Xây cáp treo vượt sông Hồng: Chuyên gia lo ngại

Nhiều chuyên gia lo ngại hiệu quả giảm ùn tắc từ đề xuất xây cáp treo vượt sông Hồng - Ảnh minh họa: Mộc Liên
Nhiều chuyên gia lo ngại hiệu quả giảm ùn tắc từ đề xuất xây cáp treo vượt sông Hồng - Ảnh minh họa: Mộc Liên
TPO - Cùng với đưa ra lộ trình tuyến, thời gian thi công và năng lực vận chuyển, theo tìm hiểu thêm PV Tiền Phong được biết, nhà đầu tư nước ngoài cũng đưa ra mức dự toán đầu tư khi thực hiện tuyến cáp treo chở khách đầu tiên tại Hà Nội.

Theo đó với chiều dài khoảng 5 km, tổng mức đầu tư cho 1 km cáp treo được nhà đầu tư Poma (Pháp) đưa ra để xây dựng tuyến cáp treo Hà Nội, theo lộ trình từ trạm xe buýt Long Biên đến bến xe Gia Lâm là 10 triệu Euro (tương đương 260 tỷ đồng)/1km. Như vậy, với chiều dài khoảng 5 km, tổng mức đầu tư của tuyến cáp treo chở khách tại Hà Nội sẽ có tổng mức đầu tư khoảng 1.300 tỷ đồng.

Với sức chuyên chở từ 25 đến 30 khách/ca bin, một số chuyên gia, nhà quy hoạch cho rằng, nếu mức kinh phí trên với việc đầu tư cho xe vận tải công cộng (VTCC) bằng xe buýt thì con số trên gấp 36 lần đầu tư một tuyến buýt mới.

Tuy nhiên, về hiệu quả vận chuyển khách của tổng mức đầu tư này so với vận chuyển hành khách công cộng bằng xe buýt thì xe buýt gấp 5 lần. Đơn cử, với khu vực nội thành (cự ly dưới 10 km) hiện mỗi tuyến buýt được đầu tư mới khoảng 15 đầu xe, căn cứ vào định mức thành phố cho phép mua xe mới khoảng 2,5 tỷ/xe, với tổng số 15 xe thì mỗi tuyến buýt mức đầu tư sẽ khoảng 37 tỷ đồng. So sánh với tổng mức đầu tư này thì tuyến cáp treo cao gấp 36 lần - tương đương 36 tuyến buýt.

Về năng lực vận chuyển của VTCC bằng xe buýt, căn cứ vào báo cáo sản lượng 6 tháng đầu năm 2018 của Sở GTVT Hà Nội, chúng tôi thấy rằng, trung bình mỗi tuyến buýt tại Hà Nội mỗi ngày đang vận chuyển khoảng 32.000 lượt hành khách/ngày, 36 tuyến sẽ vận chuyển được 396.000 lượt hành khách/ngày.

Tuy nhiên, với tổng mức đầu tư khoảng 1.300 tỷ đồng cho cáp treo, nếu được lắp đặt với công nghệ vận chuyển khách cao nhất (công nghệ cáp kẹp bên trên khoảng 6.000 hành khách/h) thì mỗi ngày (12 giờ hoạt động) cáp treo từ trạm xe buýt Long Biên - bến xe Gia Lâm sẽ vận chuyển được 72.000 lượt hành khách, thấp 5 lần so với sức vận chuyển của 36 tuyến buýt cộng lại.

Nắng hoạt động, mưa bão “nằm bờ”

Đề cập đén quá trình hoạt động của cáp treo, nhiều chuyên gia cho rằng, do đi trên dây và vận chuyển trên cao nên cáp treo “dị ứng” với thời tiết xấu. Từ thực tế hoạt động cáp treo tại Việt Nam cũng như các nước trên thế giới, TS Nguyễn Văn Nhuận, trường ĐH GTVT Hà Nội cho rằng, cáp treo chỉ hoạt động tốt với thời tiết nắng ráo, còn trời mưa to hoặc bão cáp treo phải dừng hoạt động, nằm im ở trạm trung chuyển. Trong khi đó, yếu tố để VTCC hấp dẫn khách đầu tiên là cung cấp dịch vụ đi lại ổn định, thường xuyên. Tuy nhiên, cáp treo lại không đáp ứng được.

Cùng với đó, TS Nguyễn Văn Nhuận cũng cho rằng, đầu tư cho 1 km cáp treo có chi phí cao như vậy, liệu giá vé để người dân đi cáp treo sẽ là giá bao nhiêu? Thu giá thấp thì doanh nghiệp sẽ khó mà đầu tư, còn thu cao thì liệu có phù hợp với loại hình VTCC và thu nhập của đại bộ phận người dân.

Ở góc độ quy hoạch, TS. Phạm Sỹ Liêm, nguyên Thứ trưởng bộ Xây dựng cho rằng, quy hoạch phát triển Giao thông Hà Nội được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt cũng như các đề án phát triển VTCC từ trước đến nay chỉ đề cập đến phát triển các loại hình xe buýt, BRT, đường sắt đô thị, chưa có nội dung nào đề cập đến loại hình cáp treo chở khách công cộng.

Cùng với đó, TS Liêm cũng nêu thực tế, hai bên bờ sông Hông cũng đang là khu vực được kiểm soát chặt về độ tĩnh không, hơn nữa đây còn có sân bay quân sự Gia Lâm nên để xây dựng được cáp treo ở đây cần phải được sự chấp thuận của Bộ Quốc Phòng.

MỚI - NÓNG
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
TPO - Ông Phan Văn Mãi giữ nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng đánh giá Đề án thí điểm chính sách khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung thực hiện Kết luận 14 của Bộ Chính trị.