Quảng Bình:

Ai chịu trách nhiệm vụ thảm sát rừng thông Quảng Trạch?

Ai chịu trách nhiệm vụ thảm sát rừng thông Quảng Trạch?
TP - Người ta đang ngang nhiên lợi dụng sự gãy đổ sau cơn bão số 5 để quét sạch cả ngàn ha thông đang trong thời gian khai thác nhựa tại một số xã vùng tây bắc huyện Quảng Trạch, Quảng Bình.

Tất cả đang bất lực trước sự tàn phá khủng khiếp này với phương thức mạnh ai nấy làm, miễn là có lợi. Các cơ quan chức năng ở đây gần như tê liệt và bó tay.

Ai chịu trách nhiệm vụ thảm sát rừng thông Quảng Trạch? ảnh 1
Xe chở gỗ thông bị bắt giữ

Rừng thông trên 20 năm tuổi bị thảm sát

Có mặt tại hiện trường theo chỉ dẫn của người gọi điện qua đường dây nóng, một cảnh tượng thê lương đập vào mắt chúng tôi. Cả ngàn hécta thông với đường kính từ 15-30 cm đã bị đốn hạ từ lúc nào, giờ chỉ còn lại những gốc trống trơ.

Tiếng cưa máy từ đâu xa lắm trong những vùng đang le lói màu xanh vọng lại. Những chiếc công nông đầu ngang thấy người lạ, đạp ga mù mịt khói lẩn trốn giữa lơ thơ của một vài tán rừng còn sót lại.

Người dẫn đường đầu đội chiếc mũ len che kín mặt như Ninja, là dân bản địa ở đây, năm lần bảy lượt yêu cầu chúng tôi không được tiết lộ danh tính, đưa chúng tôi đến đội Thống Nhất thuộc xã Quảng Tiến, điểm nóng của vụ thảm sát rừng này.

Theo người dẫn đường cũng như hiện trạng rừng đang phơi ra trước mắt chúng tôi đây, thì người dân quanh vùng khi nghe thông tin có chủ trương tận dụng những cây thông đổ gãy đã ào ạt “té nước theo mưa”, mạnh ai nấy vào rừng triệt hạ thông.

Cây gãy, chặt hạ; cây đổ, chặt hạ. Cây đang thẳng đứng chả hề hấn gì cũng chặt hạ luôn. Hàng đêm, hàng chục chiếc xe công nông cứ thế rồng rắn nối đuôi nhau tuồn gỗ thông về nhập lại cho đầu nậu. Gần 2 tháng trời như thế.

Họ ngang nhiên và thách thức tất cả mọi lực lượng của cơ quan chức năng đến đây. Hàng ngàn chuyến gỗ thông cứ ùn ùn chảy. Khi những người “xót” rừng lên tiếng, lực lượng chức năng ra tay thì vấp phải một sự chống đối đầy manh động.

Hàng chục người, có khi cả hàng trăm người sẵn sàng tấn công lực lượng chức năng để cướp gỗ, cũng như ném đá, rải đinh ngăn cản các phương tiện truy đuổi. Khi Mai Xuân Hồng, Phạm Văn Thanh, Mai Văn Nam (Quảng Tiến) và Đoàn Xuân Nghĩa (Quảng Lưu) bị bắt giữ, thì mới tá hỏa ra rằng 3 trong 4 người bị bắt là công nhân hợp đồng bảo vệ và khai thác nhựa thông của lâm trường.

Hỏi vì sao họ lại đắc lực trong việc chặt phá rừng và manh động chống đối lực lượng bảo vệ đến vậy? Họ thản nhiên: Trông vào lương hợp đồng thì chỉ có chết đói...

Người dẫn đường: Tôi là hộ dân ở đây được lâm trường giao cho 3 ha rừng để quản lý và khai thác, nhưng chẳng thể bảo vệ nổi rừng của chính mình. 3 ha bây giờ chỉ còn gốc.

Những người vào triệt hạ rừng, có thể gọi họ là lâm tặc được không, chứ cách thức triệt hạ và quy mô phương tiện thì rất chuyên nghiệp. Có thời điểm cả vùng rừng này có đến mươi cưa máy cùng rền vang đốn hạ thông giữa thanh thiên bạch nhật.

Gỗ được cắt ngắn từng khúc 1,5-1,8m cho vừa với thùng công nông. Tập kết thành đống cao ngút, chờ đêm xuống, xe đợi sẵn và... lên đường... Đồng lõa với tình trạng trên là việc một loạt các xưởng cưa trái phép đua nhau mọc lên như nấm.

Thông tin mà chúng tôi có được từ những người chuyên buôn bán gỗ thông, cứ mỗi khúc gỗ với chiều dài 1,5-1,8m, đường kính từ 20-30cm, giá mua tại rừng dao động từ 20-30 ngàn đồng. Một ste gỗ thông được mua tại đây có giá từ 250-300 ngàn đồng.

Một ngày, nếu dùng cưa máy thì một người bình thường có thể khai thác và bán kiếm lời 400-500 ngàn đồng. Nhưng giá trên thị trường nhập vào cao gấp từ 3-4 lần.

Người ta dùng gỗ thông để làm bàn ghế xuất khẩu, hoặc để làm trần nhà, ốp tường và lát sàn. Có lẽ vì cái lợi và giá trị sử dụng đó mà người ta bất chấp tất cả để thảm sát cả ngàn ha thông đang trong thời kỳ khai thác...

Ai chịu trách nhiệm vụ thảm sát rừng thông Quảng Trạch? ảnh 2
Hiện trường rừng thông

Cơ quan chức năng biết không?

Chúng tôi đã hai lần tìm đến Lâm trường rừng thông Quảng Trạch, đơn vị chủ rừng của những cánh rừng đang bị thảm sát kia. Trụ sở của lâm trường vắng ngơ vắng ngắt không một bóng người.

Ngay giữa sân, một chiếc công nông đầu ngang mang BKS 74 của Quảng Trị đang chất đầy gỗ thông, có lẽ vừa bị bắt giữ. Gỗ thông còn tươi nguyên, chứng tỏ nó vừa mới bị đốn hạ.

Không gặp được lãnh đạo lâm trường, nhưng trên các văn bản mà lãnh đạo lâm trường báo cáo cũng như chỉ đạo chứng tỏ một điều, chủ rừng ý thức rất rõ thực trạng rừng đang bị thảm sát nghiêm trọng diễn ra ở vùng Quảng Tiến.

Nhưng vì sao, từ cuối tháng 10 đến nay, “ông” chủ rừng không có những biện pháp mạnh để ngăn chặn và chấm dứt tình trạng này? Đó là câu hỏi mà dư luận đang đặt ra.

Đến hạt kiểm lâm Quảng Trạch, ông Nguyễn Thuận Nhơn - Hạt trưởng bức xúc: Chúng tôi đã cử một Hạt phó và một Kiểm lâm viên phối hợp cùng họ trong đoàn kiểm tra liên ngành để cùng ngăn chặn tình trạng trên. Hai lần tôi gọi điện thoại để xin báo cáo nhưng không được.

Và đến bây giờ hơn 1 tháng rồi, tôi vẫn không có báo cáo trong tay. Họ là chủ rừng, họ phải chịu trách nhiệm trước hết trong việc này. Có dư luận cho rằng, chủ yếu lâm trường tự triệt hạ rừng của mình để bán lại cho nhà máy chế biến gỗ.

Lại có dư luận nói rằng, lâm trường đang có chủ trương chuyển đổi, không trồng thông nữa mà chuyển sang trồng cao su. Có lẽ thế nên dân và người của lâm trường mặc sức tàn sát rừng theo kiểu “tiền trảm, hậu tấu”.

Ông Đậu Minh Ngọc, quyền Chủ tịch UBND huyện Quảng Trạch thừa nhận: Chúng tôi có triển khai đoàn công tác liên ngành gồm CA, KL, lâm trường nhằm ngăn chặn tình trạng phá rừng trên, nhưng khi đoàn rút đi thì đâu vẫn hoàn đấy.

Hiệu quả ngăn chặn đang rất thấp. Còn chủ trương của lâm trường chuyển đổi sang trồng loại cây khác trên diện tích thông đang khai thác này thì cho đến bây giờ huyện chưa hề nghe phía lâm trường thông tin. Muốn chuyển đổi hay không chuyển đổi thì huyện, đơn vị quản lý Nhà nước trên địa giới hành chính phải là nơi đầu tiên được biết về chủ trương này.

Cũng theo ông Ngọc, huyện sẽ có những biện pháp kiên quyết để ngăn chặn và xử lý việc phá rừng (?).

MỚI - NÓNG