Xe buýt đồng hành với phát triển vùng ngoại thành

Gần 30 tuyến buýt được mở mới trong 2 năm qua của Transerco hầu hết vươn ra các huyện mở rộng và đang phát huy hiệu quả.
Gần 30 tuyến buýt được mở mới trong 2 năm qua của Transerco hầu hết vươn ra các huyện mở rộng và đang phát huy hiệu quả.
TP - Thay vì tập trung trong khu vực nội đô, hầu hết các tuyến buýt được mở mới trong hai năm qua tại Hà Nội lại có nhiệm vụ vươn ra khu vực ngoại thành. Ðánh giá về việc này, Tổng Giám đốc Tổng Cty Vận tải Hà Nội (Transerco) Nguyễn Hoàng Trung (ảnh) cho rằng, nhiệm vụ này là để mang đến sự phát triển đồng đều, kéo gần khoảng cách giữa vùng nội và ngoại thành.

Người dân vẫn chia sẻ, đồng hành với buýt

Thưa ông thành phố vừa tổng kết 10 năm thực hiện mở rộng địa giới hành chính, ông cho biết, những kết quả, bài học phát triển xe buýt Hà Nội đã có được trong 10 năm qua?

So với các chiến lược, đề án phát triển thì chặng đường 10 năm chưa quá dài, nhưng thời gian đủ để thành phố nhìn lại và tổng kết những thành tựu đã đạt được, gắn với việc thực hiện chủ trương mở rộng địa giới hành chính thủ đô năm 2008. Hoạt động vận tải hành khách công cộng (VTHKCC) là một trong những yếu tố có tính tiên phong, dẫn đường, giữ vị trí quan trọng trong việc phát triển kinh tế xã hội gắn với quá trình hiện thực hóa chủ trương. Điều này được thể hiện rõ trong những quyết sách của lãnh đạo thành phố trong việc ưu tiên cho phát triển VTHKCC. Trong 10 năm qua, quy mô mạng lưới, năng lực phục vụ của xe buýt Hà Nội nói chung và Transerco nói riêng đã có sự phát triển mạnh mẽ, từ con số 60 tuyến xe buýt trợ giá với 941 xe buýt vào năm 2008, sau 10 năm số lượng này đã tăng lên thành 111 tuyến (tăng 85%) và 1.524 xe buýt (tăng 62%). Trong đó, Transerco có 94 tuyến với 1.267 xe, chiếm 85% quy mô khối lượng.

Tuy đã đạt được những kết quả bước đầu, song để đáp ứng được nhu cầu đi lại thực tế và sự kỳ vọng của lãnh đạo thành phố, xe buýt và bản thân các đơn vị vận hành còn phải làm rất nhiều việc. Nhưng nếu đề cập đến những kết quả, bài học kinh nghiệm trong suốt 10 năm qua chúng tôi thấy có 3 yếu tố cơ bản: Thứ nhất, thành phố luôn kiên định với cơ chế chính sách phát triển buýt, bố trí nguồn lực duy trì chính sách trợ giá, tiếp tục thực hiện cơ chế đặt hàng tạo điều kiện để hoạt động xe buýt của Hà Nội được ổn định và phát triển, đặc biệt, thành phố đã phê duyệt Đề án “Nâng cao chất lượng dịch vụ và phát triển hệ thống VTHKCC bằng xe buýt ở Hà Nội giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến năm 2025” và giao nhiệm vụ cho Transerco giữ vai trò doanh nghiệp vận tải chủ đạo để định hướng, dẫn dắt; Thứ hai, sự chủ động vào cuộc của doanh nghiệp VTHKCC; Thứ ba, sự đồng hành, chia sẻ và tham gia của người dân, hành khách đi xe buýt.

Ðể hoàn thành sứ mệnh, buýt vẫn phải “mua thói quen”

Việc phát triển xe buýt ra các khu vực mở rộng gặp rất nhiều khó khăn. Tuy nhiên trong hai năm qua, Transerco đã mở mới gần 30 tuyến, giúp buýt thành phố vươn đến 30/30 quận huyện, mục tiêu nào để Tổng Cty thực hiện được việc trên?

Xe buýt đồng hành với phát triển vùng ngoại thành ảnh 1

Sau hơn 10 năm phát triển số lượng tuyến và xe buýt Transerco đã tăng gần gấp đôi so với trước.

Nếu các năm trước việc phát triển buýt có mục tiêu chính là phục vụ nhu cầu đi lại của người dân trong nội đô - khu vực vốn đang có nhiều áp lực về đi lại, thì những năm gần đây, thành phố đã cho chủ trương để Transerco phát triển hệ thống tuyến buýt ra cho khu vực mới mở rộng. Đối với hầu hết khu vực ngoại thành việc phát triển mạng lưới VTHKCC gặp phải nhiều khó khăn, trong đó vấn đề cơ sở hạ tầng là một trong những trở ngại lớn. Do vậy chúng tôi luôn xác định, việc này là nhiệm vụ. Ngoài việc kết nối đi lại ở đây còn có nhiệm vụ gắn liền với việc thúc đẩy phát triển kinh kế xã hội khu vực ngoại thành. Thực hiện được các nhiệm vụ này sẽ đảm bảo các chế độ, chính sách an sinh của thành phố được triển khai đồng bộ, đến tận các vùng sâu, vùng xa, những địa phương còn khó khăn. Bên cạnh đó cũng từng bước góp phần kéo giảm khoảng cách giữa nông thôn với khu vực đô thị trung tâm, từng bước kiềm chế phương tiện cá nhân, giảm ùn tắc giao thông các khu vực cửa ngõ.

Cụ thể, với việc Transerco đã mở mới gần 30 tuyến buýt ra xa khu vực ngoại thành thời gian qua đã giúp thành phố xóa vùng trắng xe buýt, đảm bảo 100% các huyện ngoại thành được sử dụng xe buýt của thành phố; Tăng cường thêm các tuyến buýt kết nối các khu đô thị lớn, khu công nghiệp, bệnh viện, trường học, trung tâm thương mại, các đầu mối giao thông lớn như sân bay, nhà ga đường sắt… phục vụ nhu cầu đi lại của người dân; triển khai vận hành thí điểm tuyến xe buýt nhanh - BRT và tuyến buýt phát triển du lịch City Tour để tăng thêm đối tượng hành khách…

Theo kế hoạch thành phố, từ nay đến năm 2020 tất cả các tuyến buýt có trợ giá sẽ chuyển sang cơ chế đấu thầu. Để việc này hiệu quả, không xáo trộn, theo ông cần phải triển khai lộ trình thế nào?

Xe buýt đồng hành với phát triển vùng ngoại thành ảnh 2
 

Mục tiêu, nguyên tắc thực hiện đấu thầu các tuyến buýt là hướng tới giảm trợ giá và nâng cao chất lượng dịch vụ song đồng thời phải đảm bảo cho VTHKCC bằng xe buýt phát triển bền vững. Với tính chất của dịch vụ công ích phục vụ cộng đồng mang tính xã hội cao, việc “mua thói quen” để thu hút, người dân chấp nhận và sử dụng dịch vụ xe buýt cần có một quá trình, do vậy việc đảm bảo sự ổn định dịch vụ toàn mạng, tránh xáo trộn là rất cần thiết. Các chỉ tiêu tài chính đưa ra cần nghiên cứu đảm bảo để các doanh nghiệp tham gia cung cấp dịch vụ xe buýt duy trì hoạt động ổn định, có thể bảo toàn vốn và đủ nguồn lực để ngoài việc đầu tư đổi mới phương tiện còn đầu tư nâng cấp công nghệ, gia tăng tiện ích để duy trì và nâng cao chất dịch vụ phục vụ người dân.

Để chủ trương trên thực hiện hiệu quả, công tác tổ chức triển khai đấu thầu phải được cân nhắc, tính toán gắn hiệu quả trợ giá với hiệu quả xã hội mà hệ thống vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt mang lại từ việc thu hút người dân tăng cường sử dụng phương tiện công cộng và hạn chế sử dụng phương tiện cá nhân...

Ngoài ra, để đảm bảo hiệu quả chung tránh lãng phí nguồn lực xã hội, kế hoạch đấu thầu cho từng tuyến buýt cần xem xét gắn với tiến độ đưa vào khai thác, vận hành các loại hình VTHKCC khác, trước mắt là tuyến đường sắt trên cao 2A (Cát Linh - Hà Đông) chuẩn bị đi vào hoạt động. Các yếu tố ảnh hưởng cần được tính toán để xây dựng lộ trình đấu thầu các tuyến buýt cho phù hợp.

Trân trọng cảm ơn ông!

MỚI - NÓNG