Án oan xưa nay không hiếm, nhưng...

Án oan xưa nay không hiếm, nhưng...
TP - Quan điểm của nhà thơ Vũ Quần Phương về một “tiếng oan dậy đất án ngờ lòa mây” của thế kỉ 21- Nguyễn Thanh Chấn ở Bắc Giang.

> Đề nghị giám sát vụ án oan Bắc Giang
> 6 điều tra viên cùng phủ nhận đánh đập, ép cung ông Chấn
> Ai sẽ bồi thường cho người thụ án oan?

Xung quanh vụ án hơn 3.600 ngày oan trái vừa qua, dư luận tổng kết “Còn đông ông Chấn lắm”. Theo ông, làm thế nào để xã hội bớt đi những người bị hàm oan? Trước giờ người ta đã tổng kết rằng ở xứ mình, bạn ổn cho đến khi bạn phải đi bệnh viện hoặc lâm vào cảnh đáo tụng đình, gặp rắc rối với pháp luật. (Chứ không phải bạn ổn nếu bạn không phạm tội. Không phạm tội cũng có thể không yên).

Những vụ án oan xưa nay không hiếm. Trong văn chương oan khuất tụng đình đã thành một nguyên nhân tạo nên nhiều số phận bi thương. Giăng Van Giăng của Victo Hugo trong Những người khốn khổ, Maxlôva của Lep Tonxtoi trong Phục sinh, ngay cả cô Kiều của Nguyễn Du nhà mình... Họ là nạn nhân của thói vô trách nhiệm, ích kỷ của đám quan chức tư pháp thời ấy: Tiếng oan dậy đất án ngờ lòa mây. Những bản án đã hủy hoại cả đời người, có người rất nhân ái, rất tài sắc, làm đau đớn lương tri nhiều thế hệ người của toàn nhân loại.

Vụ án oan của ông Chấn và những vụ trước đó (đã thành văn thành kịch) cho thấy những oan khiên tư pháp này ở thời chúng ta vẫn còn và có những vụ hết sức nặng nề.

Vụ 3.600 ngày oan của ông Chấn với vụ oan 2.000 ngày (đã thành kịch Lưu Quang Vũ) như một lặp lại đồng dạng. Người ta lạnh người vì sự đồng dạng oan khiên khủng khiếp ấy. Làm sao cho nó không lặp lại. Những người gây nên nỗi oan khiên này phải ra trước tòa án tư pháp, tòa án dư luận và tòa án lương tâm để rút ra bài học cho ngành tư pháp kiện toàn cơ chế buộc tội, cơ chế xét xử, để lương tâm những ai cầm cân công lý được đánh thức, được biết run sợ trước tội ác của thói vô trách nhiệm, ích kỷ hại nhân của
chính mình.

Nhân loại đã có nhiều kinh nghiệm, đã dần dần tạo dựng những tiêu chí để xét xử nhằm hạn chế oan khiên như trọng chứng hơn trọng cung, như coi trọng vai trò của luật sư, coi trọng phản biện, và ý chí xác định đến cùng những dấu vết còn hồ nghi. Riêng vụ ông Chấn, chính báo Tiền Phong ngày 28/6/2006 cũng đã đăng những nghi vấn đòi công bằng cho ông Chấn. Chỉ nội việc lắng nghe và thẩm định những nghi vấn ấy cũng đủ ngăn lại oan khiên. Cái cơ chế ác nghiệt nào đã cho phép tòa án làm ngơ những lời kêu oan ấy, cần được dẹp bỏ. Sáng suốt, khoa học và cấp bách dẹp bỏ để cứu người và cứu chính ngành tư pháp, cứu lương tâm người làm nghề tư pháp.

Nghề mà xã hội phát triển nào cũng cần, ngoài luật sư còn bác sĩ tâm lý, đúng là hầu như bị xem nhẹ ở ta. Một phần vì những người làm nghề này chưa nghệ tinh cho lắm, hoặc bị bó buộc bởi hệ thống luật pháp, tư pháp. Đã đến lúc phải thay đổi thưa ông?

 Vụ 3.600 ngày oan của ông Chấn với vụ oan 2.000 ngày (đã thành kịch Lưu Quang Vũ) như một lặp lại đồng dạng. Người ta lạnh người vì sự đồng dạng oan khiên khủng khiếp ấy. Nó đe dọa mọi người. Những người gây nên nỗi oan khiên này phải ra trước tòa án tư pháp, tòa án dư luận và tòa án lương tâm để rút ra bài học.

Nhà thơ Vũ Quần Phương

Không tinh thông nghiệp vụ lại thêm bệnh thành tích, trong nghề nào cũng đáng trách nhưng trong nghề này, hậu quả bi thương. Trò chuyện với các ông chánh án, các ông ở viện kiểm sát, nhất là khi về hưu, tổng kết việc đời tôi thấy nhiều ưu tư lắm. Cuối đời nhìn lại việc mình làm mà không được vui, không được hài lòng là cực lắm. Tôi kính trọng nỗi buồn ấy. Nhiều chuyện cụ thể nhưng kể ra đây sợ dài. Tinh thần trách nhiệm và lương tâm con người còn đầy trong giới tư pháp của chúng ta. Làm sao để lương tâm ấy, trách nhiệm ấy cộng hưởng được với cơ chế tư pháp, thành sức mạnh của công lý, thành năng lực cứu người. Tôi không đủ kiến thức pháp luật để nói chi tiết, chỉ xin nói nguyện vọng của một công dân. Ấy là xin cơ quan điều tra, xét xử coi trọng chứng và lý phản biện, coi trọng vai trò của luật sư, coi trọng kiến nghị của bác sỹ tâm lý, tâm thần và lời thanh minh, tự cãi của bị cáo. Để sự coi trọng này được thực thi cần quy rõ những tiêu chí, thủ tục điều tra xét xử. Không ai trả lời dư luận báo chí, lời khiếu nại của phạm nhân, cùng những chứng cớ do gia đình phạm nhân sưu tầm cung cấp trong một thời gian dài như trong vụ ông Chấn đã gieo mối lo âu cho xã hội.

Qua báo chí được biết những người bức cung ông Chấn đều đã viết tường trình và đều chối tội. Không ai dùng nhục hình bức cung. Nghĩa là không dưng một người đang yên lành lại nhận mình giết người để rồi ra tòa lại một mực kêu oan, và bền bỉ kêu oan đã 10 năm trời. Phải điều tra những người trong diện nghi bức cung này. Chắc chắn có người phạm tội nhưng cũng không được... bức cung họ. Cái khó là ở đấy. Cần khoa học, cần tài năng và nhất là cần đạo lý, cần cảm hóa là ở đấy. Tính chất thiêng liêng, thuyết phục của hình tượng người bịt mắt cầm cân cũng là ở đấy.

Án oan xưa nay không hiếm, nhưng... ảnh 1

Bang Florida nước Mỹ có một làng tên là làng Phép lạ, nơi cư trú của tội phạm tình dục đi tù về. Lập ra làng này bởi tội phạm loại này có cuộc sống khó khăn sau khi ra tù; và cũng để dễ quản, tránh tái phạm. Họ là giáo viên, mục sư, huấn luyện viên thể thao từng lạm dụng trẻ nhỏ, người thân. Mỗi tuần làng nhận 10 đến 20 lá đơn xin cư trú. Theo luật của bang, tội phạm tình dục phải sống ngoài bán kính 300m của trường học, trung tâm trông giữ trẻ, công viên, sân chơi… (các thành phố và nhiều khu vực mở rộng giới hạn quy định lên 700m). Một số nơi như bể bơi, trạm dừng xe buýt, thư viện… cũng nằm trong danh mục “cấm cửa” tội phạm loại này. Nói vui, hay Việt Nam mình cũng lập ra những cái làng như thế, bởi bọn phạm loại tội này bây giờ đông như rươi?

Thời hiện đại, người ta có nhiều cách ngăn ngừa tội phạm. Tù cũng có nhiều kiểu tù. Cốt sao cách ly cái ác, khống chế cái ác, mà giảm bớt được sự khổ ải của con người, dù đấy là người phạm tội. Tù tại gia bằng cách cho phạm nhân đeo vòng điện tử hạn chế và kiểm tra không gian di chuyển. Cái làng bạn nói là dành cho người trong diện quản thúc sau khi ra tù. Người phạm không bị kỳ thị trong môi trường ấy lại không bị lôi kéo tái phạm. Nghe nói ở đấy đông vui(!) đến mức nhiều tay “chưa tù” cũng muốn “nhập hộ”. Ta có muốn lập làng này cũng nên điều tra xã hội học, biện luận, thể nghiệm từng bước đã. Lối sống, tâm lý dân chúng mỗi nơi một khác. Làng Phép lạ này giúp ngăn ngừa tội phạm ở nước này, nhưng có khi ở nước khác, lại là nơi phổ biến kinh nghiệm tội ác. Ở đấy mà các anh hùng hảo hớn vui quá cũng nguy mà buồn quá cũng hỏng. Dân ta có tài biến mọi thứ nghiêm túc thành trò đùa, mà mở cái làng này, rồi lại dìu dặt khách tham quan, báo Tiền Phong lại về làm phóng sự... thì quả họa, phúc thế nào, khó lường đấy.

Từ khi lâm vào vòng lao lý, gia đình ông Chấn tan nát khốn khó, bị hắt hủi, suýt nữa họ mạc tẩy chay. Ở các nước văn minh, tội vạ ai làm nấy chịu, thế nên xem phim Mỹ mới thấy cảnh sát điều tra, thám tử nảy sinh tình cảm với vợ, chị, em của tội phạm. Còn ở ta, một người làm quan cả họ được nhờ và một người phạm tội có thể khiến cả dòng tộc liên lụy, chịu tiếng lây. Ông thấy điều này thế nào? Con người của thế kỉ 21 có nên thoáng hơn?

Đây là điều cần tính đến lắm. Mà ông Chấn còn là người được minh oan. Chứ người trọn đời sống trong oan khuất, chắc không được biết đến. Chết rồi vẫn đeo tiếng oan. Một số phận đời người như vậy, chúng ta hãy lắng lòng mình lại mà thử vận vào mình xem. Khủng khiếp lắm. Vậy mà cái họa ấy nó chẳng tha ai. Ngay cả những người trong ngành
tư pháp.

Bức xúc xã hội đó rất lớn và nghiêm trọng. Nhưng để gỡ ra lại phải từ tốn, khoa học, không để oan khuất cũng không để lọt tội. Gỡ từng mối, nối từng chỗ. Dư luận xã hội dễ gây nên những cơn ám thị tập thể khổng lồ, mạnh như bão. Sức mạnh phá hoại cũng mù lòa như bão. Việc cần sửa ngay nhưng cứ phải tỉnh táo, sáng suốt, có lộ trình hẳn hoi. Pháp luật ở nước ta, từ nửa phong kiến nửa thuộc địa, sang pháp luật thời chiến rồi pháp luật kinh tế thị trường lại định hướng xã hội chủ nghĩa, còn nhiều việc phải thật sự suy nghĩ, thật sự cầu thị để nâng cao dân trí, tạo nếp sống pháp trị.

Kỳ thị hắt hủi đối với phạm nhân đã không nên, với thân nhân họ càng không nên. Đúng hơn, không được phép, vi phạm quyền công dân của người khác. Ở những nước mạnh về pháp trị người ta có thể kiện. Tẩy chay, kì thị thân nhân người phạm tội là cách hành xử trả thù mông muội. Ngay bỏ tù, cũng không mang mục đích trừng phạt mà là một biện pháp giáo dục, một điều kiện ngăn ngừa, một không gian phản tỉnh. Cho nên việc cải thiện nơi giam giữ ngày càng được chú ý. Thái độ đối xử nhân ái với người phạm tội đã được nâng lên rất nhiều, nó đánh dấu bước trưởng thành về phẩm chất nhân văn ở thời đại chúng ta. Về mặt này, chúng ta chưa theo kịp các nước văn minh. Vì mất một con chó mà cả xóm xô ra đánh chết một con người là cách hành xử dã man, không chấp nhận được. Cách hành xử ấy gieo mầm cái ác. Hậu họa sẽ lớn lắm. Không phải chỉ là cần “một cách nghĩ thoáng” như bạn nói. Phải coi đây là tiêu chí đạo đức công dân, cần được giáo dục ngay từ tuổi đến trường và cũng là một quy chế ứng xử xã hội cần được pháp luật bảo vệ ở bất cứ đâu, bất cứ lúc nào. Phải coi đó là bản năng pháp luật mà mỗi công dân phải ý thức để có. Có, để ngay trong vô thức cũng không hành xử như vậy.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG