Xác của Hồ Tây

Tuần vừa rồi, cá lại chết trắng ở Hồ Tây sau cơn mưa trở trời. Đó là chuyện không thể không xảy ra, bởi Hồ Tây không còn là nơi có thể sống với các loài sinh vật. Đã từ lâu rồi, từ khi những đoạn kè bê tông cuối cùng khép kín vòng hồ, nó đã chết.
Xác của Hồ Tây ảnh 1

Cá chết hàng loạt dạt vào vệ bờ kè Hồ Tây. 

Khi lái xe trên những con đường phẳng phiu vòng quanh mép hồ hôm nay, tôi đã không thể nào diễn đạt nổi cho con mình về ký ức của tôi. Chúng không thể hình dung tôi đã từng bơi lội nơi bây giờ là đường Trịnh Công Sơn quán hàng san sát. Chúng không thể tin khi bằng tuổi chúng thì tôi đã từng chèo thuyền nan nấp dưới những lùm tre, lùm vối tìm tổ chim. Chúng phì cười khi tôi nói rằng hồi bằng tuổi chúng thì Hồ Tây là một thế giới kỳ bí của cha mình, nơi những đàn chim nước tìm về mỗi mùa đông, nơi có những ngôi làng mà người ta sống bằng nghề chài lưới.

Đã không còn bất cứ một sợi dây liên lạc nào giữa một cái hồ bê tông với một vùng sinh cảnh của những loài động vật tự nhiên như Hồ Tây năm nào. Cái chết của những con cá sau ngày mưa là điều dĩ nhiên phải đến, bởi nơi chúng sống, một vùng hồ tự nhiên lớn nhất Hà Nội thực ra đã chết từ lâu rồi. Lần cuối cùng người ta còn nhìn thấy chim sâm cầm bay về Hồ Tây là năm 1994, đã 24 năm rồi.

Năm 1997, dự án kè Hồ Tây được bắt đầu khởi công. Đó là một dự án vô cùng khó khăn, trải qua hơn 10 năm mới hoàn thành, với chi phí gần ngàn tỷ đồng. Mục đích của dự án là để tạo cảnh quan sạch đẹp khang trang cho Hồ Tây, và còn một ý nghĩa là ngăn chặn tình trạng lấn chiếm mặt hồ.

Cho đến thời điểm này, đúng là những con đường ven hồ được hình thành giúp tất cả người dân tiếp cận được mặt hồ dễ dàng hơn, tình trạng lấn chiếm mặt hồ đã được ngăn chặn. Nhưng, khi vòng tròn bê tông được khép kín, sinh cảnh tự nhiên của hồ đã hoàn toàn bị xoá sổ.

Người ta vẫn có thể bảo vệ sinh cảnh tự nhiên của một cái hồ tự nhiên đồng thời ngăn chặn sự lấn chiếm, nếu như thay vì kè bê tông và tạo nên những con đường nhựa quanh hồ, người ta làm những lối đi nổi, những con đường lát gỗ, hoặc thậm chí là bê tông nhưng nổi trên mặt nước, để người dân vẫn có thể đạp xe và đi bộ quanh hồ, nhưng không chặn mất không gian sống của các loài thực vật thuỷ sinh.

Xác của Hồ Tây ảnh 2 Cá chết nổi trắng mặt Hồ Tây. 

Sự dễ dãi trong tư duy cải tạo tự nhiên luôn có khả năng tiêu huỷ những giá trị mà thiên nhiên ban tặng cho con người. Mặt nước Hồ Tây giờ đây không còn là một thực thể sống, để có khả năng tự phục hồi. Hồ Tây bây giờ chỉ đơn thuần là một bể chứa nước thải khổng lồ của thành phố với hơn 30 miệng cống thải. Vì thế, sau mỗi cơn trở trời, cá chết trắng cũng là điều tự nhiên. Và không xa nữa, những con cá thậm chí không thể sống để mà chờ chết ở Hồ Tây.

Những mặt hồ tự nhiên luôn là một tài sản quý giá của mỗi vùng đất, mỗi địa phương. Nhưng khi người ta chỉ nhìn nó như một bể chứa nước, để cắt đứt mọi khả năng liên lạc của nó với tự nhiên, giá trị của nó sẽ không hơn gì vài ngàn giờ công máy xúc.

Một cái hồ sống, là khi nó còn giữ được sinh cảnh tự nhiên của mình, khi bùn, nước của nó là nguồn dinh dưỡng của những loài thực vật gần bờ, để chính những bờ cây thềm cỏ ngập nước ấy sinh sôi và cải tạo chất lượng nước một cách tự nhiên. Còn Hồ Tây, nó đã chết ngay sau khi bị bê tông hoá, dù người ta vẫn giữ lại được hình dáng của nó bằng vòng kè bê tông, như cách nhựa hoá những thi thể con người để trưng bày, triển lãm.

Giờ, có là quá muộn để hồi sinh Hồ Tây? Tôi đã muốn đặt câu hỏi này cho bài viết hôm nay, nhưng tôi nghĩ đó là một câu hỏi sai. Bởi, có bao nhiêu người Hà Nội thực sự nhìn Hồ Tây, và đối xử với nó, như một thực thể sống trong thành phố của mình.

Theo Theo Dân Việt
MỚI - NÓNG
TPHCM 24/7: Cựu cục trưởng Đỗ Thị Nhàn bị tịch thu bao tiền? Thuận An nói về 2 gói thầu ở TPHCM
TPHCM 24/7: Cựu cục trưởng Đỗ Thị Nhàn bị tịch thu bao tiền? Thuận An nói về 2 gói thầu ở TPHCM
TPO - Người tự nhận có thể cầu mưa cho TPHCM nhận lỗi; Cựu cục trưởng Đỗ Thị Nhàn phải nộp thêm 400.000 USD và 100 triệu đồng; Nam thanh niên trộm chó trong tích tắc; Siêu tàu cao tốc từ TPHCM - Côn Đảo chính thức hoạt động; Đốn hạ hơn 400 cây xanh để làm tuyến Metro số 2,... là những tin tức đáng chú ý tại TPHCM tuần qua.