Áp dụng án lệ sẽ hết cửa 'chạy án'?

Cựu Cục trưởng Hàng Hải Việt Nam - Dương Chí Dũng hầu tòa đầu năm 2014. Ảnh: Bảo Thắng
Cựu Cục trưởng Hàng Hải Việt Nam - Dương Chí Dũng hầu tòa đầu năm 2014. Ảnh: Bảo Thắng
TP - Ngày 15/10, TAND Tối cao cùng các cơ quan chức năng tổ chức nghiên cứu quy trình áp dụng án lệ thống nhất trên cả nước.

Án lệ được hiểu là việc trong quá khứ với cùng hành vi, tòa án xét xử như thế nào, sau này cứ nhìn đó mà tham khảo, áp dụng. Còn nói như Chánh án TAND Tối cao Trương Hòa Bình, đó là việc tạo lập quy tắc, hoặc căn cứ pháp lý cho việc giải quyết các vụ án tương tự trong tương lai. Theo nhiều chuyên gia, áp dụng án lệ sẽ góp phần thống nhất hoạt động xét xử, thậm chí còn ngăn chặn “chạy án” hay án bỏ túi…

Chuẩn hóa công tác  xét xử

Theo phân tích của Chánh án TAND Tối cao - Trương Hòa Bình, án lệ được hiểu là những phán quyết của tòa án về một vụ việc cụ thể, có giá trị tạo lập quy tắc, hoặc căn cứ pháp lý cho việc giải quyết các vụ án trong tương lai. Để tránh nhầm lẫn việc “rập khuôn” trong quá trình xét xử, ông Trương Hòa Bình nói rõ, khi một bản án được xác định là án lệ, không phải toàn bộ nội dung của bản án đó bắt buộc phải tuân theo trong quá trình xét xử, mà chỉ là những nội dung chứa đựng những lập luận để giải thích về những vấn đề, sự kiện pháp lý, chỉ ra nguyên tắc hoặc quy phạm pháp luật cần áp dụng.

Áp dụng nguyên tắc này cho nền tư pháp Việt Nam, ông Trương Hòa Bình khẳng định: Án lệ sẽ giúp hệ thống tòa án giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc trong xét xử, khắc phục tình trạng quá tải, chậm ban hành văn bản hướng dẫn áp dụng pháp luật. “Đặc biệt, trong bối cảnh những vụ việc thuộc thẩm quyền của tòa án đang gia tăng cả về số lượng và mức độ phức tạp, nhiều quy định của pháp luật còn mang tính định tính, chưa thống nhất... thì việc áp dụng án lệ sẽ là phương thức hiệu quả để khắc phục những khiếm khuyết của pháp luật, tạo tính ổn định, minh bạch và tiên liệu trong các phán quyết” - ông Bình phân tích thêm.

Ủng hộ quan điểm đưa án lệ vào xét xử, luật sư Vi Văn A (Trưởng văn phòng luật sư số 7, Hà Nội) cho rằng,  khi công bố án lệ sẽ thúc đẩy kiểm sát viên, luật sư tăng cường tranh tụng tại phiên tòa, tăng cường viện dẫn án lệ. Bên cạnh đó, tại các án lệ đã có phân tích những thiếu sót trong xét xử. Từ đó, giúp các thẩm phán rút kinh nghiệm, nhất là án lệ liên quan đến những vụ án oan, sai.  Cũng theo luật sư Vi Văn A, việc phát triển án lệ sẽ giúp nâng cao chất lượng các bản án, quyết định của tòa án, đảm bảo xét xử đúng luật, thống nhất, ngăn chặn dấu hiệu chủ quan, duy ý chí.

Hết cửa “chạy án”?

Đồng tình với phương án sử dụng án lệ trong xét xử, luật sư Hằng Nga (Đoàn luật sư Hà Nội) cho biết, sẽ có nhiều lợi ích khi áp dụng nguyên tắc này. Trên thực tế, nếu án lệ được công khai áp dụng, người dân sẽ chủ động được kết quả xét xử, bằng việc tham khảo các phán quyết tương tự. Qua đó, nếu thấy bản án dành cho mình hoặc người thân quá nặng, có thể tính đến phương án kháng cáo. Ở phía cơ quan tố tụng, khi áp dụng án lệ có thể giúp họ đúc rút kinh nghiệm từ các bản án trước, qua đó kịp thời điều chỉnh, chỉnh sửa và hạn chế tối đa những tình huống sai lầm, khắc phục tình trạng án oan, sai.

Luật sư Nguyễn Tiến Trung (Hà Nội) cho rằng, án lệ sẽ bổ trợ cho những thiếu hụt các văn bản hướng dẫn, áp dụng, đồng thời định hướng cho tòa án các cấp có cơ sở để viện dẫn khi xét xử. “Viện dẫn án lệ chính là việc làm tăng tính thuyết phục cho mỗi phán quyết. Bên cạnh đó, án lệ giúp việc xét xử được minh bạch, hạn chế tối đa án bỏ túi, chạy án. Bởi lẽ, nếu xét xử không đúng luật, có sự can thiệp chủ quan từ cơ quan tòa án thì ngay sau đó, ở cấp xét xử cao hơn, những tiêu cực này dễ dàng bị lật tẩy, rồi sau đó chính là chuyện sửa, hủy án” - luật sư Trung nói.

Bổ sung những ý kiến trên, luật sư Nguyễn Đức Toàn (Giám đốc Cty luật Vimax Asia, Hà Nội) phân tích, đúng là án lệ có những lợi thế trong việc áp dụng pháp luật. Tuy nhiên, các nhà làm luật cần lưu ý, đó chỉ là những tài liệu mang tính tham khảo, mang tính thứ yếu so với hệ thống văn bản pháp luật hiện hành.

Một luật sư cho biết, chúng ta ủng hộ áp dụng án lệ, nhưng không có nghĩa, việc xét xử của toà án sẽ lệ thuộc vào đó, mà phải căn cứ vào các quy định cụ thể, các điều khoản cụ thể. Bởi lẽ, các hội thẩm, thẩm phán phải chịu trách nhiệm cá nhân cho mỗi phán quyết của mình. Không thể tuyên án trên cơ sở của một thẩm phán, hội thẩm khác.

Đã được luật hóa

Theo ông Trương Hòa Bình, chủ trương án lệ đã được xác định tại Nghị quyết 48/2005 của Bộ Chính trị, với tên gọi “Chiến lược hoàn thiện hệ thống pháp luật định hướng đến năm 2020”. Đồng thời, giao cho TAND Tối cao nhiệm vụ phát triển án lệ, được cụ thể tại Nghị quyết 49/2005 của Bộ Chính trị. Theo đó, TAND Tối cao có nhiệm vụ tổng kết kinh nghiệm xét xử, hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật, phát triển án lệ và xét xử giám đốc thẩm, tái thẩm. Gần đây, tại Điều 22 của Luật tổ chức Toà án nhân dân năm 2014 nêu rõ, hội đồng thẩm phán TAND Tối cao có nhiệm vụ: Lựa chọn quyết định giám đốc thẩm của Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao, bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật, có tính chuẩn mực của các toà án, tổng kết phát triển thành án lệ và công bố án lệ để các tòa án nghiên cứu, áp dụng trong xét xử.

MỚI - NÓNG
Nhiều chính sách mới có hiệu lực từ tháng 4/2024
Nhiều chính sách mới có hiệu lực từ tháng 4/2024
TPO - Từ tháng 4/2024, nhiều chính sách mới có hiệu lực như: sửa đổi, bổ sung một số điều của quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông; không xét danh hiệu “Lao động tiên tiến” với người tuyển dụng dưới 6 tháng; quy định mới về xét danh hiệu "Thầy thuốc nhân dân", "Thầy thuốc ưu tú"...
Công an thông tin về vụ múc đất cao tốc mang đi bán
Công an thông tin về vụ múc đất cao tốc mang đi bán
TPO - Lãnh đạo Công an huyện Krông Pắc (Đắk Lắk) cho biết, việc khởi tố 2 bị can liên quan múc đất công trình cao tốc Khánh Hoà - Buôn Ma Thuột mang đi bán là hồi chuông cảnh báo. Công an huyện sẽ kiểm tra, xử lý các xe quá khổ, quá tải, nhất là việc múc đất của dự án đổ đi nơi khác không đúng quy định.