Vì sao hơn 40 nghìn xe kinh doanh vận tải tê liệt 'hộp đen'?

Nhiều thiết bị GPS khi được kiểm tra tại bến xe không được cấp điện, nạp tiền để hoạt độngẢnh: Trọng Đảng
Nhiều thiết bị GPS khi được kiểm tra tại bến xe không được cấp điện, nạp tiền để hoạt độngẢnh: Trọng Đảng
TP - Sở GTVT Hà Nội phát hiện có trên 44 nghìn xe kinh doanh vận tải tê liệt thiết bị giám sát hành trình (GPS-hộp đen) đồng thời phát hiện hơn 1.600 tài xế vi phạm tốc độ, giờ lái xe.

Vừa qua, qua kiểm tra, rà soát thông tin, dữ liệu từ thiết bị từ GPS được liên kết với Tổng Cục đường bộ Việt Nam, Sở GTVT Hà Nội đã phát hiện 44.934 phương tiện ô tô kinh doanh vận tải, trong đó có nhiều xe khách, taxi, vận tải hàng hóa được Sở GTVT cấp phép có thiết bị GPS không truyền dữ liệu về các trung tâm giám sát. Thời gian được Sở GTVT kiểm tra, phát hiện thiết bị GPS tê liệt là trong 7 ngày liên tục. Toàn bộ số phương tiện này thuộc xe của 9.047 đơn vị kinh doanh vận tải tại Hà Nội. Thiết bị GPS lắp trên xe kinh doanh vận tải của các đơn vị này thuộc sản phẩm của 79 nhà cung cấp dịch vụ được Tổng Cục đường bộ Việt Nam chấp thuận triển khai.

Trong số này có nhiều doanh nghiệp vận tải có số lượng xe vi phạm lớn, như: Cty CPDV taxi ABC: 186 xe, Cty CPVT Vạn Xuân: 40 xe, Cty CP Ba Sao: 123 xe, Cty CPĐT Sông Đà-Việt Đức: 58 xe, Cty TNHH VT Hà Sơn - Hải Vân (CN Hà Nội): 10 xe, Chi nhánh 1-Cty CP Công nghiệp Quảng An I Hà Nội: 72 xe…

Ông Vũ Hà, Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho biết, để phục vụ công tác giám sát, kiểm tra các hoạt động của tài xế và phương tiện như hành trình, tốc độ, giờ cầm vô lăng của lái xe hàng ngày, từ 1/7/2018, Bộ GTVT đã có quy định tất cả xe kinh doanh vận tải, trong đó có xe khách, taxi, xe vận chuyển hàng hóa phải lắp thiết bị GPS để truyền dữ liệu về các cơ quan quản lý, cấp phép. Tuy nhiên, thời gian vừa qua, kiểm tra ngẫu nhiên các phương tiện của nhiều doanh nghiệp vận tải được cấp phép trên địa bàn thành phố, Sở GTVT Hà Nội phát hiện hàng vạn xe liên tục không truyền dữ liệu về các trung tâm giám sát.

“Việc này có thể do các nguyên nhân, thiết bị trục trặc, mất nguồn điện, thậm chí do chính lái xe, doanh nghiệp vận tải tác động vào để “tắt” thiết bị. Dù nguyên nhân nào thì việc người điều khiển và chủ phương tiện để cho thiết bị GPS tê liệt khi hoạt động là vi phạm quy định về hoạt động kinh doanh vận tải có điều kiện”, ông Hà nói.

Buông lỏng quản lý?

Thông tin với PV Tiền Phong về thực trạng hoạt động của nhiều thiết bị GPS, đại diện Vụ Vận tải, Bộ GTVT cho rằng, sau khi thiết bị được lắp đặt trên xe khách, việc duy trì hoạt động thường xuyên là trách nhiệm của doanh nghiệp. Theo quy định, xe chạy ra đường là thiết bị GPS phải hoạt động, trường hợp GPS không hoạt động DN, chủ xe phải báo cáo với đơn vị cung cấp thiết bị, khi nào GPS hoạt động, doanh nghiệp mới được phép cho xe ra đường. Vụ Vận tải sẽ có đề nghị Tổng Cục đường bộ kiểm tra, làm rõ thực trạng trên.

Ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam đánh giá:  Việc trang bị GPS trên xe kinh doanh vận tải là một bước tiến rất lớn trong việc quản lý, giám sát hoạt động vận tải nói chung. Tuy nhiên, sau khi các thiết bị này được lắp đặt đồng loạt trên tất cả phương tiện kinh doanh, cơ quan chức năng cao nhất là Tổng Cục ĐBVN đang bỏ lơ, buông lỏng quản lý. Hà Nội chỉ có khoảng vài vạn xe kinh doanh vận tải nhưng có đến 44 nghìn xe bị tê liệt GPS trong thời gian dài, có DN tê liệt đến cả 300 xe (tương đương 100% xe) là không thể chấp nhận được. “Vì sao lại có việc này? Phải chăng công tác giám sát, quản lý không thường xuyên, liên tục và bị buông lỏng? Ông Quyền đặt câu hỏi.

Trong các lần kiểm tra qua thiết bị GPS, Sở GTVT Hà Nội còn phát hiện 1.670 phương tiện, tài xế vi phạm quy định lái xe quá 4 giờ liên tục và chạy quá tốc độ trên 1.000 km hoạt động. Các xe này thuộc 9.047 doanh nghiệp vận tải được cấp phép hoạt động trên địa bàn Hà Nội. Trong số này, có nhiều doanh nghiệp vận tải có số lượng phương tiện tài xế vi phạm nhiều lần.

MỚI - NÓNG