Xét xử vụ phá nhà dân ở hồ Ba Mẫu – Hà Nội:

4 năm tù giam cho Ngọc 'xa lộ'

4 năm tù giam cho Ngọc 'xa lộ'
TP - Tạ Hồng Ngọc tức Ngọc “xa lộ”, người cầm đầu nhóm côn đồ phá dỡ nhà dân, chịu mức án 4 năm tù (thấp hơn đề xuất 5 đến 6 năm tù của công tố viên). Ngọc sẽ còn phải ra toà trong một vụ án khác, với tội danh bắt giữ người trái pháp luật.
4 năm tù giam cho Ngọc 'xa lộ' ảnh 1
Ngọc “xa lộ”, kẻ cầm đầu băng côn đồ phá nhà dân ở hồ Ba Mẫu tại tòa

Hôm qua, TAND TP Hà Nội đã tuyên đọc bản án sơ thẩm vụ án Ngọc “xa lộ” và 11 đồng phạm phá nhà dân ở hồ Ba Mẫu - Hà Nội. HĐXX đã tuyên mức hình phạt tù có nhiều thay đổi so với đề xuất của công tố viên ngày hôm trước.

Nguyễn Việt Sơn, người đã bỏ tiền thuê côn đồ huỷ hoại tài sản người khác, chịu mức án 3 năm tù giam (đề xuất của công tố viên là 3 năm tù treo). Nguyễn Tâm Tuệ, người “đóng thế” không thành lĩnh 9 tháng tù giam cho tội khai báo gian dối (đề xuất của công tố viên là 9 đến 10 tháng tù treo).

Cựu Trung tá CA Dương Bích Thủy chịu mức án 15 tháng tù giam, trong khi mức đề xuất của công tố viên là 10 đến 12 tháng tù giam. Như vậy, sau phiên toà này, Dương Bích Thủy vẫn phải tiếp tục bị tạm giam, chưa thể được trả tự do ngay như dự đoán của nhiều người.

Các bị cáo đã lĩnh án, nhưng vẫn còn nổi cộm nhiều câu hỏi đặt ra từ vụ án: Nguyên nhân từ đâu mà gia đình bị cáo Nguyễn Việt Sơn phải thuê côn đồ phá dỡ nhà của gia đình anh Nguyễn Việt Dũng?

Đi sâu vào hồ sơ vụ án, người ta thấy còn hàng loạt tình tiết đáng buồn khác trong vụ án này. Hóa ra trước khi bị phá dỡ, gia đình anh Nguyễn Việt Dũng cũng đã phải nhờ đến một “băng” từng vào tù ra tội do đối tượng Lê Danh Hiền tức Hiền “lăng” cầm đầu, để bảo vệ ngôi nhà cấp 4 xây trên khu đất đang có tranh chấp. Như vậy là cả hai phía - bị cáo và bị hại - của vụ án đều đã phải cậy nhờ đến các băng nhóm côn đồ!

Vì sao họ không làm đơn thưa đến các cơ quan chính quyền và cơ quan pháp luật? Thực tế họ đã gửi rất nhiều đơn đến chính quyền phường Trung Phụng, trong suốt nhiều năm trời. Phường chỉ tổ chức “hòa giải”, nhưng không thành, rồi... mặc kệ.

Hồ sơ của vụ án cũng cho thấy, khi gia đình anh Dũng xây bờ tường, và sau đó là xây căn nhà cấp 4 trên khu đất đang có tranh chấp, UBND phường sở tại đã có biên bản yêu cầu đình chỉ, dỡ bỏ. Thế nhưng những yêu cầu này cũng chỉ nằm trên giấy.

Trước toà, luật sư của bị cáo Nguyễn Việt Sơn đã nộp cho HĐXX những tấm ảnh chụp chiếc xe ô tô của Sơn bị kẻ xấu (nghi là người phía nhà anh Dũng) ném cho móp mép, anh Sơn đã có đơn trình báo cơ quan điều tra, song đến nay vụ việc vẫn chưa được làm rõ.

Có thể thấy, cả bên bị cáo và bên bị hại trong vụ án này đều đã trông cậy vào các cơ quan chính quyền và cơ quan pháp luật, trước khi tìm đến các biện pháp bị nghiêm cấm. Nhắc lại những chuyện này không phải để cho rằng ai đó được phép sử dụng “luật rừng” thay cho pháp luật, mà chỉ để khẳng định một điều xưa như trái đất, rằng ở đâu luật pháp không đủ mạnh, ở đó luật rừng sẽ có cơ hội trỗi dậy.

Một vấn đề nữa nổi cộm trong vụ án này, đó là băng nhóm côn đồ ngang nhiên hủy hoại tài sản người khác với sự tiếp tay của một cán bộ CA. Sự việc này làm người ta nhớ lại vụ án Năm Cam ngày nào.

Một khi khiếu nại, tố cáo của người dân không được giải quyết kịp thời, dứt điểm, một khi cán bộ cơ quan pháp luật làm ngơ, thậm chí tiếp tay cho tội phạm, thì những vụ án như vụ “phá nhà dân ở hồ Ba Mẫu” sẽ là hậu quả khó tránh khỏi. 

MỚI - NÓNG