Hà Nội Metro sẵn sàng vận hành đường sắt đô thị:

Vạn sự khởi đầu nan

Chủ tịch HĐTV - Tổng Giám đốc Hà Nội Metro Vũ Hồng Trường tháp tùng lãnh đạo Chính phủ và lãnh đạo thành phố trong một lần thị sát, kiểm tra tàu chạy thử
Chủ tịch HĐTV - Tổng Giám đốc Hà Nội Metro Vũ Hồng Trường tháp tùng lãnh đạo Chính phủ và lãnh đạo thành phố trong một lần thị sát, kiểm tra tàu chạy thử
TP - Để Hà Nội trở thành đô thị văn minh, đáng sống… không chỉ là trách nhiệm của các cấp, các ngành mà còn là ước vọng của mỗi người dân. Và nói đến một đô thị văn minh là phải có hệ thống giao thông đô thị phát triển, đồng bộ, vừa đáp ứng được nhu cầu đi lại của người dân vừa bảo vệ được cảnh quan, môi trường.

Thời gian - liều thuốc thử sự quyết tâm

Phát triển hệ thống đường sắt đô thị (ĐSĐT) đã và đang là một nhu cầu tất yếu với các đô thị có từ một triệu dân trở lên. Tính đến nay có 37/40 thành phố lớn nhất trên thế giới (từ 6 triệu dân trở lên) đã và đang sử dụng hiệu quả hệ thống metro. Hiện chỉ còn duy nhất 3 thành phố là Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh (Việt Nam) và Dhaka (Bangladesh) tuy chưa có nhưng đang nỗ lực để sớm đưa vào vận hành hệ thống metro đang xây dựng.

Vẫn biết “Vạn sự khởi đầu nan”, mọi sự khởi đầu đều không tránh khỏi những khó khăn, thách thức nhưng thực tế cho thấy việc triển khai tuyến Cát Linh – Hà Đông còn khó khăn hơn nhiều dẫn đến dự án kéo dài và nhiều lần “lỡ hẹn”.

Ngược thời gian 20 năm về trước, vẫn còn đó những nỗi buồn đan xen trước những khó khăn thách thức, thậm chí là những hiểu lầm khó tránh trong suốt chặng đường phấn đấu của xe buýt Hà Nội. Gian nan nhất là những tháng ngày “dò đá qua sông” để tìm đường đưa xe buýt của Hà Nội phát triển với tiêu chí “đi xe buýt thuận tiện, nhanh hơn xe đạp, rẻ hơn xe máy”. Có lẽ Ha Noi Metro cũng không tránh khỏi được những vất vả, nhọc nhằn như thế.

Hẳn người dân Hà Nội vẫn chưa quên được những hồi ức về tiếng “leng keng” của tàu điện từ Bờ Hồ tỏa ra 5 Cửa Ô. Cái tiếng “leng keng” ấy sao mà gợi nhớ, gợi thương, gợi nhắc đến Hà Nội một thời cổ kính, đơn sơ. Còn giờ đây, những người làm trong ngành ĐSĐT của Hà Nội mong muốn Metro sẽ trở thành biểu tượng của một Thủ đô văn minh, hiện đại và tuyến ĐSĐT Hà Nội cũng là tuyến ĐSĐT đầu tiên của cả nước: Cát Linh - Hà Đông đi vào vận hành sẽ là “Chuyển động mới cho giao thông Hà Nội”.

Nhân sự đã sẵn sàng

Theo phương án vận hành đã được các cấp có thẩm quyền phê duyệt, tổng số nhân lực của tuyến Cát Linh - Hà Đông gồm 681 người, số nhân lực cần đào tạo là 651 người, 30 người không cần đào tạo là những ngành nghề thông dụng. 

Thực tế, quá trình đào tạo để tiếp nhận vận hành dự án kéo dài, dẫn đến có những nhân sự xin thôi không tham gia dự án. Tuy vậy, điều đáng mừng là những nhân sự cao cấp, nhân sự kỹ thuật chuyên sâu, đặc biệt là đội ngũ lái tàu vẫn rất tâm huyết với nghề nghiệp nên cơ bản đến nay vẫn giữ được số lượng như ban đầu. Để bổ sung số nhân sự bị thiếu hụt, Hà Nội Metro đã chủ động tuyển dụng và đào tạo bổ sung theo yêu cầu.

Có thể nói những cán bộ, nhân viên của Hà Nội Metro trong suốt thời gian qua đã chấp nhận hy sinh cả về thời gian, tuổi trẻ, chủ động khắc phục khó khăn để rồi vượt lên trên tất cả là sự tâm huyết, là khát vọng cho tuyến ĐSĐT đầu tiên của Hà Nội sớm cán đích.

Từ nhận thức đến hành động, đội ngũ cán bộ, nhân viên của Hà Nội Metro luôn lấy tiêu chí an toàn cho hành khách là mục tiêu cao nhất. Để tuyến Cát Linh - Hà Đông đi vào vận hành an toàn và hiệu quả, ngoài sự nỗ lực phấn đấu của cán bộ, nhân viên Công ty, yếu tố quyết định sự thành công của tuyến chính là sự ủng hộ, chia sẻ của người dân Hà Nội và những người yêu mến Hà Nội trong thời gian tới. 

Với lợi thế chạy trên đường riêng, không giao cắt đồng mức với hệ thống giao thông đường bộ trong thành phố nên ĐSĐT loại bỏ hoàn toàn xung đột với các phương tiện giao thông khác. Cùng với khả năng chuyên chở khối lớn, tốc độ khai thác cao và ổn định gấp hơn 2 lần so với xe buýt ĐSĐT được kỳ vọng sẽ đem lại cho người dân một dịch vụ đi lại nhanh chóng, thuận tiện, an toàn với tiêu chí “Đi Metro nhanh hơn xe máy rẻ hơn Grab”. 

MỚI - NÓNG