Ai đứng sau vụ chém Trưởng phòng kỹ thuật PMU 18?

Ai đứng sau vụ chém Trưởng phòng kỹ thuật PMU 18?
TP - CQĐT đang lần lại hồ sơ vụ nguyên Trưởng phòng kỹ thuật PMU 18 bị chém trọng thương trên đường Hoàng Quốc Việt, Hà Nội một cách đầy bí ẩn, cách đây 4 năm.
Ai đứng sau vụ chém Trưởng phòng kỹ thuật PMU 18? ảnh 1

Ngày 4/2/2002, trong khi đi từ nhà riêng đến đường Hoàng Quốc Việt, ông Đỗ Ngọc Trung, Trưởng phòng Kỹ thuật công nghệ, PMU 18 bị hai kẻ lạ mặt đi xe máy cùng chiều chém vào bả vai trái rồi tẩu thoát.

Sau khi bị chém ông Trung cố đi về nhà và được đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện 19/8 - Bộ CA ( Hà Nội). Sau khi điều trị tại bệnh viện đến ngày 6/2/2002, ông Trung ra viện về nhà điều trị tiếp.

Tuy nhiên do viết thương bị nhiễm trùng nên bệnh viện đã yêu cầu cơ quan cho ông Trung nghỉ việc để điều trị đến ngày 6/4/2002.

Sau khi sự việc xảy ra, theo yêu cầu của gia đình ông Trung, cơ quan điều tra quận Cầu Giấy, CATP Hà Nội, Cục An ninh kinh tế đã gặp ông Trung và làm việc với PMU 18 để tìm hiểu, điều tra sự việc.

Câu hỏi đặt ra là vì sao ông Trung bị chém trọng thương?

Dư luận PMU 18 cho đến nay vẫn bị ám ảnh nặng nề về vụ hành xử theo kiểu xã hội đen này. Ông Trung là một Trưởng phòng kỹ thuật có tâm, có năng lực nên nắm sâu sát về các dự án mà PMU 18 làm chủ đầu tư trong đó có dự án cầu Phả Lại (một gói thầu nằm trong dự án QL 18).

Cầu Phả Lại có chiều dài 1.125m, khởi công ngày 15/1/2000, khánh thành ngày 3/2/2002. Nhà thầu thi công là Cty CSCEC (Trung Quốc) và Cty Vật tư vận tải và xây dựng công trình giao thông (Tranco). Giá trị gói thầu khoảng 180 tỷ đồng.

Để đẩy nhanh tiến độ lấy thành tích, PMU 18 đã có “điều chỉnh” quy trình thi công. Phương án điều chỉnh được nhà thầu đưa lên, chủ đầu tư chấp thuận và Bộ GTVT đồng ý.

Kết quả là cây cầu được hoàn thành sớm đảm bảo khánh thành vào ngày 3/2/2002, nhưng chưa thể khai thác ngay do thiếu lan can và đường đầu cầu chưa hoàn chỉnh đồng bộ.

Đi kèm với thành tích, hậu quả của việc “điều chỉnh” quy trình thi công để lại vô cùng lớn. Trên cây cầu mới toanh đã xuất hiện nhiều vết nứt (khoảng 20 vết).

Để giải quyết hậu quả, PMU 18 đã phải thuê tư vấn bơm keo xử lý vết nứt. Về kinh phí, cầu Phả Lại cũng đội giá lên hàng chục tỷ đồng (nhà thầu lập dự toán khoảng 30 tỷ đồng).

Chắc hẳn sự “liên quan” của ông Trung trong thực hiện hợp đồng này cũng xuất phát từ đó. Là trưởng phòng Kỹ thuật của PMU 18, ông Trung biết rất rõ rằng việc điều chỉnh nói trên có đảm bảo các quy trình, quy phạm, chất lượng công trình hay không, cũng như tiền tỷ của Nhà nước có được chi tiêu một cách hữu ích?

Có thông tin nói rằng, nhiều khả năng những vấn đề “nhạy cảm” của công trình sẽ bị cơ quan chức năng biết đến. Thông tin này làm cho một số lãnh đạo PMU 18 và một số nhân vật trong PMU 18 hồi đó đứng ngồi không yên.

Ngày 3/2/2002, cầu Phả Lại được khánh thành thì ngay hôm sau (ngày 4/2/2002), ông Trung bị chém trên đường Hoàng Quốc Việt một cách bí ẩn.

Dư luận khi ấy cho rằng phải chăng ông Trung bị “dằn mặt” vì có ý định lên tiếng về vấn đề chất lượng công trình cầu Phả Lại? Thời gian sau, ông Trung đã xin chuyển công tác khỏi PMU 18 và vụ án dường như đi vào quên lãng.

Mãi đến cuối năm 2002, khi ông Đào Đình Bình lên giữ chức Bộ trưởng Bộ GTVT, tại kỳ họp Quốc hội phiên cuối năm, có đại biểu đã chất vấn ông Bình về vụ việc này.

Sau đó, Bộ GTVT có văn bản số 4476/GTVT-VP ngày 24/11/2002 trả lời về vụ án Đỗ Ngọc Trung. Theo đó, tuy nhiều cơ quan chức năng vào cuộc: A 17, CA quận Cầu Giấy... nhưng đến tháng 11/2002 vẫn chưa có kết quả gì?

Nguồn tin của Tiền phong cho biết, cùng với việc lật lại hồ sơ vụ đánh nhau trên đường Bưởi, Hà Nội của lãnh đạo PMU 18, vụ Trưởng phòng kỹ thuật PMU 18 bị chém cũng sẽ được cơ quan điều tra xem xét.

Ai đứng sau vụ án “hình sự” này và những nghi ngờ về chất lượng công trình cầu Phả Lại cần sớm được làm rõ.

MỚI - NÓNG