nguồn nước cung cấp cho người dân bảo đảm các tiêu chuẩn về chất lượng và độ an toàn theo quy định.

Công tác chỉnh trang bộ mặt đô thị luôn được thành phố quan tâm. Hàng loạt dự án cải tạo, chỉnh trang công viên, vườn hoa, quảng trường…, được triển khai trong suốt thời gian qua. Nhiều công viên, vườn hoa được xây dựng mới, cải tạo theo chương trình chỉnh trang của thành phố như: công viên Hòa Bình, công viên Thống Nhất, vườn hoa Đại học Thủy lợi, vườn hoa Đại học Công đoàn, vườn hoa Lênin, vườn hoa Lý Tự Trọng, Đàn Xã Tắc, công viên Thủ Lệ, vườn hoa Nguyễn Trãi (Hà Đông), vườn hoa thị xã Sơn Tây… Đề án chỉnh trang quét vôi, sơn cửa nhà mặt phố cũng được thành phố và các sở ngành chỉ đạo quyết liệt. Trong quá trình thực hiện đã kết hợp dỡ bỏ mái che, mái vẩy, bục bệ, biển quảng cáo, giải tỏa các ki ốt, chợ cóc, chợ tạm... lấn chiếm hè phố, lòng đường tại một số tuyến phố chính và thực hiện được việc chỉnh trang quét vôi, sơn cửa mặt nhà, mặt phố các quận, huyện, thị xã trên
địa bàn.

Cùng với đó, hệ thống chiếu sáng đô thị liên tục được đầu tư, tăng cường theo hướng hiện đại, tiết kiệm. Đơn cư như việc tiến hành thay thế các bóng cũ bằng bóng mới có công suất cao, tiết kiệm điện năng; đầu tư chiếu sáng tại các thị trấn, thị tứ, tuyến đường đi qua khu dân cư ở các huyện ngoại thành như Đông Anh, Phú Xuyên, Quốc Oai, Hoài Đức, Đan Phượng, Thường Tín, Ba Vì, Thạch Thất, Chương Mỹ, Ứng Hòa, Thanh Oai, Phúc Thọ, Mê Linh… Hệ thống chiếu sáng đô thị được đảm bảo, luôn vận hành an toàn liên tục, tỷ lệ đạt trên 98% bóng sáng trong thời gian trước, trong và sau các ngày lễ, tết. Các điểm trang trí được vận hành an toàn, đảm bảo mỹ quan đô thị. Tăng cường chiếu sáng đường phố, đặc biệt các nút giao thông đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả.

Một điểm nổi bật nữa là việc hạ ngầm tuyến đường điện, cáp thông tin trên 100% tuyến phố đầu tư mới và trong các khu đô thị mới. Với các tuyến phố cũ, thành phố triển khai đồng bộ việc thanh thải đường dây, cáp đi nổi không còn sử dụng. Chỉ riêng trong năm 2014, thành phố đã triển khai trên 90 tuyến phố và trong 6 tháng đầu năm 2015 tiếp tục hoàn thành 100 tuyến; các tuyến còn lại đang được triển khai, dự kiến hoàn thành cuối năm nay. Việc thanh thải, sắp xếp đường dây đi nổi mang lại không gian thoáng đãng, góp phần cải thiện bộ mặt đô thị văn minh, hiện đại.

Đột phá vì một Thủ đô xanh, sạch, đẹp

Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo Chương trình số 07 Thành ủy Hà Nội về “Tập trung xây dựng hạ tầng kỹ thuật đô thị, bảo vệ và nâng cao chất lượng môi trường giai đoạn 2011-2015” thì đến nay những mục tiêu cơ bản của Chương trình 07 đã được thực hiện, như chỉ tiêu về sử dụng nước sạch đô thị, diện tích đất dành cho giao thông, xử lý chất thải rắn, đặc biệt là các quy hoạch chuyên ngành thành phố đã thực hiện. Các quy hoạch đã phê duyệt, đều được công bố công khai, làm cơ sở để triển khai và thu hút nguồn lực đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật cũng như xử lý môi trường với kết quả tích cực. Tạo ra bộ mặt đô thị khang trang, hiện đại, góp phần tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.

Tuy nhiên, để đáp ứng yêu cầu, mục tiêu đã đề ra, năm 2015 - năm bản lề thực hiện Chương trình và Nghị quyết của Đảng bộ thành phố lần thứ XV, Ban Chỉ đạo Chương trình số 07 đã xác định tập trung hoàn thành phê duyệt các quy hoạch còn lại cũng như cần phải đột phá trong việc đầu tư, quản lý hệ thống hạ tầng đô thị như, Quy hoạch GTVT Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn 2050; Quy hoạch tổng thể bảo vệ môi trường Hà Nội; Quy hoạch bến xe, bãi đỗ xe, trạm dừng nghỉ; Quy hoạch vận tải đường sắt đô thị; Đề án lập bản đồ ngập lụt trên địa bàn thành phố. Hay việc sẽ hoàn thiện phê duyệt các đề án như Đề án cải tạo, chỉnh trang hè phố Hà Nội đến năm 2020; phát triển mạng lưới cung cấp nước sạch…

Theo ông Lê Văn Dục, Giám đốc Sở Xây dựng với tốc độ đô thị hoá ngày càng cao thời gian tới nhu cầu sử dụng nước sạch của người dân càng tăng. Để đáp ứng nhu cầu dùng nước từ nay đến 2020 và năm 2030, Hà Nội cần phải xây dựng thêm một số nhà máy nước có công suất lớn sử dụng nguồn nước mặt như dự án xây dựng nhà máy nước mặt sông Hồng với công suất 300.000m3/ngày đêm vừa được UBND thành phố phê duyệt, do Cty Cổ phần Nước mặt sông Hồng làm chủ đầu tư theo hình thức xã hội hóa. Trong khi đó nhiều dự án đầu tư xây dựng mới cũng được Hà Nội gấp rút thực hiện. Mới đây thành phố đã triển khai thực hiện dự án nâng công suất nhà máy nước Bắc Thăng Long-Vân Trì lên 50.000m3/ngày đêm hay việc khởi công xây dựng đường ống dẫn nước sạch sông Đà số 2 về Hà Nội của Công ty Viwasupco nhằm truyền tải an toàn công suất  300.000m3/ngày đêm.

Từng bước hoàn thiện cơ sở hạ tầng đô thị ảnh 1

Trạm biến áp 220kv Tây Hồ do EVN Hà Nội đầu tư, công trình chào mừng Đại hội Đảng bộ thành phố Hà Nội lần thứ XVI.

Đối với hệ thống thoát nước đô thị, dù tình trạng úng ngập xảy ra mỗi khi mưa lớn nhưng những nỗ lực của thành phố đáng được ghi nhận. Trong 5 năm qua, Hà Nội đã cơ bản hoàn thành dự án thoát nước nhằm cải thiện môi trường (dự án gian đoạn II), trong đó nâng công suất trạm bơm Yên Sở lên 90m3/giây; Hoàn thiện hệ thống mương - cống thoát nước trên địa bàn 8 quận, huyện, qua đó giảm úng ngập cục bộ khi có cường độ mưa 310mm/2 ngày. Hàng loạt điểm đen về úng ngập của khu vực nội đô đã được xóa; thời gian úng ngập được tiêu thoát nhanh hơn. Cùng với đó, Hà Nội đã hoàn thành, đưa vào vận hành các nhà máy xử lý nước thải, với tổng công suất tăng thêm 250.000m3/ngày- đêm, bằng 21% tổng lượng nước thải. Thành phố đang chuẩn bị đầu tư tiếp nhiều dự án nhà máy xử lý nước thải, các trạm bơm… Hiện các  đơn vị đang gấp rút hoàn thiện các gói thầu cuối cùng của dự án thoát nước giai đoạn II góp phần giảm thiểu việc úng ngập, tiêu thoát nhanh khi có mưa lớn ở khu vực nội đô.

Trong lĩnh vực vệ sinh môi trường, các đơn vị như Công ty Môi trường đô thị Hà Nội (URENCO) luôn xác định vì một Thủ đô xanh, sạch, đẹp; để thành phố phát triển được bền vững cần phải kiểm soát được toàn bộ quá trình phát sinh rác thải và giảm thiểu nguy cơ ô nhiễm môi trường. Do đó vấn đề đổi mới kỹ thuật công nghệ luôn được coi trọng. Đơn cử từ năm 2009 đến năm 2014, Công ty đã đầu tư mua mới hàng chục xe cuốn ép rác, xe tưới rửa đường, xe thu dọn đất thải, xe quét hút bụi, thiết bị đầm nén rác hiện đại; tổ chức thực hiện công tác phân loại rác tại nguồn tại 4 phường thí điểm: Nguyễn Du, Phan Chu Trinh, Thành Công và Láng Hạ đã được nhân dân các phường tích cực tham gia, hưởng ứng... 

MỚI - NÓNG
Ngừng phiên tòa tranh chấp liên quan đến Hoa hậu Lê Hoàng Phương
Ngừng phiên tòa tranh chấp liên quan đến Hoa hậu Lê Hoàng Phương
TPO - Sau khi xuất hiện bằng chứng mới, Hội đồng xét xử quyết định tạm dừng phiên tòa  tranh chấp Hợp đồng quảng bá thương hiệu giữa Ban tổ chức cuộc thi Miss Grand Vietnam 2023 (BTC) và Công ty Cổ phần Bệnh viện Phẫu thuật thẩm mỹ Nam An (Bệnh viện Nam An), trong đó Hoa hậu Lê Hoàng Phương tham gia tố tụng với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.