2 cái phích nước và 4 số phận bị treo oan

2 cái phích nước và 4 số phận bị treo oan
Do sự tắc trách của các cơ quan tố tụng, 4 công dân bị bắt và kết án sai trong một vụ án 20 năm trước đã không được minh oan. Và họ buộc phải sống với nhiều nỗi đắng cay, thiệt thòi...

Mới ở tuổi ngoài 40, nhưng Phạm Thanh Xuân, người xã Cao Xá, huyện Lâm Thao (Phong Châu cũ), tỉnh Phú Thọ, nhìn như một ông lão. Lưng gù, vẻ thiếu tự tin. Giọng trầm buồn, anh Xuân kể lại chuyện xảy ra với anh và ba người bạn đồng niên cùng xã, 20 năm về trước, nay vẫn chưa có hồi kết - một vụ án lạ lùng, hi hữu.

Vụ án “2 phích nước”

Chuyện của bốn người xã Cao Xá này bắt đầu từ vụ án nhà ông Tuần ở trong xã bị mất trộm 2 cái phích nước đêm 4/7/1984. Ngày ấy, phích nước còn là vật dụng đắt tiền trong nhà. Công an huyện Phong Châu lập tức về điều tra và nhanh chóng bắt Cao Quang Chung, một thanh niên mới xuất ngũ về địa phương.

Chung bị “nhắm” là nghi can vì hồi thiếu niên vẫn có tật “táy máy trộm vặt”. Dân làng thán phục khen ngợi những người phá án nhanh chóng. Dân làng cũng bị bất ngờ vì sau đó, Phạm Thanh Xuân và hai người bạn thân của anh là Hoàng Mạnh Tấn, Tạ Gia Tĩnh, những người cũng từng trải qua quân ngũ vốn tiếng hiền lành, cũng bị bắt. Công an nói, Chung đã khai ba anh là đồng phạm.

Cả bốn người cùng kêu oan nhưng vẫn bị truy tố. Phiên tòa sơ thẩm ở huyện Phong Châu ngày 16/11/1984 đã phạt họ tổng cộng 57 tháng tù giam (bản án số 04ST-HS). Bốn bị cáo gào lên kêu oan, họ kháng án, và kêu rằng phải nhận tội tại cơ quan điều tra là vì bị ép cung…

Thời gian bị tạm giam chờ xử phúc thẩm, ngày 20/4/1985, bốn bị cáo bỗng nhận lệnh tạm tha. Họ vui mừng vì được thả về. Mãi sau, họ mới hay một sự thật hết sức đặc biệt: Trong khi “chờ được giải oan” ở phiên xử phúc thẩm, thì tháng 3/1985 trong một vụ án khác, công an huyện Phong Châu bắt đối tượng Nguyễn Văn Tiến ở xã bên (xã Sơn Vi).

Tiến còn khai hắn là thủ phạm vụ trộm 2 cái phích nọ của nhà ông Tuần! Để kiểm chứng, Tiến được dẫn giải về xã Cao Xá để hắn chỉ ngôi nhà đã thực hiện vụ trộm 2 phích nước, Tiến đã chỉ vào đúng nhà ông Tuần (việc này, còn có Trưởng Công an xã Sơn Vi thời đó xác nhận vào một văn bản.

Mới đây, ông Sỹ, nguyên Bí thư Đảng ủy xã Sơn Vi và ông Lộc, nguyên Trưởng Công an xã Sơn Vi đã xác nhận thêm lần nữa với PV Tiền Phong). Sau vụ này, Tiến bị tòa phạt tù  24 tháng, cho hưởng án treo.

Vụ án Chung-Xuân-Tấn-Tĩnh được xử phúc thẩm lên TAND tỉnh Vĩnh Phú ngày 16/11/1985. Kết thúc tòa, HĐXX chẳng tuyên ai có tội hay không, mà chỉ là: “Chưa đủ căn cứ để kết tội các bị cáo Chung-Xuân-Tấn-Tĩnh như bản án sơ thẩm số 04 ngày 16/11/1984 đã quy kết. Hủy toàn bộ bản án hình sự sơ thẩm, giao cho TAND huyện Phong Châu xét xử lại theo trình tự tố tụng sơ thẩm về hình sự từ giai đoạn điều tra với thành phần của HĐXX mới”.

Vẫn găm trong mình lệnh tạm tha, bốn anh nặng nề lê bước về quê. Họ chờ ngày được minh oan, khỏi mang tiếng tù tội với gia đình, hàng xóm. Oái oăm, hơn 20 năm qua, không phiên tòa nào xét xử họ nữa!(?)

2 cái phích nước và 4 số phận bị treo oan ảnh 1
Anh Cao Văn Chung : “Chúng tôi mong được ra tòa!”         

Hơn 20 năm, vẫn là bị cáo!

Mấy năm qua, sau nhiều lần bốn anh làm đơn kêu oan lên tỉnh, TAND tỉnh Phú Thọ mới hỏi xuống tòa huyện Phù Ninh (tòa huyện Phong Châu cũ) về vụ án, thì được trả lời: “Những người xét xử vụ án ngày ấy giờ đã về hưu hoặc chết.

Còn hồ sơ của những vụ án từ năm 1985 trở về trước đã bị cháy trong lần hỏa hoạn ở phòng lưu trữ của Tòa cuối năm 2001. Và chúng tôi cũng chẳng biết hồ sơ vụ án này đã được chuyển về tòa Phong Châu hay chưa!”.

Đáng tiếc, tòa huyện Phù Ninh không thể nói rõ “từ năm 1985 trở về trước” cụ thể là từ ngày tháng nào? (Theo thời gian vụ án này, ngày 16/11/1985 mới xử phiên phúc thẩm ở tỉnh Vĩnh Phú. Như nói ở trên, tòa tỉnh đã chuyển hồ sơ vụ án xuống toà huyện sau phiên phúc thẩm).

Vậy, hồ sơ vụ án đã bị cháy “từ trước năm 1985”? Mới đây, ông Lê Hữu Thể, Viện trưởng VKSND tỉnh trả lời Tiền Phong: “Lật lại án văn vụ này thì đúng là hồ sơ sau phiên xử phúc thẩm đã chuyển đi tòa cấp dưới, còn nó đến nơi chưa thì… không rõ! Có thể bị thất lạc trên quãng đường từ tòa tỉnh về tòa huyện, hoặc một nguyên nhân nào khác!(?)”.

Nhiều tháng nay, anh Xuân rong ruổi mỏi mệt đến các cơ quan Tỉnh ủy, UBND, VKSND và TAND tỉnh Phú Thọ đề nghị xem xét lại vụ án và mong sớm được đưa ra xét xử theo phán quyết của bản án phúc thẩm ở tòa tỉnh Vĩnh Phú đã có hiệu lực pháp luật. Nhưng anh và các “bạn tù” chỉ còn biết tiếp tục mỏi mệt chờ đợi.

Ngày 22/4, ông Tạ Gia Lương - Chánh tòa hình sự TAND tỉnh đã tiếp anh Xuân, ông “ủy quyền cho anh Xuân đi đến các cơ quan đề nghị xét xử lại vụ án”, và nói: “Chúng tôi sẽ báo cáo lãnh đạo để trả lời những khiếu nại của anh Xuân”.

Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hữu Điền tại hội nghị giao ban nội chính quý 1 năm 2005 đã kết luận: “Đối với đơn khiếu nại của các ông Xuân-Chung-Tấn-Tĩnh, yêu cầu TAND tỉnh xem xét lại hồ sơ vụ án và có biện pháp giải quyết, báo cáo lên Tỉnh ủy kết quả”. Còn đơn khiếu nại của anh Xuân, sau khi gửi đến những cơ quan ở tỉnh và TW (trong đó có VKSND tối cao), tất cả đều chuyển về các cấp tỉnh Phú Thọ để được “xem xét giải quyết”. Cứ như vậy, cuộc “hành xác” đi gõ hỏi khắp nơi của anh Xuân chưa có hồi kết!

4 số phận tạm tha…

Hơn 20 năm, cuộc sống của bốn số phận ấy thay đổi rất nhiều, nhưng “Lệnh tạm tha” từ vụ án kia vẫn… vậy! Ra tù, Tấn và Tĩnh được cơ quan cũ nhận trở lại. Xuân và Chung bị làng xóm dè bỉu, chẳng ai muốn chơi, muốn gần “thằng đi tù về”.

Xuân lang thang TP Việt Trì, tình cờ quen cô công nhân nhà máy Dệt. Hồi ấy anh giấu chuyện đi tù, thế là may mắn có vợ, rồi rời quê xuống khu tập thể nhà máy “ở rể” cho khuất mắt người làng.

Anh Xuân làm đủ việc, hôm thì phụ hồ xây, lúc đi mót cám cưa đốt bếp. Đứa con trai đang học lớp 11, đôi mắt nó buồn thẳm chẳng mấy khi cười. Khu phố ấy, không đoàn thể nào đưa anh vào sinh hoạt. Họ lờ quên vì từ lâu anh chẳng có mảnh giấy nhân thân nào.

Hai mươi năm trước, sau khi nhận lệnh tạm tha, hiểu biết pháp luật còn hạn chế, bốn anh cũng đã có lúc tự an ủi “được tha về nhà thế này là tốt”.

Anh Chung vẫn ở quê trong căn nhà ông bà để lại. Vợ chồng anh làm ruộng. Anh đi làm thêm, khi phụ hồ, khi làm mộc, lúc nuôi vịt lằng nhằng. Niềm vui lớn của nhà anh là đứa con trai đầu học rất giỏi và thi đỗ vào Học viện Quân y.

Nói về con, anh Chung vui hân hoan nhưng bỗng rồi mắt anh ngấn giọt: “Nó bảo tôi, nhà trường chưa thể xét kết nạp Đảng cho nó vì lý lịch của bố “có vấn đề”. Thương con quá, chịu vậy. Bao năm rồi, xã có cho tôi vào Hội cựu chiến binh đâu? Đứa con gái thứ hai làm thợ may ở thành phố mới gửi về chiếc xe máy mới. Nhưng tôi đâu dám đi vì không có chứng minh thư để làm bằng lái”…

Bốn anh vẫn về thăm nhau. Họ ủy quyền cho anh Xuân đi “đòi” được minh oan vì anh… thạo luật hơn. Anh Xuân nói với PV Tiền Phong: “Vị thẩm phán xử phiên phúc thẩm ngày xưa, giờ đã là Chánh án TAND tỉnh, còn vị cán bộ điều tra xét hỏi ở Công an huyện Phong Châu ngày ấy, giờ đã là một Phó phòng PC16 Công an tỉnh. Bọn tôi cũng nản vì các ông ấy làm chức to, nay vướng lắm!”.

Còn anh Xuân mắt nhìn xa xăm, u uất: “Mong một lần được minh oan để có lại quyền công dân. Con cái giờ khôn lớn, chúng tôi phải có trách nhiệm xóa đi mặc cảm của chúng trước bạn bè và xã hội, cũng là để chúng tôi được sống thanh thản đến già chứ…”.

Mới đây, Tỉnh ủy Phú Thọ đã giao cho TAND tỉnh báo cáo lên TAND tối cao, xin ý kiến chỉ đạo giải quyết vụ việc. TAND tỉnh cho biết hiện đang khẩn trương nghiên cứu để báo cáo lên trên, sớm có cách giải quyết, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của công dân.

Mong rằng sẽ có phán quyết đúng, cách xử thấu tình đạt lý dẫu đã là muộn, để mang lại niềm vui cho gia đình, con cái của bốn anh Xuân-Chung-Tấn-Tĩnh, để vụ án “2 phích nước” thực sự lùi quên vào dĩ vãng, cũng là để người dân vững tin hơn vào cách ứng xử của chính quyền…

MỚI - NÓNG
Cựu Giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học TPHCM bị cáo buộc nhận hối lộ 14,4 tỷ đồng
Cựu Giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học TPHCM bị cáo buộc nhận hối lộ 14,4 tỷ đồng
TPO - Cơ quan điều tra cáo buộc, bị can Dương Hoa Xô có trách nhiệm thực hiện đúng các quy định của pháp luật để triển khai mua sắm thiết bị, song quá trình thực hiện, ông chỉ đạo cấp dưới "thông đồng" với Công ty AIC để nâng khống giá gây thiệt hại cho Nhà nước. Đổi lại, bị can được phía AIC hối lộ 14,4 tỷ đồng.