Ai đã dẫn dắt Lavico đến với Rusalka?

Ai đã dẫn dắt Lavico đến với Rusalka?
Bài "Con đường đưa Lavico sa vào vực thẳm” nêu một số thông tin và nhận định về sự dính líu của Cty Lâm Viên (Lavico) với vụ Nguyễn Đức Chi. Để có thêm thông tin từ phía người trong cuộc, phóng viên đã tìm gặp ông Trần Nam - GĐ Lavico.

Hoàn cảnh nào đưa đẩy Lavico dính vào dự án Rusalka và Nguyễn Đức Chi?

Xin lưu ý là trước khi Lavico ký hợp đồng hợp tác đầu tư với Chi ở Rusalka, Chi đã bị Cơ quan CSĐT triệu tập về nước để thanh toán 5,3 triệu USD tiền gạo mà Chi nợ Cty Xuất nhập khẩu và Lương thực Trà Vinh (ImexTraVinh).

Có thể nói, Chi và một số cá nhân khác đã tìm cách tiếp cận Lavico. Cả người đang có trách nhiệm giải quyết đơn thư của ImexTraVinh cũng tác động với Lavico.

Dư luận cho rằng cơ quan điều tra chủ động tiếp xúc với Lavico, qua đó giải quyết khoản nợ của Chi với ImexTraVinh?

Về điều này cơ quan có trách nhiệm chưa có kết luận, nhưng tôi có thể nói, có liên quan đến Cơ quan CSĐT phía Nam của Bộ Công an (CSĐTPN). Thiếu tá Nguyễn Văn Yên, điều tra viên cao cấp đã trực tiếp thuyết trình với lãnh đạo Học viện Lục quân (cơ quan chủ quản của Lavico) về phương án, triển vọng của việc Lavico góp vốn vào Rusalka.

Tại sao ông Yên lại làm việc không thuộc chức năng của ông ấy?       

Động cơ của anh Yên ra sao, tôi không thể khẳng định được. Nhưng tại thời điểm đó tôi nghĩ Lavico có cơ hội sở hữu một dự án có tương lai là dự án Rusalka.

Ông biết Cty RIT của Chi không được phép chuyển nhượng vốn trong giai đoạn xây dựng, tại sao vẫn bỏ tiền vào Rusalka?

Tôi quan niệm chuyển tiền cho Chi là việc đặt cọc trước khi được cơ quan có thẩm quyền cho phép, cũng như đặt cọc khi mua nhà thôi. Thời điểm đó (tháng 11/2003) nếu không có tiền của Lavico, một số cá nhân sẽ bị quy trách nhiệm, chẳng hạn GĐ Ngân hàng Công thương Trà Vinh, người đã cho ông Trí (GĐ ImexTraVinh) vay tiền mua gom gạo để bán cho Chi. 

Tại sao Lavico không trực tiếp chuyển vốn vào Rusalka, mà phải qua khâu trả tiền cho ImexTraVinh thay Chi?

Không phải toàn bộ tiền Lavico đầu tư vào Rusalka đều là để trả cho ImexTraVinh. Đến 30/6/2004 chúng tôi đã đầu tư hơn 53,1 tỷ đồng, trong đó trả cho ImexTraVinh 43,5 tỷ đồng. Tôi nghĩ, toàn bộ dự án Rusalka thuộc về Chi, Chi đề nghị thế nào tôi thực hiện như thế. Tháng 11/2003, Rusalka đã bị “đóng băng”, dự án được khởi động lại là nhờ Lavico.

Ông có tính đến các rủi ro?

Có 2 cái khiến tôi không ngại. Thứ nhất, mọi việc làm của tôi đều có giám sát của CSĐTPN. Thứ hai, Chi thế chấp cho tôi toàn bộ tài sản mà Chi sở hữu 100% ở Cosmos Hà Nội. Giá trị hợp đồng của Lavico với Chi là 5,5 triệu USD, tôi mới chuyển hơn 3 triệu USD, không vượt quá giá trị tài sản của Chi ở Việt Nam.

Căn cứ vào đâu mà ông cho rằng tài sản của Chi tại Rusalka trị giá 2,8 triệu USD?

Các sổ sách kế toán của RIT thể hiện đến 30/10/2003 đã chi ra số tiền đó.

Nhưng phần lớn giá trị xây dựng các công trình ở Rusalka chưa được Chi thanh toán cho các nhà thầu?

Sổ sách không thể hiện các khoản nợ.

Việc bảo lãnh có đúng chức năng của cơ quan công an?

Tôi không nói cơ quan công an bảo lãnh. Nhưng cơ quan công an có trách nhiệm giám sát mọi việc trong hợp đồng của tôi với Chi, vì họ đang làm việc thu hồi công nợ cho ImexTraVinh.

Thu hồi, giải quyết công nợ là việc của trọng tài kinh tế hoặc tòa án kinh tế. Tại sao công an lại làm việc đó?

Tôi không rõ. Nhưng tháng 3/2004, phát hiện Chi thế chấp “sổ đỏ” cho Ngân hàng Thương mại cổ phần Quân đội (NH TMCPQĐ), tôi đã gửi văn bản báo cáo Chi có dấu hiệu lừa đảo tới một lãnh đạo của ngành công an.

Ông ấy phản hồi ra sao?

Không có ý kiến gì. Chỉ đến khi Tòa án kinh tế Hà Nội định kê biên tài sản ở Cosmos theo đơn kiện Chi của Cty Điện tử Giảng Võ, tôi yêu cầu cơ quan CSĐT can thiệp. Đại tá Nguyễn Thế Bình - Phó thủ trưởng CSĐTPN có văn bản gửi Tòa, nói rằng Cosmos là tài sản Chi đã ký thác cho công an khi bị gọi về nước. Một tài sản mà có 2 cơ quan tố tụng giải quyết là không hợp lý. 

Khi bị tố cáo, phản ứng của Chi ra sao?

Chi cho rằng tôi không dám làm mạnh. Sau này tôi mới biết một thủ đoạn của Chi là cài bẫy các doanh nghiệp nhà nước như Điện tử Giảng Võ, ImexTraVinh, NH TMCPQĐ, Lavico… Chi cho rằng khi họ dính vào với Chi sẽ phải theo Chi, không dám đấu tranh, không dám tố cáo Chi. Nói chung Chi chỉ cài bẫy các doanh nghiệp Nhà nước.

Tại sao đã tố cáo Chi lừa đảo, đầu năm nay ông vẫn rót thêm cho Chi 100 triệu đồng?

Tôi chi khoản này để nhân viên và anh em bảo vệ Rusalka có tiền về quê ăn Tết. Tôi nghĩ khoản tiền đó không mất, vì tiền chúng tôi đầu tư vào Rusalka trước sau vẫn phải nằm ở Rusalka.

MỚI - NÓNG
Hà Nội: Xử lý dứt điểm vụ án liên quan đến ông Lê Thanh Thản trong quý 2/2024
Hà Nội: Xử lý dứt điểm vụ án liên quan đến ông Lê Thanh Thản trong quý 2/2024
TPO - Thường trực Ban Chỉ đạo Thành ủy về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực Hà Nội yêu cầu xử lý dứt điểm 37 vụ án trong quý 2/2024. Trong đó, có vụ án “Lừa dối khách hàng”, “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Dự án đầu tư xây dựng tổ hợp chung cư cao cấp và thương mại Bemes liên quan đến ông Lê Thanh Thản.