An ninh Việt Nam - những chiến công lịch sử

300 tấn vũ khí và 14 tấn tiền giả bị thu giữ trong kế hoạch KHCM12.
300 tấn vũ khí và 14 tấn tiền giả bị thu giữ trong kế hoạch KHCM12.
TP - 70 năm phát triển và trưởng thành (12/7/1946 - 12/7/2016), lực lượng An ninh - Bộ Công an đã phối hợp với các lực lượng vũ trang ngăn chặn, đẩy lùi nhiều hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, góp phần bảo vệ đất nước hòa bình, ổn định và phát triển. Tiền Phong xin giới thiệu một số chiến công mang dấu ấn lịch sử của lực lượng An ninh nước nhà.

Bài 1: “Mẻ lưới” 9 gián điệp biệt kích

Năm 1981, từ việc “cất mẻ lưới” 9 tên gián điệp biệt kích, lực lượng An ninh Việt Nam đã triển khai kế hoạch mang bí số KHCM12 phá tan âm mưu của một tổ chức phản động lưu vong, bắt hơn 2 nghìn đối tượng, thu giữ 160 tấn vũ khí cùng 14 tấn tiền…

Truy lùng gián điệp biệt kích

Theo hồ sơ của Tổng cục An ninh – Bộ Công an, chiều 15/5/1981, cơ quan An ninh phát hiện làn sóng lạ ở khu vực bờ biển tỉnh Minh Hải (nay Cà Mau), nghi vấn về hoạt động của tàu biệt kích. Tin này lập tức được báo cáo lên Bộ trưởng Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an) Phạm Hùng. Mệnh lệnh truy lùng biệt kích được phát đi, lực lượng vũ trang tỉnh Minh Hải cùng lực lượng An ninh đã nhanh chóng bắt gọn toán gián điệp biệt kích gồm 8 tên và tiêu diệt 1 tên, thu toàn bộ vũ khí, phương tiện hoạt động khi chúng chưa kịp liên lạc về trung tâm.

Toán gián điệp bị bắt khai báo: Chúng gồm 11 tên xuất phát từ cảng Rayon (Thái Lan) trên con tàu B3 với biển đăng ký quốc doanh đánh cá Phú Khánh. Qua lời khai của chúng, ta xác định đây là tổ chức “Mặt trận thống nhất các lực lượng giải phóng Việt Nam” do Lê Quốc Túy và Mai Văn Hạnh cầm đầu mà cơ quan An ninh đã lập chuyên án đấu tranh trước đây.

Túy và Hạnh nguyên là sỹ quan không quân ngụy quyền Sài Gòn bị thất sủng phải sang Pháp sống lưu vong và thành lập “Mặt trận thống nhất các lực lượng yêu nước giải phóng miền Nam Việt Nam” do Lê Quốc Túy làm chủ tịch. Từ năm 1979, chúng được những phần tử cực hữu trong chính quyền Thái Lan giúp đỡ, cho phép sử dụng đất Thái Lan làm căn cứ hoạt động, đặt “tổng hành dinh” tại Bangkok.

Ngoài ra, chính quyền Thái Lan còn cho phép Túy, Hạnh xây dựng 2 mật cứ huấn luyện lấy tên “Tự Thắng”, “Quyết Tiến” có thể huấn luyện hàng nghìn tên biệt kích; cho phép sử dụng cảng Rayon và Surathani ở vịnh Thái Lan để cất giấu đội tàu gồm 4 chiếc, làm điểm xuất phát cho các chuyến xâm nhập.

An ninh Việt Nam - những chiến công lịch sử ảnh 1

Bùi Nam Sơn - đối tượng gián điệp phản động bị bắt giữ khi xâm nhập về nước (Ảnh: Tổng cục An ninh - Bộ Công an cung cấp).

Dùng đài địch… tiêu diệt địch

Cũng từ lời khai của toán gián điệp biệt kích, theo chỉ đạo của Túy và Hạnh, toán xâm nhập sẽ ẩn náu tại Minh Hải. Sau khi ổn định chỗ ở, chúng sẽ thành lập “Tổ Đặc biệt” gồm 4 tên, rồi lần lượt tung các toán khác về nước cùng các loại vũ khí, phương tiện làm bộ khung và trang bị cho lực lượng phản động trong nước thành lập đội quân phản cách mạng tiến hành các hoạt động chống phá, lật đổ.

Sau khi nghe báo cáo về việc 5 trong số 8 đối tượng bị bắt tình nguyện lập công chuộc tội, Thứ trưởng Cao Đăng Chiếm và Phó Cục trưởng cục chống phản động - Nguyễn Phước Tân (Hai Tân) lập tức chỉ đạo triển khai kế hoạch phản gián điện đài, dùng điện đài của địch đánh lại địch để “cất mẻ lưới lớn”. 

Theo quy ước của tổ chức địch, phiên liên lạc đầu tiên phải thực hiện ngày 25/5/1981 song chỉ có tên toán trưởng đã bị tiêu diệt mới biết nội dung… Trước tình huống khó khăn, Thứ trưởng Cao Đăng Chiếm chỉ đạo gửi bức điện với nội dung “Tàu đã vào tới nơi, anh em an toàn”. Sự mưu trí và quyết đoán của người cầm quân khiến “rắn đầu đàn” không mảy may nghi ngờ mà thông báo lại: “Tàu đã về đến Bangkok vô sự, ngày giờ khởi hành chuyến thứ 2 sẽ cho biết sau”.

Phiên liên lạc với trung tâm địch thành công, đồng chí Cao Đăng Chiêm tổ chức họp ngay tại trụ sở trại giam Cây Gừa để quyết định lập chuyên án đấu tranh với trung tâm địch mang bí số CM12. Nhưng qua thực tế đấu tranh, phạm vi đối tượng của CM12 đã vượt tầm cỡ của một chuyên án nên Bộ trưởng Phạm Hùng quyết định gọi là “Kế hoạch CM12” (KHCM12).

Kế hoạch này đặt dưới sự chỉ đạo trực tiếp của ông. Kể từ đây, KHCM12 thực sự đã trở thành một cuộc đấu tranh bí mật với quy mô lớn của lực lượng An ninh Việt Nam với các cơ  quan tình báo các nước thù địch và bọn phản động và nước ngoài. 

Từ tháng 9/1981 -  9/1984, lực lượng An ninh Việt Nam đã tổ chức dụ, nhử đón bắt 17 chuyến xâm nhập của địch, thu được hơn 160 tấn vũ khí, 11 bộ điện đài, 5.300USD, 14 tấn tiền Việt Nam giả trị giá khoảng 300 triệu đồng; bắt và tiêu diệt 162 tên gián điệp biệt kích. Khi KHCM12 kết thúc, tại trung tâm địch ở Thái Lan còn 25 tên (4 tên ở Bangkok, 21 tên ở căn cứ huấn luyện).

Với số tổ chức phản động trong nội địa có liên quan đến KHCM12 lực lượng an ninh phá 6 chuyên án, bắt 996 tên và 1.070 tên ra hàng, đầu thú.

Quá trình đấu tranh, lực lượng An ninh Việt Nam đã làm rõ những kẻ “ném đá giấu tay” muốn sử dụng sử dụng bọn Túy, Hạnh để chống phá Việt Nam.

Tháng 12/1984, lực lượng an ninh đã đưa vụ án ra xét xử công khai trước gần 100 nhà báo, khách nước ngoài đại diện dư luận quốc tế. Phiên tòa xét xử vụ án KHCM12 và hàng chục phiên tòa xét xử bọn phản động trong nội địa các tỉnh đã giáng một đòn chí mạng, đẩy lùi một bước âm mưu, hoạt động của bọn tình báo, gián điệp và làm tan rã tư tưởng của bọn phản động trong nước. Trong đó truy tố 21 bị can về tội phản quốc và tội gián điệp, với 5 mức án tử hình; 2 mức án tù chung thân; 14 mức án tù từ 12-20 năm; miễn truy tố đối với 5 đối tượng trong quá trình điều tra có thái độ ăn năn, hối cải, khai báo thành khẩn, lập công chuộc tội.

MỚI - NÓNG