Ai chủ mưu?

Ai chủ mưu?
TP - Một vụ án lớn ("trang trại phát triển kinh tế” phường Đồng Tâm, TP Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc), với hàng loạt cán bộ lãnh đạo chủ chốt của địa phương đã bị khởi tố, bị bắt tạm giam, song dư luận địa phương cho rằng kẻ chủ mưu thật sự thì vẫn đang ngoài vòng pháp luật.

Nông dân 'treo' trại, giảm đàn

Sau ba ngày, được giao đất

Năm 2006, thị xã Vĩnh Yên (thủ phủ tỉnh Vĩnh Phúc) rục rịch chuyển đổi thành thành phố. Người dân có ruộng khu đồng Cửa Chùa, đồng Sải, đồng Khóm thuộc phường Đồng Tâm không biết ruộng đất của họ sắp bị thu hồi. Cán bộ phường cũng không ai biết, ngoại trừ ông Chủ tịch UBND phường Nguyễn Xuân Trường.

Ông Trường là người ký tên, đóng dấu vào “Đề cương dự án tổng thể giao đất trang trại, trồng lúa nước, kết hợp nuôi trồng thuỷ sản, chăn nuôi gia súc, gia cầm tại phường Đồng Tâm”, với tư cách Chủ tịch phường, đồng thời là “Đơn vị chủ đầu tư dự án”.

Theo đó, mục tiêu của dự án “tận dụng diện tích đất chiêm trũng, cải tạo thâm canh tăng vụ kết hợp nuôi trồng thuỷ sản và bảo vệ môi trường sinh thái”; tổng đầu tư bao gồm vốn trong dân 25 tỷ đồng, vốn vay ngân hàng 4,25 tỷ đồng.

Ngày 20-11-2006, ông Trường có tờ trình gửi lên UBND thị xã Vĩnh Yên. Thị xã ký đóng dấu luôn vào đó, rồi chuyển lên tỉnh. Chỉ sau 3 ngày, tức ngày 3-11-2006, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã ban hành Quyết định số 3101/QĐ-UBND, thu hồi 255.125m2 đất “giao cho UBND phường Đồng Tâm thực hiện Dự án Trang trại”.

Không có tiền, đi vay

Sau đó, UBND thị xã Vĩnh Yên và các phòng ban giúp việc đã khẩn trương đo đạc, kiểm đếm, lên phương án bồi thường, phê duyệt phương án bồi thường. Công việc hoàn tất ngay trong năm 2007, tổng số tiền bồi thường đất là 10.769.171.196 đồng (gần 11 tỷ đồng).

Đến đây phát sinh rắc rối: UBND phường Đồng Tâm không có tiền để đền bù cho dân.

Mạnh Thường Quân xuất hiện, đó là Cty cổ phần Tam Đảo Mới- doanh nghiệp “sẵn lòng” cho phường vay tiền để thực hiện dự án. Theo một thoả thuận vay vốn ngày 4-5-2009, Cty Tam Đảo Mới đã cho UBND phường Đồng Tâm vay 8,8 tỷ đồng.

Đổi chủ đầu tư

Cty Tam Đảo Mới cũng chỉ là trung gian. Người thực sự đầu tư vào Dự án Trang trại là Cty cổ phần bất động sản AZ - một doanh nghiệp khá nổi tiếng (và cả tai tiếng) trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản.

Sau khi phường Đồng Tâm thoả thuận với Cty Tam Đảo Mới ít ngày, ngày 12-5-2009, Cty AZ có tờ trình đề nghị xin được đầu tư vào Dự án Trang trại, tổng vốn đầu tư 188 tỷ đồng (Cty AZ cam kết sẽ trả hộ khoản tiền phường Đồng Tâm đã vay của Cty Tam Đảo Mới).

Tờ trình của Cty AZ được phường Đồng Tâm vui vẻ... chấp thuận. Ngày 22-5-2009, quý Phường có tờ trình lên thị xã Vĩnh Yên; quý Thị cũng vui vẻ chấp thuận, và ngày 25-5-2009, UBND thị xã Vĩnh Yên có tờ trình lên UBND tỉnh Vĩnh Phúc, đề nghị cho phép Cty AZ được làm chủ đầu tư Dự án Trang trại.

Bể mánh...

Trong khi việc đền bù đất đang diễn ra, dân địa phương thấy có người căng dây thép gai ngoài ruộng, rồi xe ô tô ùn ùn kéo về, đổ đất nham nhở lên những ruộng lúa. Dân cò đất đổ túa đi các nơi trong tỉnh, về cả Hà Nội, lên cả Phú Thọ, chào mời mua nền biệt thự tại khu đất “đẹp nhất nhì Vĩnh Yên” (lúc này thị xã đã chuyển thành thành phố).

Trong số những người được mời đến xem nền biệt thự, có cả một số nhà báo. Một trong số họ sau khi tìm hiểu “Dự án Trang trại”, đã có loạt bài phanh phui những sai phạm của Dự án này.

Việc thay chủ đầu tư được tạm dừng, một số cơ quan chức năng của tỉnh được mời thẩm định lại Dự án Trang trại. Họ nhanh chóng chỉ ra hàng loạt sai phạm của Dự án ở phường Đồng Tâm: UBND phường không thể là chủ đầu tư; hồ sơ quá sơ sài, không đủ để ra quyết định giao đất; diện tích đất đã thu hồi chồng lấn lên các dự án khác theo quy hoạch chung thành phố Vĩnh Yên... Các cơ quan này kiến nghị UBND tỉnh thu hồi lại Quyết định số 3101/QĐ-UBND.

Bỏ của chạy lấy người...

Đến lúc này, Công an tỉnh Vĩnh Phúc vào cuộc, và khởi tố vụ án liên quan đến sai phạm của Dự án Trang trại. Hàng loạt quan chức phường Đồng Tâm và thành phố Vĩnh Yên đã bị khởi tố, nhiều người bị áp dụng biện pháp tạm giam.

Trong số bị khởi tố bị can, có ông Nguyễn Xuân Trường - nguyên Chủ tịch UBND phường Đồng Tâm; ông Lại Hữu Lân, nguyên Chủ tịch UBND thành phố Vĩnh Yên; ông Nguyễn Ngọc Quyền, nguyên thường vụ Tỉnh ủy - Bí thư Thành ủy thành phố Vĩnh Yên...

Những người vừa mới rầm rộ đổ đất san nền, rao bán biệt thự, bỗng nhổ bỏ hàng rào thép gai, rút xe máy, đi khỏi địa phương không kèn không trống.

Ai kẻ chủ mưu?

Các PV Tiền Phong đã có mặt tại Vĩnh Phúc. Một cán bộ điều tra từ chối cung cấp thông tin, song nhận xét “Vụ án này phức tạp, còn nhiều đối tượng liên quan lắm”. Tại phường Đồng Tâm, các PV được một cán bộ cho biết, ông Trường bị bắt về hành vi “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”. Được hỏi về số tiền Cty Tam Đảo Mới cho phường vay, hiện giải quyết thế nào, vị cán bộ này đáp “Không biết”.

Các PV có mặt tại các thửa ruộng đã được thu hồi. Vẫn đó những đống đất nham nhở đỏ ối mặt ruộng, khiến nông dân phải dừng việc canh tác. Người dân cho biết, gần bốn chục hộ chưa nhận tiền, do mức đền bù quá bèo bọt.

Trong vụ án này, Giám đốc Cty Tam Đảo Mới (cho vay tiền, đến nay chưa lấy lại được) là “bị hại” của vụ án? Người dân và nhiều cán bộ địa phương lại cho rằng, ông ta không phải “bị hại”, mà chính là người đã đạo diễn toàn bộ vụ việc này.

Họ nói, không chỉ cho phường “vay” tiền, chính ông giám đốc này đã cho người căng dây, chỉ đạo xe đổ đất vào ruộng của họ, ngồi ăn uống với cán bộ phường và thành phố ngay tại khu vực dự án. Họ chỉ lạ là, hàng loạt cán bộ đã bị bắt, nhưng ông giám đốc này vẫn chưa bị “sờ” đến...

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
TPO - Kiểm toán Nhà nước (KTNN) chỉ ra những thiếu sót, bất cập, đồng thời đưa ra khuyến nghị giúp các tập đoàn, tổng công ty nhà nước hoàn thiện, nâng cao hiệu quả quản lý tài chính công, tài sản công. Đáng chú ý, KTNN cũng cảnh báo một số doanh nghiệp có dấu hiệu mất an toàn về tài chính.
Năm học 2023-2024, Hà Nội được bổ sung 2.648 biên chế giáo dục.
Hà Nội thiếu hơn 16.000 biên chế giáo dục
TPO - Số biên chế sự nghiệp giáo dục của thành phố Hà Nội thiếu so với định mức do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định là 16.004 người. Năm học 2023- 2024, thành phố đề nghị được giao thêm 8.939 biên chế khối giáo dục nhưng chỉ được bổ sung 2.648 biên chế.