Ai bịa đặt?

Ai bịa đặt?
TP - Sau khi đăng bài “Trốn nợ bằng cách kiện chủ nợ”, Tiền Phong nhận được khiếu nại của Giám đốc Cty Phúc Gia Khang, đề nghị “đính chính toàn bộ nội dung” vì bài báo “hoàn toàn bịa đặt”!?

Văn bản của ông Nguyễn Trung Đoàn - Giám đốc Cty TNHH Phúc Gia Khang (PGK, trụ sở tại TX Thủ Dầu Một, Bình Dương) nêu bốn vấn đề:

1/ Sau khi ký hợp đồng mua 10 xe buýt của Cty Thái Hoà, ông Đoàn mới phát hiện lô xe này đang bị cầm cố tại ngân hàng Công Thương chi nhánh Đăk Lăk, vì vậy dù Cty PGK đã trả Cty Thái Hoà một phần tiền (1,9 trên tổng số 5,63 tỷ đồng) nhưng sau thời gian ngắn hết hạn đăng ký tạm thời, các xe này phải ngưng hoạt động

2/ Thương vụ Cty PGK mua 10 xe tải trị giá 695.000 USD, Cty Thái Hoà mới giao 7 xe, mặc dù Cty PGK đã trả dư 20.832 USD so với giá trị 7 xe này.

3/ Ông Trần Tiến Lợi Giám đốc Cty Thái Hoà tố cáo ông Đoàn “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, song Viện KSND tỉnh Đăk Lăk kết luận đây chỉ là tranh chấp kinh tế, hiện TAND TP Buôn Ma Thuột đã thụ lý vụ kiện

4/ Ông Đoàn thiện chí giải quyết các tranh chấp, đáp lại ông Lợi đã 3 lần kéo người đến Cty PGK quậy phá, hành hung “theo kiểu giang hồ”, ông Đoàn phải nhờ Công an phường Phú Lợi và Công an TX Thủ Dầu Một can thiệp.

Qua nghiên cứu hồ sơ, tài liệu, và kết quả xác minh, Tiền Phong nhận thấy các vấn đề ông Đoàn nêu trên đây là không đúng, cụ thể:

1/ Chuyển đổi, mua bán tài sản đang cầm cố, thế chấp không trái pháp luật, nếu bên có tài sản được bên nhận cầm cố, thế chấp đồng ý.

Theo hồ sơ các PV Tiền Phong có, việc Cty Thái Hòa đổi, sau là bán cho Cty PGK 10 xe buýt hoàn toàn đúng pháp luật, vì đã được Ngân hàng Công Thương chi nhánh Đăk Lăk (nơi nhận thế chấp lô xe) đồng ý.

Các xe này sau đó không được hoạt động, là do Cty PGK chây ỳ không trả nốt phần lớn tiền mua xe, nên Ngân hàng không gia hạn đăng ký.

2/ Thương vụ mua 10 xe tải, Cty PGK không trả “dư”, mà đang nợ tiền Cty Thái Hòa; theo giấy nhận nợ do chính ông Đoàn ký đóng dấu, Cty PGK còn nợ Cty Thái Hòa 34.160 USD.

3/ Ông Lợi tố cáo ông Đoàn “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” là có căn cứ, bởi qua xác minh, Công an tỉnh Đăk Lăk xác định hành vi của ông Đoàn có yếu tố gian dối (trong hợp đồng đổi xe với Cty Thái Hòa, ông Đoàn cam kết đang sở hữu hợp pháp lô xe buýt nhỏ 13 chiếc, thực tế ông Đoàn không có tài sản này), song yếu tố chiếm đoạt chưa rõ (lô xe ông Đoàn mua hiện vẫn đứng tên Cty Thái Hòa), nên chưa thể kết luận ông Đoàn “lừa đảo…”.

Tuy nhiên, Công an tỉnh Đăk Lăk xác định ông Đoàn có dấu hiệu “sử dụng trái phép tài sản” theo Điều 142 BLHS, và “làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức” theo Điều 267 BLHS; hiện Công an tỉnh Đăk Lăk đã chuyển hồ sơ cho Công an tỉnh Bình Dương điều tra theo thẩm quyền.

Như vậy, việc Viện KSND tỉnh Đăk Lăk nhận định ông Đoàn không “lừa đảo…” không đồng nghĩa ông Đoàn không vi phạm pháp luật.

4/ Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Nguyễn Văn Lược - Trưởng công an phường Phú Lợi (TX Thủ Dầu Một, Bình Dương) xác định không có việc ông Lợi đưa người đến Cty PGK quậy phá, hành hung.

TAND TP Buôn Ma Thuột cũng cho biết phiên tòa xử vụ tranh chấp giữa Cty PGK và Cty Thái Hòa (ông Đoàn là nguyên đơn) đã mấy lần phải hoãn theo đề nghị của bên nguyên.

Một số chủ nợ của ông Đoàn (các ông Vũ Thế Hoài, Trần Văn Sơn, Lê Văn Hùng) hiện đã có bản án trong tay cũng chưa lấy được tiền, lý do theo một chấp hành viên Chi cục Thi hành án dân sự TX Thủ Dầu Một, “Cty PGK chẳng còn tài sản”.

Rõ ràng cách hành xử như vậy của ông Đoàn không thể nói là “thiện chí giải quyết tranh chấp”!

Qua các phân tích trên đây, Tiền Phong khẳng định bài báo “Trốn nợ bằng cách kiện chủ nợ” là có căn cứ, không bịa đặt, vì vậy Tiền Phong không thể đính chính bài báo đó theo yêu cầu của ông Đoàn.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG