2/9

Ðể Hà Nội xanh, văn hiến, văn minh, hiện đại

Một góc Hà Nội nhìn từ trên cao. Ảnh: Như Ý.
Một góc Hà Nội nhìn từ trên cao. Ảnh: Như Ý.
TP - Nguyên thứ trưởng Bộ Xây dựng Trần Ngọc Chính, người trực tiếp chỉ đạo xây dựng bản Quy hoạch Thủ đô Hà Nội mở rộng, chia sẻ với Tiền Phong về những điều tâm đắc và cả những trăn trở, day dứt về một Hà Nội tương lai.

Ông Chính nói, khi nhận nhiệm vụ lập Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô, tôi cùng với anh em nghiên cứu mở rộng thủ đô theo các tiêu chí: đủ quỹ đất để phù hợp với yêu cầu phát triển thủ đô, đất phải cao ráo, đủ điều kiện có cảnh quan tốt, kết nối các địa phương với Hà Nội.

Linh hồn của đô thị là xanh, hiện đại

Sau hơn 7 năm triển khai Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng phê duyệt, ông tâm đắc nhất nội dung gì?

Theo tôi, linh hồn và cái đạt được của quy hoạch này là đã xây dựng được một ý tưởng rất phù hợp với Hà Nội, đại đô thị với quan điểm phát triển là xanh, văn hiến, văn minh, hiện đại. Xây dựng thủ đô trước hết là xanh, tỷ lệ 70 - 30 như nói trên, tức là phần cây xanh mặt nước chiếm 70 và phần đất xây dựng đô thị chỉ chiếm 30 phần trăm. Văn hiến là phù hợp với thủ đô hơn nghìn năm tuổi. Tiếp đến là phải văn minh, hiện đại. Vì thế tính văn hiến, văn minh, hiện đại đi với nhau, nhưng trước hết là phải xanh. Khu Ba Đình và khu đô thị Pháp, khu phố cổ, thành cổ trở thành điểm lõi phải bảo vệ và tôn tạo trong quá trình phát triển thủ đô. Để giữ gìn không gian xanh, các tác giả của đồ án nghiên cứu đưa tất cả dòng sông quan trọng của Hà Nội vào hành lang xanh, khép nối với nhau bằng một khung đô thị rõ ràng mà phần chính là hệ thống giao thông. Từ vành đai 1 đến vành đai 2, rồi vành đai 3, vành đai 4 ôm Hà Nội; vành đai 5 nối tất cả các đô thị vệ tinh trong vùng thủ đô. Quy hoạch đề ra 5 vành đai và tuyến xuyên tâm rất rõ ràng. Hà Nội Hải Phòng theo 2 hướng quốc lộ 5 mới và 5 cũ. Hà Nội- Bắc Ninh đi theo đường 1 cũ và đường mới. Hà Nội- Thái Nguyên, Hà Nội- Lào Cai, Hà Nội- Ba Vì, Hà Nội- Sơn Tây, Hà Nội-Phủ Lý rất mạch lạc...

Không gian đô thị được xác định: đô thị trung tâm là từ vành đai 3 trở vào, đó là đô thị lõi. Từ vành đai 3 trở vào còn một lõi nữa là trung tâm phố cổ, phố cũ, đô thị lịch sử để bảo tồn giá trị văn hiến. Từ vành đai 3 trở ra là khu đô thị phát triển. Thêm 5 đô thị vệ tinh nằm ở phía rìa Hà Nội gồm Sóc Sơn, Sơn Tây, Hòa Lạc, Xuân Mai, Phú Xuyên. Ở giữa có 2 khu sinh thái, cảnh quan đẹp, đô thị sinh thái ở Chúc Sơn và Phúc Thọ. Bộ khung giao thông đường bộ trong quy hoạch được xác định rất rõ, trong đó đã tính đến giao thông đường sắt nội đô, kết nối các đô thị vệ tinh.

Đã qua hơn 7 năm thực hiện, không ít chuyên gia cho rằng từ bức tranh quy hoạch đến thực tiễn triển khai đang gặp nhiều vướng mắc, chậm trễ ?

Ðể Hà Nội xanh, văn hiến, văn minh, hiện đại ảnh 1
 

Báo chí và người dân cũng có nhận xét như thế. Thời gian qua, Hà Nội có thành tựu trong việc ổn định an sinh xã hội, về mặt đô thị đã hoàn thiện hệ thống giao thông phía trong, nhất là những chỗ kết nối các đường vành đai, làm được nhiều cầu vượt; làm thêm nhiều tuyến đường vành đai 2, kết nối lên Láng - Hòa Lạc đi cầu Nhật Tân. Vành đai 3 đang tiếp tục làm. Nổi bật nhất là xây được cầu Nhật Tân, kết nối Nhật Tân với Nội Bài qua đường Võ Nguyên Giáp là đường cửa ngõ huyết mạch của Thủ đô.

Tôi đánh giá cao chính là hệ thống sông ngòi trong nội đô như sông Tô Lịch, Lừ, Sét, Kim Ngưu. Tất cả những dòng sông ấy cách đây không lâu rất ô nhiễm, gần như không chảy giờ đã kè hai bên, thành đường đi, ô nhiễm đã giảm nhiều. Chương trình một triệu cây xanh rất ấn tượng, cây phát triển rất đẹp trên nhiều tuyến phố. Thành phố thu hút đầu tư xây dựng công viên lớn như Công viên Kim Quy, Trung tâm hội chợ quốc tế, khu đô thị thông minh trên đường Nhật Tân-Nội Bài. Chất lượng đô thị thay đổi khi có những khu đô thị rất ấn tượng... Hà Đông đã trở thành khu vực có tốc độ phát triển đô thị nhanh nhất.

Bên cạnh đó không thể không kể đến nỗi đau trong phát triển đô thị đó chính là đường sắt còn quá lạc hậu, đường sắt đô thị triển khai quá ì ạch, mười năm rồi mà chưa chạy được tàu!

Không thể bắt người dân bay lên cao

Ông có thể nói rõ hơn các thách thức đang đặt ra trong phát triển đô thị, thực hiện quy hoạch Hà Nội?

Điều đầu tiên tôi muốn nói, đó là bay lên cao thì mới nhìn thấy được sự phát triển rất rõ, chứ đi dưới đất thì thấy rất khó chịu và nhếch nhác. Rõ ràng không thể bắt người dân và du khách bay lên trời nhìn Hà Nội như thế nào. Quy hoạch là thế nhưng thực tiễn quản lý và thực hiện vẫn manh mún, vẫn “chạy theo” doanh nghiệp. Nhà nước chỉ làm hạ tầng kết nối còn công trình dự án phải sớm có chính sách huy động được doanh nghiệp tham gia.

Hiện Hà Nội vẫn còn 21 khu chung cư 5 tầng cũ xây từ những năm 70 - 80 như Giảng Võ, Thành Công, Trung Tự, Kim Liên... bây giờ xập xệ, xuống cấp ảnh hưởng tính mạng người dân. Cơ chế thu hút đầu tư vào đây rất chậm và không hấp dẫn.

Rồi việc có đường Tố Hữu, Lê Văn Lương, trong quá trình xây dựng mật độ cao ốc quá dày và chiều cao vượt quy hoạch. Đường xương cá còn rất thiếu nên không kết nối được, gây ùn tắc trên các trục đường lớn. Theo quy hoạch, đường xương cá rất nhiều nhưng chậm triển khai. Theo tôi, không thể một thành phố 7 - 8 triệu dân lại đi bằng xe máy. Xe máy chiếm diện tích giao thông tới hơn 80%, ra đường là gặp xe máy thì mở rộng gấp 4 lần cũng kẹt, cũng tắc. Để hình ảnh đô thị đẹp hơn, giảm ùn tắc thì phải đầu tư mạnh cho giao thông và dần phải cấm xe máy trong nội đô.

Một vấn đề nữa của Hà Nội là cứ mưa thì ngập. Cái nữa là giữ gìn vệ sinh quá kém, nilon rồi rác thải trôi ra khiến đường ống nước thải bị tắc, tê liệt. Hà Nội đang là đại công trường, chỗ nào là công trường thì chỗ ấy bê bết, bụi bặm, nhất là làm cho tất cả hệ thống kênh mương thoát nước bị kẹt hết.

Thời gian qua, hàng loạt các vụ vi phạm trật tự xây dựng nghiêm trọng xảy ra gây nhức nhối dư luận. Theo ông là do quy hoạch thiếu, chậm hay do khâu giám sát còn yếu?

Xảy ra các vụ việc ấy chúng ta đổ lỗi cho ai? Nói như thế để thấy rằng doanh nghiệp làm theo tính chất  phục vụ nhà nước và phục vụ cho chính doanh nghiệp. Doanh nghiệp phải có lợi nhuận thì mới làm, chẳng ai làm không cho ai cả. Nhiệm vụ của người quản lý là phải giúp cho doanh nghiệp phát triển nhưng lợi ích chung của cộng đồng vẫn được bảo vệ.

“Bay lên cao thì nhìn thấy được sự phát triển rất rõ, chứ đi dưới đất thì thấy rất khó chịu và nhếch nhác. Rõ ràng không thể bắt người dân và du khách bay lên trời nhìn Hà Nội như thế nào. Quy hoạch là thế nhưng thực tiễn quản lý và thực hiện vẫn manh mún, vẫn “chạy theo” doanh nghiệp”.

Nguyên thứ trưởng Bộ Xây dựng Trần Ngọc Chính, người trực tiếp chỉ đạo xây dựng bản Quy hoạch Thủ đô Hà Nội mở rộng.

MỚI - NÓNG