Án giết người gia tăng

Án giết người gia tăng
Tin về trọng án vẫn được những người bán báo dạo rao lên chói tai vào nhiều buổi sáng. Số vụ án giết người do mâu thuẫn tăng hơn 10%. Chúng ta có bàng quan trước những vụ án mà kẻ gây tội ác chỉ bột phát trở thành quỷ dữ?

Khoảng 22 giờ ngày 24/12, có 6 người đi ôtô từ thành phố Vinh đến huyện Diễn Châu (Nghệ An) chơi Noel; trong số này có Phan Bá Trung và Phan Bá Hiếu. Sau khi ra về, một nhóm thanh niên xã Diễn Hạnh trêu bạn gái đi cùng xe với Trung và Hiếu. Hai cậu thanh niên tức khí lao vào ẩu đá với trai làng.

Phan Bá Trung dùng dao đâm trọng thương Cao Văn Thường - 21 tuổi, trú xã Diễn Hạnh. Nạn nhân chết trên đường cấp cứu. Công an huyện Diễn Châu đã tạm giữ Hiếu và Trung.

Trước đó, rạng sáng 19/12, một cô gái và bạn trai được phát hiện nằm bất tỉnh trước cửa ngôi nhà ở đường Hậu Giang (quận 6, TPHCM). Trên cổ hai người đều có vết cứa khá sâu.

Công an phường 12 (quận 6) đến hiện trường và xác định cô gái (tên Hạnh, 19 tuổi) đã chết. Còn người thanh niên tên Vũ (18 tuổi) đang hấp hối. Sau đó, anh ta đã chết tại bệnh viện.

Theo kết quả xác minh, do ghen tuông, Vũ đến chỗ Hạnh làm thuê để hỏi chuyện, rồi cắt cổ cô gái; sau đó tự sát. Tại hiện trường, công an thu một con dao và một chiếc búa....

Thống kê của cơ quan chức năng: Giết người do mâu thuẫn tăng 10,3%; cố ý gây thương tích do thù tức cá nhân tăng 9,3%, nhiều vụ sử dụng vũ khí, vật liệu nổ để trả thù cá nhân gây hậu quả nghiêm trọng (vụ đối tượng nổ lựu đạn làm chết 4 người, bị thương 6 người ở Lạng Sơn; vụ đối tượng dùng súng AR15 bắn chết 2 người tại Tiền Giang...).

Đáng lưu ý là xảy ra nhiều vụ giết hại người thân trong gia đình hoặc giết nhiều người với thủ đoạn dã man như ở Hà Nội, Đồng Nai, Yên Bái...

Tội phạm thanh thiếu niên, học sinh, sinh viên tiếp tục gia tăng, nhất là các băng nhóm thanh, thiếu niên tụ tập ăn chơi, đâm chém lẫn nhau, gây rối trật tự công cộng. Nhiều vụ đối tượng tuy còn ít tuổi nhưng đã phạm các tội giết người, cướp tài sản....

Những năm cuối thế kỷ trước, số vụ án giết người ít hơn bây giờ và phần nhiều đều liên quan đến những hành vi của tội phạm cướp của; hoặc bọn trộm, cướp, chống lại người truy bắt chúng gây nên...

Đất nước hội nhập với thế giới, kinh tế phát triển, nhưng môi trường xã hội ở một số lĩnh vực và địa phương bị xáo trộn. Đó là sự chuyển hoá ở cộng đồng dân cư (ở nông thôn - từ thuần nông đi làm công nhân, dịch vụ; phân hóa giàu nghèo); nhu cầu hưởng thụ gấp gáp và “lai căng”... phổ biến khá nhanh từ thành thị đến nông thôn, đã tạo nên những cuộc “khủng hoảng nhỏ” nhưng rất nghiêm trọng ở một số gia đình, khu dân cư.

Những thuần phong, mỹ tục tuy được cổ súy, tôn vinh, phục hồi, nhưng nó mới ở tình trạng “xôi đỗ” hoặc lại nệ cổ mà biến tướng thành hủ tục như các nghi thức đám ma ở nhiều vùng quê, rồi cỗ bàn linh đình..,. cả việc hiếu, việc hỷ đều phải... rượu với mâm cao cỗ đầy.

Nếp sống văn hóa mới cũng luôn ở dạng phong trào, không chuyển hóa thành nền nếp của gia đình và cộng đồng. Dân ta, nhất là giới trẻ đang bị mê hoặc vì trào lưu “công nghệ thông tin”, những đợt sóng “nghệ thuật” xuất xứ từ nước ngoài cứ ào ạt đổ bộ trên tất cả các kênh thông tin giải trí và sự “tiếp thu có chọn lọc” cũng không mấy được chú tâm.

Tại sao chúng ta có cả một hệ thống quản lý nhà nước cùng với các chính sách, pháp luật quản lý xã hội; các quy định về “Xây dựng nếp sống mới, tăng cường đoàn kết ở cộng đồng dân cư''; “Tất cả vì học sinh thân yêu”; “Trường ra trường, lớp ra lớp”... mà nhiều lĩnh vực xã hội bị xáo trộn với nhiều biểu hiện suy thoái như vậy?.

Có nhiều lý giải khác nhau, nhưng chung quy lại là do các cấp uỷ Đảng, chính quyền chưa giải quyết tốt các vấn đề xã hội tương ứng với sự phát triển kinh tế, dẫn đến sự phân hóa sâu sắc trong xã hội về mức thu nhập, dẫn đến suy giảm trách nhiệm cộng đồng; trách nhiệm gia đình.

Hậu quả của chủ nghĩa thành tích, tô hồng và phô trương vẫn còn di chứng nặng nề và bản thân nó đang phát triển theo dạng thức mới: Quyền sở hữu là thước đo đẳng cấp; Đạo lý và tình nghĩa không được suy tôn đúng mức như văn hiến truyền thống...

Chính vì vậy, những dục vọng của cá nhân được buông thả và có nhiều cơ hội để đáp ứng, ít bị sự kiểm soát từ ý thức tự giác nhờ môi trường văn hiến vững chắc, trong khi việc vận dụng pháp luật để kiểm soát và điều tiết mọi lĩnh vực của đời sống chưa thực sự nghiêm minh.

Sự khủng hoảng niềm tin ở một bộ phận thanh, thiếu niên (do mất phương hướng tu dưỡng, phấn đấu); một số bệnh về sức khỏe, tâm thần trong đời sống đô thị hoá, công nghiệp hoá đã phát sinh... là những nguyên nhân cơ bản dẫn đến hành vi bột phát gây trọng án khi xuất hiện mâu thuẫn cá nhân.

Vì vậy, chính sách về chiến lược văn hoá phải được củng cố và phát triển thích ứng với thực tế vận động của kinh tế-xã hội thời hội nhập. Hạn chế tình trạng “quan liêu hoá các chính sách văn hoá-xã hội” và bệnh hình thức các hoạt động của các đoàn thể ở cơ sở. Có như vậy, sang năm tới mới hy vọng giảm được những vụ án giết người... do mâu thuẫn.

Theo Hồng Quân
TTXVN

MỚI - NÓNG