Ai đã “nâng đỡ” trang trại Sơn Thủy?

Ai đã “nâng đỡ” trang trại Sơn Thủy?
Nhờ được "nâng đỡ", Trịnh Nguyên Thủy đã đưa trang trại Sơn Thủy "luồn lách" qua những quy định liên quan đến việc mua bán, chuyển nhượng đất nông nghiệp, chuyển đổi sai mục đích, lấn chiếm đất công…
Ai đã “nâng đỡ” trang trại Sơn Thủy? ảnh 1
Phải chăng các ý kiến chỉ đạo trái ngược nhau?

Số báo trước Tiền Phong đã đề cập, diện tích đất lên đến trên 44.000 m2 nằm ngay cửa ngõ phía Tây Nam Hà Nội mà chủ trang trại Sơn Thủy đã mua, thuê, và cơi nới sử dụng là trái phép.

Tuy nhiên sự “ngang tàng” của ông chủ nhiều tiền này là ở chỗ công khai biến diện tích này thành một khu kinh doanh ăn uống, vui chơi bậc nhất Hà Nội.

Lạ một điều ông chủ trang trại này hầu như không hề gặp “sóng gió” ngay cả khi Hà Nội “sục sôi” thực hiện những chỉ thị liên quan đến việc mua bán, chuyển nhượng đất nông nghiệp, chuyển đổi sai mục đích, lấn chiếm đất công…

Ông “trùm heroin” từng được chọn làm “nông dân” tiêu biểu

Vào thời điểm đầu những năm 2000, Hà Nội không hề có quy hoạch làm trang trại tại khu vực thôn Thượng - Mễ Trì, song không hiểu sao trang trại này vẫn nhận được sự hậu thuẫn, cổ súy đắc lực từ phía Cục Khuyến nông (Bộ NN&PTNT), Sở NN&PTNT Hà Nội, Trung tâm khuyến nông Hà Nội (TTKN).

Ngay sau khi trang trại vừa được khai sinh với sự tham mưu rất bài bản của một số quan chức, ông chủ trang trại “nâng cấp” trang trại thành Cty TNHH Đầu tư và phát triển Sơn Thủy. Với tư cách pháp nhân rất đàng hoàng và ngành nghề kinh doanh rất hợp với “nghề nông”, Cty này ngày càng nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ cả vật chất và tinh thần từ phía Sở NN&PTNT.

Dấu ấn quan trọng nhất là vào ngày 1/10/2001, Trịnh Nguyên Thủy, ông “trùm héroin” bây giờ mới bị lộ mặt và Nguyễn Viết Hoan được chọn là hai “nông dân” tiêu biểu được TTKN Hà Nội mời đi Đài Loan 7 ngày (từ 11 đến 18/11/2001) để “xúc tiến quan hệ giao lưu về nông nghiệp giữa Việt Nam và Đài Loan…”.

Xin nói thêm rằng, đây là chuyến đi rất đặc biệt của Trịnh Nguyên Thủy bởi lẽ trong đoàn 14 người thì chỉ có 2 “nông dân”. Trưởng đoàn là một Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội, số còn lại là cán bộ công chức. Kinh phí của chuyến đi TTKN Hà Nội đài thọ một phần, phía Đài Loan hỗ trợ một phần, còn lại là đóng góp của các đơn vị.

Chưa đủ, ngày 3/10/2001, Sở NN&PTNT Hà Nội tổ chức Hội thảo “Xây dựng mô hình trang trại sinh thái bền vững tại trang trại Sơn Thủy” với sự chủ trì của Phó GĐ Sở NN&PTNT Hà Nội Đào Duy Tâm.

Tại cuộc hội thảo người ta còn thấy có ông Trần Văn Quỳnh, GĐ TTKN Trung ương, ông Nguyễn Bá Sướng, GĐ TTKN Hà Nội và hai đồng chủ trang trại Sơn Thủy: Trịnh Nguyên Thủy và Nguyễn Viết Hoan.

Hội thảo đã đi tới kết luận: Xây dựng mô hình trang trại nông nghiệp sinh thái bền vững tại Mễ Trì - Từ Liêm là đúng hướng chỉ đạo của Bộ NN&PTNT và của Hà Nội.

Hội thảo cũng thống nhất đây là mô hình khuyến nông, Sở NN&PTNT là đơn vị chủ quản, TTKN Hà Nội là đơn vị thực hiện…

Ngày 24/10/2001, GĐ Sở NN&PTNT Hà Nội khi đó có văn bản gửi GĐ Cục khuyến nông - khuyến lâm (Bộ NN&PTNT). Theo đó, TTKN Hà Nội xây dựng dự án Mô hình Nông nghiệp sinh thái bền vững tại thôn Thượng - xã Mễ Trì - Từ Liêm, thực hiện trong 4 năm với tổng kinh phí 4,35 tỷ đồng.

Trong đó kinh phí khuyến nông hỗ trợ là 0,8 tỷ đồng, huy động: 1 tỷ đồng và vốn tự có 2,55 tỷ đồng. Vào đầu năm 2002, Cục Khuyến nông đã có công văn gửi UBND TP Hà Nội trong đó đánh giá cao “hiệu quả” của trang trại Sơn Thủy.

Và không hiểu dựa vào đâu văn bản này khẳng định Sơn Thủy sử dụng 3,5 ha, đang cải tạo 7,5 ha ao cũ, bãi rác để nuôi thủy sản vào năm 2002 (thực tế đến lúc thu hồi vào tháng 4/2005, tổng diện tích của trang trại này khoảng 4,4 ha).

Và để phù hợp quy mô dự án (15ha), Ban quản lý dự án đề nghị TP Hà Nội và huyện Từ Liêm cho Ban quản lý dự án và trang trại Sơn Thủy thầu 3,5 ha để xây dựng khu sơ chế, bảo quản, xây dựng khu chợ hoa cây cảnh!? Rất may là đề nghị này chưa được chấp thuận.

Đến công văn “lạ”

Cho dù chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt giao đất cho dự án, song ngay khi mua gom được một số diện tích, ông chủ trang trại đã ngang nhiên xây dựng nhiều công trình.

Cụ thể vào tháng 7/2001, trang trại Sơn Thủy đã cho xây dựng những cột, trụ, xây hàng rào và khung nhà nổi. Suốt những tháng cuối năm 2001 trang trại Sơn Thủy lại xây dựng hàng rào, cổng, sân…

Chính quyền địa phương đã nhiều lần lập biên bản vi phạm và yêu cầu Sơn Thủy phải khôi phục lại hiện trạng ban đầu. Tiếc rằng những vi phạm này không những không được khắc phục mà trái lại, Sơn Thủy ngày càng ngang nhiên hơn khi thi công các hạng mục công trình với quy mô ngày một lớn.

Năm 2002 là năm “đại công trường” tại Sơn Thủy bởi lẽ hơn ai hết ông chủ Trịnh Nguyên Thủy biết rằng vào năm 2003 Sea Games 22 được tổ chức tại Mỹ Đình, cách trang trại không xa. Đây là cơ hội tốt để “hốt bạc” và quảng bá thương hiệu. Nhà nổi, nhà khách, nhà VIP, nhà hàng, sân, rào…tấp nập được xây dựng. Những tờ biên bản lại tiếp tục được lập, nhưng vi phạm không giảm.

Trước tình hình bức xúc này, ngày 21/3/2002 Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Đỗ Hoàng Ân đã có văn bản 656/UB - XDĐT gửi Chủ tịch UBND huyện Từ Liêm, Sở Xây dựng, Địa chính nhà đất, Kiến trúc sư trưởng thành phố.

Công văn nêu rõ: “Cty Đầu tư phát triển Sơn Thủy đang tập trung đầu tư xây dựng khu kinh doanh dịch vụ, giải trí với quy mô lớn, không đúng với quy hoạch được duyệt, vi phạm quy định quản lý trật tự xây dựng đô thị... UBND TP yêu cầu Chủ  tịch UBND huyện Từ Liêm, GĐ Sở Xây dựng, Kiến trúc sư trưởng phối hợp kiểm tra, có ngay các biện pháp hữu hiệu để đình chỉ việc xây dựng trái phép của Cty Sơn Thủy…”.

Ngày 29/3/2002 Thành ủy Hà Nội đã có công văn gửi Thường vụ huyện ủy Từ Liêm đề nghị Ban Thường vụ Huyện ủy Từ Liêm chỉ đạo UBND huyện phối hợp với các ngành chức năng thành phố thực hiện khẩn trương, nghiêm túc công văn 656 của UBND TP.

Có điều cực kỳ lạ lùng là cùng ngày 29/3/2002 lại có công văn 1618/VPCP-NN (do Phó Chủ nhiệm VPCP Nguyễn Công Sự ký) gửi Bộ NN&PTNT, UBND TP Hà Nội và UBND huyện Từ Liêm.

Công văn nêu: “Về đề nghị của Bộ NN&PTNT trong việc quản lý và sử dụng đất để thực hiện dự án khuyến nông về trang trại nông nghiệp sinh thái bền vững Sơn Thủy (công văn 1131/CV - KNKL ngày 18/3/2002), Phó Thủ tướng Nguyễn Công Tạn khi đó có ý kiến như sau: Khuyến khích việc thực hiện dự án khuyến nông về trang trại nông nghiệp sinh thái bền vững Sơn Thủy. UBND TP Hà Nội tạo điều kiện để dự án đạt được mục tiêu đề ra”.

Thực tế, công văn 1131/CV - KNKL là của Bộ NN&PTNT gửi UBND TP Hà Nội và UBND huyện Từ Liêm do Cục trưởng Cục KNKL Nguyễn Hưng Quốc thừa ủy quyền ký. Lạ một điều mục nơi nhận không hề ghi Văn phòng Chính phủ, hay Phó Thủ tướng Nguyễn Công Tạn. Vậy mà chẳng hiểu căn cứ vào đâu mà ông Nguyễn Công Sự lại ký ban hành công văn 1618 nói trên (?!).

Sau khi có công văn 1618, trang trại Sơn Thủy không những không bị đình chỉ xây dựng mà còn “rất ung dung” để quẳng ra trên chục tỷ đồng xây dựng nhà hàng, xây dựng điểm vui chơi giải trí kinh doanh kiếm lời và không ngừng gây thanh thế cho đến khi ông chủ trang trại lộ nguyên hình là một ông “trùm heroin”.  

Bài 3: Đã lại có một “Sơn Thủy” mới giữa lòng Hà Nội!

MỚI - NÓNG
Nhiều chính sách mới có hiệu lực từ tháng 4/2024
Nhiều chính sách mới có hiệu lực từ tháng 4/2024
TPO - Từ tháng 4/2024, nhiều chính sách mới có hiệu lực như: sửa đổi, bổ sung một số điều của quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông; không xét danh hiệu “Lao động tiên tiến” với người tuyển dụng dưới 6 tháng; quy định mới về xét danh hiệu "Thầy thuốc nhân dân", "Thầy thuốc ưu tú"...
Công an thông tin về vụ múc đất cao tốc mang đi bán
Công an thông tin về vụ múc đất cao tốc mang đi bán
TPO - Lãnh đạo Công an huyện Krông Pắc (Đắk Lắk) cho biết, việc khởi tố 2 bị can liên quan múc đất công trình cao tốc Khánh Hoà - Buôn Ma Thuột mang đi bán là hồi chuông cảnh báo. Công an huyện sẽ kiểm tra, xử lý các xe quá khổ, quá tải, nhất là việc múc đất của dự án đổ đi nơi khác không đúng quy định.