Xe hợp đồng trá hình hết đất sống?

Trên 350 xe vi phạm trong đó có 14 xe hợp đồng trá hình được CSGT “nhốt” sau gần một tháng xử lý. Ảnh: Anh Trọng.
Trên 350 xe vi phạm trong đó có 14 xe hợp đồng trá hình được CSGT “nhốt” sau gần một tháng xử lý. Ảnh: Anh Trọng.
TP - Chạy vào các tuyến phố cấm để đón trả khách nhưng nhiều xe hợp đồng khi bị kiểm tra không có hợp đồng, phù hiệu hoạt động. Sau gần một tháng ra quân, CSGT Hà Nội đã xử lý trên 350 trường hợp xe khách hợp đồng vi phạm, tạm giữ 14 xe, tước 329 bộ giấy tờ. 

“Nhốt” nhiều xe trá hình

Chiều 14/4, sau khi nhận được thông tin báo của trinh sát, trên tuyến đường dẫn lên cầu Vĩnh Tuy phía quận Long Biên (Hà Nội) đang có nhiều xe khách đeo biển “Xe hợp đồng” hoạt động, tổ công tác của Phòng CSGT Hà Nội (PC67) do Thượng úy Nguyễn Trung Kiên, Tổ trưởng đã triển khai kiểm tra, xử lý. Trong khoảng thời gian từ 14h đến 14h30, tổ công tác phát hiện và dừng kiểm tra gần 10 trường hợp xe khách đeo biển “Xe hợp đồng” chạy qua, kết quả phát hiện nhiều xe vi phạm.

Kiểm tra xe khách hợp đồng có BKS 30H-3820 chạy từ đường dẫn cầu Vĩnh Tuy (Long Biên) về hướng trung tâm Hà Nội, lái xe và chủ xe bất hợp tác. Tổ công tác lên được xe kiểm tra, phát hiện trên xe chở 15 khách, hợp đồng vận chuyển khách theo quy định bị lập khống. Tên nhiều hành khách trên xe và giờ hoạt động của xe cũng không khớp với tên và thời gian ghi trong hợp đồng vận chuyển. Tổ công tác đã lập biên bản xử lý vi phạm xe 30H-3820.

Theo khảo sát của các tổ công tác xử lý xe hợp đồng trá hình của Phòng CSGT Hà Nội, hiện các khu vực phố đường dẫn cầu Vĩnh Tuy, phố Cổ, hồ Hoàn Kiếm, ga Hà Nội, các tuyến đường qua các bến xe Lương Yên, Mỹ Đình, Giáp Bát, Gia Lâm, Yên Nghĩa và một số tuyến đường vành đai và hướng tâm như Trần Nhật Duật, Trần Quang Khải, Lạc Long Quân, Âu Cơ, Láng, Nguyễn Khoái, Nguyễn Văn Cừ, Phạm Hùng, Khuất Duy Tiến, Nguyễn Trãi, Giải Phóng… là những tuyến đường đang có xe khách hợp đồng trá hình hoạt động nhiều nhất.

Trên các khu vực này, từ ngày 26/3 đến nay, các tổ công tác của PC67 đã xử lý hàng trăm xe vi phạm, “nhốt” 14 xe. Thậm chí trong quá trình xử lý, các tổ công tác còn phát hiện không chỉ xe hợp đồng vi phạm, mà nhiều xe khách cũng trá hình để vào các tuyến đường nội đô đón, trả khách. Ví như ngày 8/4 tổ công tác đã phát hiện xe khách 17B-01243 của nhà xe Kumho Giỏi Hoa chạy tuyến Thái Bình - Hà Nội làm giả giấy phép vào phố cấm để đón trả khách; ngày 11/4, tổ công tác phát hiện các xe khách có BKS 89B - 00773, 29S-9876 sơn màu và thiết kế kiểu dáng giống hệt xe buýt Hà Nội để vào các điểm dừng đỗ xe buýt bắt khách.

Nhiều quan chức can thiệp

Qua những buổi phối hợp với các tổ công tác của Phòng CSGT đi ghi nhận quá trình kiểm tra, xử lý xe vi phạm, PV Tiền Phong thấy rằng, ngoài khó khăn do lái, chủ xe bất hợp tác, tổ công tác còn gặp rất nhiều khó khăn do bị nhiều cán bộ, quan chức trên nhiều lĩnh vực  gọi điện, tác động nhằm xin xe vi phạm. Ngay chiều 14/4, khi tổ công tác của Phòng CSGT Hà Nội đang xử lý xe khách hợp đồng BKS 30H-3820 vi phạm tại đường dẫn cầu Vĩnh Tuy, tổ trưởng Nguyễn Trung Kiên nhận được thoại của một lãnh đạo xin cho xe 30H-3820. Nói về việc này, thiếu úy Kiên cho rằng tổ công tác gặp thường xuyên và thường rất khó xử.

Ngoài khó khăn do lái, chủ xe bất hợp tác, tổ công tác còn gặp rất nhiều khó khăn do bị nhiều cán bộ, quan chức trên nhiều lĩnh vực  gọi điện, tác động nhằm xin xe vi phạm.

“Xuất phát từ thực tế trên, từ ngày 26/3 vừa qua PC67 đã triển khai Kế hoạch số 27, tập trung kiểm tra, xử lý xe ô tô vận chuyển hành khách hoạt động dưới hình thức xe hợp đồng trá hình vi phạm Luật Giao thông đường bộ”, Thượng tá Nguyễn Thanh Hải, Phó trưởng Phòng CSGT Hà Nội nói.

Theo ông Hải, rút kinh nghiệm từ các kế hoạch trước đây, lần này, thay vì mỗi Đội CSGT tại các quận nội thành lập ra một tổ xử lý thì Phòng CSGT thành lập ra một tổ công tác trực tiếp do Phó trưởng Phòng chỉ đạo. Mục đích là để kế hoạch xử lý thông suốt, khách quan và không bị chi phối bởi các mối quan hệ cấp, ngành. “Thực tế sau hơn 10 ngày triển khai, kế hoạch đã đạt được những kết quả ban đầu khi tình trạng xe khách chạy vào phố cấm, chạy xuyên tâm đã giảm rõ rệt”, ông Hải đánh giá.

Về việc các tổ công tác xử lý xe khách hợp đồng trá hình thường bị tác động của nhiều quan chức, ông Hải thừa nhận là có, thậm chí ông cũng bị cán bộ phường, quận và cấp cơ sở trong ngành điện thoại đến “xin xỏ” cho xe vi phạm. Tuy nhiên, lãnh đạo PC67 Hà Nội cho biết, đây là kế hoạch đã được lãnh đạo thành phố, Ban Giám đốc Công an thành phố cho chủ trương nên đã quán triệt tổ công tác phải xử lý nghiêm, dứt điểm và không tha trường hợp vi phạm nào.

MỚI - NÓNG
Hà Nội: Một quận có tới 12 trường ngoài công lập
Hà Nội: Một quận có tới 12 trường ngoài công lập
TPO - Ở bậc THPT, Hà Nội hiện có hơn 100 trường tư thục. Trong đó, Quận Nam Từ Liêm có số lượng nhiều nhất với 12 trường. Mức học phí các trường từ 1,8 triệu đồng/ tháng đến gần 600 triệu đồng/ tháng. Tuy nhiên, năm học 2024-2025, chỉ có 9 trường được Sở GD&ĐT Hà Nội giao chỉ tiêu tuyển sinh lớp 10. 
Cảnh báo 'sốt ảo' đất vùng ven Hà Nội, hành vi chiếm đất bị phạt đến 1 tỷ đồng
Cảnh báo 'sốt ảo' đất vùng ven Hà Nội, hành vi chiếm đất bị phạt đến 1 tỷ đồng
TPO - Đất nền vùng ven Hà Nội tăng giá, chuyên gia cảnh báo 'sốt ảo'; Chủ đầu tư dự án bất động sản nợ thuế, loạt lãnh đạo bị tạm hoãn xuất cảnh; Lãnh đạo 'xộ khám', loạt dự án bất động sản thay tên đổi chủ; Chiếm đất, hủy hoại đất bị phạt đến 1 tỷ đồng... là những thông tin hot về BĐS đáng chú ý tuần qua.