6000USD “mua” suất… ngồi tù ở Đài Loan

6000USD “mua” suất… ngồi tù ở Đài Loan
Tin theo chương trình “tái định cư”, chị Vũ Thị Nhan ở Hải Dương đã đóng cho “cò mồi” 6000 USD. Khi sang đến nơi mới biết mình bị lừa. Sau một thời gian làm "lậu", chị Nhan cùng 9 người khác đã bị cảnh sát Đài Loan bắt giam.
6000USD “mua” suất… ngồi tù ở Đài Loan ảnh 1

Những lao động Việt Nam làm việc bất hợp pháp bị giam giữ ở trại Tam Hiệp.

Với tâm trạng đầy lo âu, anh Vũ Quang Hưng, em trai chị Vũ Thị Nhan (ở Phao Sơn, Phả Lại, Chí Linh, Hải Dương), một trong 10 người bị Cảnh sát Đài Loan bắt giữ, kể lại hành trình sang Đài Loan của chị mình.

Tháng 12/2005, chị Nhan được một “cò mồi” ở Hà Nội quảng cáo về chương trình “tái định cư” dành cho các đối tượng từng đi làm việc ở Đài Loan trở về, có hộ chiếu và còn thẻ cư trú cũ. Chỉ cần làm thêm 1 hộ chiếu mới và khi xuất cảnh sẽ mang theo cả 2 hộ chiếu.

Từng đi giúp việc gia đình ở Đài Loan, sau khi hết hạn hợp đồng, về nước không tìm được việc làm nên chị Nhan cũng muốn được quay lại Đài Loan lần nữa. Cuối tháng 12/2005, chị Nhan được đưa tới số nhà 31 phố Trung Kính (Cầu Giấy, Hà Nội), có treo biển Cơ sở đào tạo của Công ty May và XKLĐ Phú Thọ, để làm thủ tục.

Tại đây, chị Nhan được thông báo phải nộp 6.000 USD phí xuất cảnh và sẽ sang Đài Loan làm việc trong một nhà máy điện tử với mức lương 24.000 đài tệ (650USD/tháng), thời gian làm việc là 2 năm. Trong 2 năm đó, công ty môi giới sẽ trừ tiếp 10.000 đài tệ/tháng. Biết rằng chi phí như vậy là rất cao, nhưng vì nhu cầu có việc làm, gia đình chị Nhan đành đi “cắm” 3 sổ đỏ để vay đủ tiền cho con đi.

Ngày 26/1/2006, chị Nhan và 4 phụ nữ khác được đưa lên sân bay Nội Bài bay đi Đài Loan. Trước khi đi, 5 người đều được dặn khi qua cửa khẩu sân bay Nội Bài chỉ cần nói được chủ cũ mời sang; đến Đài Loan sẽ có công ty môi giới ra đón và làm mọi thủ tục nhập cảnh. Và mọi việc diễn ra suôn sẻ. Tới Đài Loan, nhóm của Nhan được ông Châu, Giám đốc Công ty Môi giới, ra đón và đưa về ký túc xá của công ty.

Tại đây, gặp gần 20 chị em khác sang trước, Nhan mới biết là mình bị đưa đi theo giấy tờ kết hôn giả. Vì thế ông Châu yêu cầu tất cả các cô không được ra khỏi nhà, cũng không đưa đi khám sức khỏe (theo quy định lao động nhập cảnh Đài Loan phải khám sức khỏe mới được ở lại làm việc), sau đó đưa vào làm “lậu” trong một nhà máy dệt vải.

Nhan đã gọi điện về nước yêu cầu trung tâm 31 Trung Kính trả lại tiền để cô về nước, song trung tâm này một mực khẳng định giấy tờ của cô là hợp pháp nên cứ yên tâm làm việc.

Giữa tháng 3/2006, vì bị ốm nên chị Nhan phải vào bệnh viện khám. Nhưng khi các bác sĩ kiểm tra hộ chiếu và thẻ cư trú thì phát hiện chị là người nhập cư trái phép liền báo cảnh sát. Lần đó, may là từng ở Đài Loan 2 năm nên chị biết tiếng, vì vậy nghe họ gọi cảnh sát, Nhan phải bỏ chạy mới thoát và gọi điện cầu cứu Công ty Môi giới 3 năm trước từng đưa cô đi làm giúp việc để nhờ họ can thiệp. Còn 2 người bạn đi cùng với chị đã bị cảnh sát bắt khi họ đến kiểm tra tại nhà máy.

Vậy “ông Châu”, người đã đưa chị Nhan sang Đài Loan là ai?

Theo điều tra của chúng tôi thì ông này là chủ một công ty môi giới có mối quan hệ làm ăn với không ít doanh nghiệp XKLĐ của Việt Nam. Ông này còn có một cô vợ tại Việt Nam tên là Cao Thị Hà và quản lý văn phòng giao dịch tại quận Long Biên, Hà Nội. Vì vậy, ông Châu thường xuyên đi về Việt Nam.

Là người làm môi giới lao động chuyên nghiệp nên không chỉ móc nối với các đối tượng trong nước tuyển lao động, mỗi khi đi máy bay, nếu gặp những chị em hết hạn hợp đồng về nước, ông này cũng không quên “tiếp thị”. Vì thế trên chuyến bay về Việt Nam ngày 10/3/2006, ông Châu cũng làm quen với một số phụ nữ đã hết hạn hợp đồng, phải về nước và hứa nếu họ muốn sang Đài Loan làm việc lần thứ 2 (nhà máy hay làm giúp việc nhà) ông ta đều có thể đưa đi.

Đài Loan không có chương trình “tái định cư”

Theo thông tin từ Cục Quản lý lao động ngoài nước (QLLĐNN) - Bộ LĐ-TB&XH, hiện ở Đài Loan không có chương trình nào là “tái định cư”. Không những thế từ tháng 11/2004 tới nay, Đài Loan đã ngừng tiếp nhận lao động Việt Nam trong lĩnh vực giúp việc gia đình và khán hộ công.

Vì vậy, trong thời điểm này, chỉ những lao động được chủ cũ gia hạn hoặc mời sang làm việc lần thứ 2 mới được nhập cảnh Đài Loan nhưng vẫn phải làm thủ tục xuất, nhập cảnh như đi lần đầu, tức là hộ chiếu phải có visa dán kèm. Với lao động công xưởng, nhà máy, pháp luật Đài Loan bắt buộc người lao động nước ngoài phải có visa lao động và thẻ cư trú hợp pháp và làm việc đúng chủ thuê, nếu không sẽ bị phạt và trục xuất về nước.

Trở lại với trường hợp của chị Nhan. Ngày 24/3/2006, khi tiến hành kiểm tra Xí nghiệp dệt Tiền Thịnh, Cảnh sát Ngoại sự (Tổng bộ Cảnh sát Đài Bắc) đã phát hiện và bắt giữ 8 nữ lao động nước ngoài làm việc bất hợp pháp bằng thẻ cư trú giả, trong đó có Vũ Thị Nhan. Cả 8 lao động này đều khai nhận được đưa từ Việt Nam sang qua đường dây môi giới của ông Châu.

Trong lần gọi điện về cho gia đình gần đây nhất, chị Nhan cho biết ngày 29/3/2006, Nhan cùng 4 người khác là Bùi Thị Thùy (Hải Dương); Hồ Thị Sen (Thanh Hóa); Nguyễn Thị Hạnh (Vĩnh Phúc) và Lê Thị Trà (Nghệ An) cùng những lao động khác đã bị đưa về tạm giữ tại Trại thu dung Tam Hiệp (trại thu dung lớn nhất Đài Loan, chuyên giam giữ người nước ngoài vi phạm pháp luật sở tại) để điều tra.

Từ lời khai của 8 lao động bị bắt, Cảnh sát Đài Bắc đã bắt giữ ông Châu. Chúng tôi đã liên lạc được với ông Lâm Chiền Quán, sĩ quan của Tổng bộ Cảnh sát Đài Bắc trực tiếp thụ lý vụ việc này và được biết Cảnh sát Đài Loan đang tập trung làm rõ bằng cách nào mà đường dây của Châu có thể đưa người ra khỏi Việt Nam mà không cần visa cũng như nhập cảnh Đài Loan mà không có visa hợp lệ.

Theo nhận định của Cảnh sát Đài Loan thì số lượng lao động mà đường dây của Châu và cả những đường dây khác đưa sang Đài Loan thời gian qua không phải là ít. Mới đây, ngày 3/4/2006, Cảnh sát Đài Loan lại bắt giữ thêm 2 đối tượng khác, những người này cũng từng là đối tác của một số công ty XKLĐ Việt Nam có giấy phép

Theo Nguyễn Thiêm - Nam Hiếu

CAND

MỚI - NÓNG